Sau khi nghỉ hưu, thi thoảng Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng dành thời gian tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Mỗi lần gặp thủ trưởng, chúng tôi đều ấn tượng với phong cách chỉ huy mẫu mực, rất nghiêm túc, sâu sát cơ sở nhưng độ lượng, bao dung, thực sự vì công việc, vì sự tiến bộ của đơn vị và cấp dưới. Đại tướng Phùng Quang Thanh nói chuyện cởi mở, chân tình và rất chú trọng truyền thụ kinh nghiệm công tác, truyền nhiệt huyết cho cán bộ, chiến sĩ. Những câu chuyện Đại tướng kể về một thời trận mạc, về kinh nghiệm trong chiến đấu, tổ chức chỉ huy đơn vị, về xây dựng mối quan hệ đoàn kết cán binh, đặc biệt là kinh nghiệm trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... là những bài học vô cùng thiết thực, quý giá đối với cá nhân tôi cùng với đội ngũ cán bộ của Sư đoàn.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (năm 2013). Ảnh: QUANG MINH. 

Qua nhiều lần được gặp, trò chuyện và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 hôm nay vô cùng ngưỡng mộ trước tấm gương mẫu mực, phấn đấu không ngừng của Đại tướng. Là con duy nhất của liệt sĩ, được địa phương thông báo miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng đồng chí Phùng Quang Thanh kiên quyết xin nhập ngũ để trực tiếp đánh giặc. Quá trình tham gia chiến đấu, đồng chí Phùng Quang Thanh thể hiện rõ đức tính kiên cường, dũng cảm, dù bị thương vẫn quyết bám trụ chiến trường, xung kích đi đầu chỉ huy bộ đội tiến công địch, giành thắng lợi. Vì thế, sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, dũng sĩ Phùng Quang Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi mới 22 tuổi.

Suốt cuộc đời binh nghiệp, dù ở cương vị nào, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng luôn là một người chỉ huy mẫu mực, tài-đức vẹn toàn. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 vô cùng vinh dự, tự hào vì đồng chí Phùng Quang Thanh hai lần được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ giữ chức Sư đoàn trưởng. Đó cũng là những giai đoạn Sư đoàn 312 lập nhiều thành tích, đặc biệt là trong xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện.

Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, bắt đầu từ năm 1992, Sư đoàn 312 (cùng với Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) làm điểm "xây dựng sư đoàn vững mạnh toàn diện" để rút kinh nghiệm chỉ đạo toàn quân. Đại tướng Phùng Quang Thanh kể rằng, đây là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Đơn vị chủ lực, quân số đông, địa bàn đóng quân rộng, điều kiện cơ sở vật chất và đời sống của bộ đội còn nhiều thiếu thốn..., Sư đoàn trưởng là người chỉ huy cao nhất nên rất lo lắng, trăn trở, nhiều lần bàn bạc trong chỉ huy và đã chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thực tiễn đơn vị, đề xuất Đảng uỷ sư đoàn ra nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng sư đoàn vững mạnh toàn diện trong 3 năm (1992-1994)".

Để xây dựng thành công mô hình điểm “sư đoàn vững mạnh toàn diện", bên cạnh việc hàng đầu là chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, Sư đoàn trưởng Phùng Quang Thanh cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng chính quy lên một bước mới, duy trì đơn vị thực hiện nghiêm túc từ lễ tiết, tác phong quân nhân, thực hiện các chế độ trong ngày, trong tuần, trực ban, trực chiến, trực chỉ huy... bảo đảm cho toàn sư đoàn hành động theo điều lệnh, luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt, Sư đoàn trưởng Phùng Quang Thanh rất coi trọng làm tốt công tác cán bộ, coi đây là khâu quyết định trong thực hiện mọi nhiệm vụ. Vừa quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, khích lệ, động viên, bố trí sử dụng phù hợp để phát huy trách nhiệm và năng lực của từng người, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn vừa đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có tác phong nói đi đôi với làm; phân công, phân nhiệm rõ ràng; coi trọng kiểm tra, đôn đốc, phát hiện sớm khâu yếu, mặt yếu, nơi yếu để kịp thời khắc phục. 

Với tác phong làm việc sâu sát, tỉ mỉ và khoa học, Sư đoàn trưởng Phùng Quang Thanh thường xuyên kiểm tra đột xuất để nắm thực chất tình hình đơn vị. Ông luôn gần gũi, quan tâm tới bộ đội; vừa chủ động trực tiếp gặp gỡ, vừa chỉ đạo toàn sư đoàn nâng cao chất lượng sinh hoạt đối thoại dân chủ bằng nhiều hình thức để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ và cán bộ cấp dưới, từ đó kịp thời có biện pháp giải quyết những vướng mắc, băn khoăn. Với cán bộ, chiến sĩ mắc khuyết điểm, Sư đoàn trưởng Phùng Quang Thanh luôn lấy giáo dục, thuyết phục là chính, tìm hiểu rõ nguyên nhân, xử lý vi phạm có lý, có tình. Đặc biệt, dù có quan điểm "rèn cán, luyện binh" rất nghiêm túc, nhưng thủ trưởng Thanh hết sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; luôn quan tâm chỉ đạo đơn vị triển khai tăng gia sản xuất hiệu quả, làm vườn hoa, trồng cây cảnh, sửa chữa và trang trí doanh trại, đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tập múa hát tập thể... để bộ đội được cải thiện đời sống, thêm yêu mến đơn vị và gắn bó, yêu thương đồng chí đồng đội như anh em một nhà. Qua đó, các mặt công tác của Sư đoàn đều tiến bộ rõ nét, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. 

Việc xây dựng thành công đơn vị điểm “Sư đoàn vững mạnh toàn diện" là thành quả chung của tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312, song đã ghi dấu ấn đậm nét của Sư đoàn trưởng Phùng Quang Thanh. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 hôm nay rất vui khi đọc cuốn hồi ký "Những khoảnh khắc nhớ mãi" của Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong đó có đoạn: “Kinh nghiệm trong chiến đấu và kinh nghiệm xây dựng Sư đoàn 312 vững mạnh toàn diện đã giúp tôi rất nhiều trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời bình trên các cương vị cao hơn”.

Vô cùng tiếc nhớ Đại tướng Phùng Quang Thanh-người chỉ huy mẫu mực, xuất sắc-cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 nguyện phấn đấu học tập, tu dưỡng theo tấm gương của Đại tướng, quyết tâm xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để xứng đáng là Sư đoàn điểm về vững mạnh toàn diện, đồng thời xứng với những công lao, tình cảm của Đại tướng dành cho Sư đoàn Chiến thắng anh hùng.

Đại tá NGUYỄN TRUNG HIẾU, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1