Tôi biết anh Thanh từ năm 1989. Lúc đó tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô, còn anh Thanh sang học ở Học viện Quân sự cấp cao mang tên Voroshilov thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô ở thủ đô Moscow. Lúc ấy anh Thanh là Sư đoàn trưởng, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi có người anh họ cùng quê Vĩnh Phúc là Triệu Xuân Hòa (sau này anh Hòa là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Quốc phòng và Phó ban chỉ đạo Tây Nguyên) cùng học lớp cao cấp với anh Thanh và anh Nguyễn Ngọc Thanh (sau này là Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học Quân sự). Tôi và anh Hòa quê ở huyện Lập Thạch, còn anh Thanh quê ở Mê Linh (thời điểm này Mê Linh là một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc) vì vậy anh em tôi còn là đồng hương.

Thường cuối tuần mấy anh em công an chúng tôi hay sang chơi thăm anh. Nghe anh kể chuyện về chiến tranh, về xây dựng Quân đội, về chính trị. Lúc ấy anh Phùng Quang Thanh đã là Đại tá, còn tôi mới là Thượng úy. Bởi vậy, anh là “thần tượng” của lớp trẻ chúng tôi.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng GS,TS Nguyễn Xuân Yêm với Đại tướng Phùng Quang Thanh. 

Một thời gian sau Liên Xô tan vỡ, anh Thanh và các bạn cùng học trở về nước học tiếp tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Những năm sau đó do bận nhiều công việc nên thỉnh thoảng tôi và các bạn mới đến thăm anh được.

Từ năm 2009 khi tôi được Bộ Công an bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, được cử làm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư đặc biệt liên Bộ Quốc phòng - Công an, tôi mới có dịp được gặp anh Phùng Quang Thanh nhiều hơn. Lúc này anh đã được Nhà nước bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thỉnh thoảng tôi và mấy anh em bạn đến thăm bà cụ thân sinh ra anh, thăm anh chị tại gia đình. Có mấy kỷ niệm về anh khiến tôi nhớ mãi.

Khi xét các chức danh khoa học cho lực lượng đặc biệt của Quân đội và Công an, do chưa hiểu đúng nên một số đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quân đội và Công an chưa đồng thuận lắm. Trăn trở với những ý kiến và với cương vị là Chủ tịch Hội đồng xét chọn, tôi đã đến gặp, tâm sự với anh Thanh và xin ý kiến anh. Việc xét chọn này được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc. Các ứng viên được xét chọn đều là những cán bộ, những chuyên gia hàng đầu của đất nước và lực lượng đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Sau khi Liên Xô tan vỡ, lực lượng đặc biệt Việt Nam không có điều kiện học tập nước ngoài và cũng sẽ không có ai chia sẻ kinh nghiệm cho chúng ta. Bởi vậy, cần phải có một số cán bộ, chuyên gia đầu tàu, giỏi thực tiễn và được công nhận học vị, học hàm để tổ chức đào tạo lực lượng đặc biệt ở trong nước. Khi nghe tôi nêu ý kiến này, anh Phùng Quang Thanh hoàn toàn ủng hộ và động viên anh em chúng tôi vững vàng làm việc. Tôi và các thành viên Hội đồng cũng đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Thứ trưởng, sau này là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và được các đồng chí lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng, Công an ủng hộ. Cho đến nay chúng ta đã xét, công nhận được nhiều cán bộ khoa học làm nòng cốt để mở các hệ đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho lực lượng đặc biệt thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đóng góp phần quan trọng trong tiến trình này.

Hằng năm, Bộ Quốc phòng vẫn gửi học viên sang đào tạo tại các trường công an nhân dân. Riêng ở Học viện cảnh sát nhân dân thường xuyên có hàng trăm học viên Quân đội gửi vào học các hệ đào tạo. Tuy nhiên sau 5 năm gửi học tại Học viện Cảnh sát nhân dân và các trường công an, khi quay trở về Bộ Quốc phòng, các em lại phải học 6 tháng tại các nhà trường Quân đội. Việc học nghiệp vụ quân sự là cần thiết để các em có kiến thức quân sự phục vụ Quân đội lâu dài. Nhưng việc Bộ Quốc phòng yêu cầu các em lại phải học lại điều lệnh, quân sự, võ thuật làm tôi suy nghĩ và trăn trở về việc đào tạo điều lệnh, quân sự, võ thuật của nhà trường công an.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp đoàn lãnh đạo Học viện Cảnh sát nhân dân, ngày 21-12-2014.

Theo đó, tôi và anh em Học viện Cảnh sát nhân dân đã bỏ nhiều công sức đến thăm, làm việc tại các nhà trường Quân đội nghiên cứu mô hình hoạt động đầu khóa của các nhà trường Quân đội. Trước khi vào học chuyên môn nghiệp vụ, toàn bộ học viên các nhà trường Quân đội, Bộ Quốc phòng tập trung về hai Trường sĩ quan Lục quân I và II để huấn luyện đầu khóa. Vì vậy điều lệnh, đội ngũ và ý thức của các học viên mới Quân đội rất tốt. Sau này về học chuyên môn nghiệp vụ, trên nền hoạt động đầu khóa các em tiếp tục được rèn luyện, huấn luyện tiếp.

Thấy mô hình huấn luyện này rất hay, tôi đã về báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an thí điểm tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Sau một số năm triển khai, y thức, điều lệnh, tư thế, tác phong của các em học viên Học viện Cảnh sát nhân dân tốt hơn trước rất nhiều. Và hiện nay Bộ Công an đã xác định đây là hoạt động đầu khóa bắt buộc của các nhà trường công an nhân dân và giao Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì, phối hợp với các nhà trường công an nhân dân tổ chức việc này. Tôi đã báo cáo lại việc này với anh Phùng Quang Thanh và được anh khen ngợi, động viên anh em chúng tôi.

Năm 2019 trước khi bắt tay vào xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi xin ý kiến anh Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tôi cũng có một số buổi ngồi xin ý kiến, đàm đạo với anh Thanh về vấn đề an ninh phi truyền thống. Lúc làm Bộ trưởng Quốc phòng anh Thanh cũng rất quan tâm tới vấn đề này và đã sang dự, phát biểu tại Diễn đàn Shangri-la, Singapore về an ninh biển, an ninh hàng hải. Anh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của quân đội nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở nước ta. Thời gian qua, và trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cho thấy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong đảm bảo an ninh phi truyền thống là đặc biệt quan trọng. Và chúng tôi đã mời nhiều cán bộ Quân đội đã có kinh nghiệm tham gia cùng nghiên cứu, đào tạo về quản trị an ninh phi truyền thống.

Vẫn biết anh bị bệnh nặng từ lâu nhưng không ai nghĩ anh lại ra đi nhanh đến thế. Với thế hệ chúng tôi, anh vẫn mãi là một “thần tượng”. Xin có một vài dòng tâm sự và coi đây như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ anh - Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Trung tướng, GS, TS NGUYỄN XUÂN YÊM - nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an