Là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi nhiều lần có dịp đi chụp ảnh, đưa tin các hoạt động của Đại tướng ở trụ sở Bộ Quốc phòng cũng như khi đi thăm, làm việc ở các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường,... Những hình ảnh ấn tượng về một vị Đại tướng hết sức gần gũi, bình dị trong các chuyến đi công tác cũng như khi trở về quê hương ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội) với tôi vẫn như ngày hôm qua. Trong số rất nhiều kỷ niệm, tôi còn nhớ như in trong lần được Đại tướng khích lệ, động viên để in ấn, phát hành cuốn sách “Con đường mang dáng hình Tổ quốc” mà tôi là tác giả.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh và tác giả.

Đó là, vào tháng 4-2011, tôi được cơ quan phân công cùng nhóm phóng viên đi phục vụ đưa tin về hoạt động của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong chuyến công tác trên địa bàn Quân khu 2.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra vũ khí trang bị tại Lữ đoàn pháo Phòng không 297 (Quân khu 2), tháng 4-2011. 

Sau khi làm việc ở một số đơn vị, nhà máy, đoàn công tác về nghỉ ăn trưa tại nhà ăn của Bộ Tư lệnh quân khu, trong lúc tôi đang đứng rửa tay, Đại tướng cũng đứng rửa tay ngay bên cạnh và vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm anh em phóng viên đi lại có vất vả không. Rồi Đại tướng hỏi công việc của tôi, biên chế của ban nơi tôi công tác có cần thêm không, trần quân hàm hiện nay ra sao cũng như về gia đình, vợ con thế nào, vợ làm ở đâu,… Trong khi trò chuyện, tôi mạnh dạn báo cáo Đại tướng về các chuyến đi công tác trên tuyến đường tuần tra biên giới, về những khó khăn, gian nan, vất vả, thậm chí hy sinh mà bộ đội thời bình phải trải qua trên những cung đường, nhất là nơi vực sâu, núi thẳm, vùng sâu, vùng xa nơi biên giới. Đồng thời, nêu rõ việc dự kiến xuất bản cuốn sách ảnh cùng các bài viết, bút ký mà tôi đã ghi lại trong thời gian hơn 5 năm để nói về quá trình khảo sát, mở tuyến, thi công,… nhằm tuyên truyền, tri ân những đóng góp, mất mát, mồ hôi, xương máu của bộ đội đã đổ xuống mỗi cung đường. Tôi cũng mạnh dạn đề xuất việc Đại tướng viết thư giới thiệu cuốn sách để một lần nữa khẳng định những chiến công của các lực lượng, các đơn vị, bởi Đường tuần tra biên giới như cột mốc cứng khẳng định chủ quyền của đất nước dọc tuyến biên giới trên đất liền, từ Trà Cổ (Quảng Ninh), từ Lũng Cú (Hà Giang) đến đất Mũi (Cà Mau).

leftcenterrightdel
Chiếc xe của đoàn công tác Ban Quản lý dự án 47 đi kiểm tra tuyến bị sa lầy trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.  

Thật bất ngờ khi không những Đại tướng vui vẻ nhận lời ngay mà còn động viên, thậm chí “khích tướng” tôi: “Ngày xưa, các thế hệ cầm máy của Báo Quân đội nhân dân nhiều đồng chí có những bức ảnh nổi tiếng lắm Thái ạ, như bác Đoàn Công Tính, Vũ Đạt, Xuân Gụ,… Bây giờ các cậu được đào tạo cơ bản, tuổi lại trẻ, trang bị máy móc tốt hơn trước, chẳng lẽ lại không kế thừa và phát huy truyền thống của các bác ấy”. Nghe xong tôi mừng rỡ và rất xúc động, dù thời gian nhiều chục năm trôi qua, dù công việc bộn bề sớm khuya vậy mà Đại tướng vẫn nhớ tên từng người, thậm chí cả những bức ảnh của các thế hệ phóng viên Báo Quân đội nhân dân chụp trong suốt những năm chiến tranh.

Thấy Đại tướng đứng nói chuyện lâu, các đồng chí trong đoàn công tác lo lắng lịch làm việc dày đặc nên đề nghị và mời Đại tướng vào ăn cơm để tranh thủ nghỉ trưa ít phút. Mặc dù vậy, trước khi vào mâm ăn cơm, Đại tướng vẫn dặn dò: “Thái cứ làm cuốn sách đi, khó khăn gì cậu vào văn phòng gặp mình, mình sẽ giúp, quyết tâm lên nhé!”.

leftcenterrightdel
Lời giới thiệu sách của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và thư của Đại tướng Phùng Quang Thanh. 

Chuyến công tác kết thúc, sau khi về Hà Nội, tôi dành nhiều thời gian hơn cho tiến độ làm sách, bắt đầu từ việc chọn lọc ảnh, tập hợp bài viết, xây dựng đề cương. Đêm nào cũng vậy, chờ con gái ngủ, sau 23 giờ tôi lại mở máy tính ra mày mò làm sách. Tuy nhiên, do ban ngày phải ở cơ quan làm việc trong khi bản thân cũng chưa làm sách bao giờ, chưa biết “đầu cua tai nheo” gì về sách, chưa biết phải bắt đầu từ đâu, rồi nghĩ nhờ ai giúp thiết kế cuốn sách bây giờ, rồi tiền đâu để in…

Và khi bắt tay vào làm sách, tôi gặp khó đủ thứ. Khó khăn quá, nên có lúc tôi cũng hơi nản. Nhưng nghĩ lại lời căn dặn, động viên của Đại tướng, cùng những hy sinh, vất vả của bộ đội trên tuyến đường tôi lại thêm quyết tâm để làm. May mắn, lúc này tôi nhờ được anh Hoàng Hiệp - một họa sĩ công tác ở một tờ tạp chí còn trẻ nhưng rất trách nhiệm, nhiệt tình và rất giỏi về đồ họa giúp đỡ thiết kế cuốn sách, song lại xuất hiện thêm khó khăn mới, thời gian của hai anh em không khớp nhau, lúc tôi rảnh thì Hiệp lại bận. Rồi quá trình làm, hầu hết hai anh em la cà ở các quán cafe để thiết kế vì không có chỗ nào ngồi phù hợp hơn. Để chủ động, tôi nhờ Hiệp dạy cách sử dụng phần mềm thiết kế InDesign, có lẽ do trước đó đã học qua một số phần mềm đồ họa dựng phi tuyến trên phát thanh và Premier 6.5 trên truyền hình nên sau 2 ngày cuối tuần, tôi sử dụng khá thành thạo phần mềm đồ họa này. Trong suốt quá trình thiết kế, tôi cũng nhận thấy, để cuốn sách dày dặn hơn cần có thêm hình ảnh của bộ đội cũng như các đơn vị thi công trên tuyến đường ở tất cả các tuyến nên song song với việc thiết kế, tôi tiếp tục đi tác nghiệp thêm một số chuyến nữa để bổ sung hình ảnh, bài viết.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi lễ ra mắt cuốn sách “Con đường mang dáng hình Tổ quốc”.  

Hơn 8 tháng trôi qua, từ hàng nghìn bức ảnh, tôi chọn lọc được hơn 400 bức ảnh, gần 10 bài viết, bút ký để thiết kế và cuốn sách cơ bản được hoàn thiện.Nhân dịp vào đưa tin một sự kiện trong trụ sở Bộ Quốc phòng, sau khi công việc hoàn thành tôi xin phép gặp riêng Đại tướng và báo cáo về tiến độ cùng việc đề xuất thời điểm viết thư giới thiệu cuốn sách. Đại tướng hỏi lại tôi: “Thế ý Thái là mình ký trên bản đánh máy hay viết tay rồi Thái chụp lại để đưa vào cuốn sách?”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi mạnh dạn: “Cháu đề xuất Đại tướng viết tay trên giấy A4 nếu được ạ!” và Đại tướng nhận lời ngay. Một tuần sau, khi đang ngồi làm việc ở cơ quan, tôi được Thiếu tướng Ngô Quang Liên, Trợ lý Bộ trưởng, Phó chánh văn phòng Bộ Quốc phòng gọi điện thoại thông báo, vào ngay văn phòng để lấy thư giới thiệu cuốn sách trước khi Đại tướng đi công tác ở Campuchia.

Trở về cơ quan tôi chụp lại văn bản để đưa vào đầu cuốn sách. Sau đó một tuần tôi tiếp tục nhận được hồi đáp của đồng chí Thư ký nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đồng ý viết lời giới thiệu cuốn sách. Chính từ sự quan tâm này đã tiếp thêm động lực để tôi nỗ lực hơn trong quá trình thực hiện và cho ra đời cuốn sách “Con đường mang dáng hình Tổ quốc”.

leftcenterrightdel
Tác giả trao sách tặng các đại biểu.

Trở lại với việc hoàn thiện cuốn sách, tôi còn được Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban Quản lý dự án 47 thông tin cuộc gặp với Đại tướng. Tại buổi làm việc, Đại tướng có đề cập đến cuốn sách của tôi với đại ý “… Cuốn sách của cậu Thái không chỉ là tư liệu quý của Bộ Quốc phòng, không chỉ là tư liệu quý của Ban Quản lý dự án 47 (Bộ Tổng Tham mưu), mà đây là tư liệu quý của cả Quân đội nên anh phối hợp với cậu Thái để xuất bản cuốn sách”. Sau đó, tôi được Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tá Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 47 cùng nhiều đồng chí cán bộ, nhân viên các phòng, ban của Ban Quản lý dự án 47 giúp đỡ, đặc biệt là việc tư vấn những liên quan đến thuật ngữ chuyên ngành.

Trước khi lên bản kẽm để chạy máy, vào một ngày tháng 8-2012, tôi còn có dịp ra nhà riêng gặp Đại tướng xin ý kiến về tổng thể cuốn sách. Đại tướng nói: “Tối nay anh Duy Minh (Trung tướng Đào Duy Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) đưa vợ ra nhà thăm gia đình, cô ấy mới từ Đà Nẵng ra nên mình sẽ tiếp cậu trong vòng 30 phút”. Tranh thủ thời gian, tôi mang bản in demo cuốn sách để Đại tướng xem. Trong suốt thời gian 45 phút (quá 15 phút như lời hẹn ban đầu) Đại tướng trầm ngâm, lật giở từng trang xem rất kỹ. Trong căn phòng khách rộng chừng hơn hai mươi mét vuông, trên chiếc ghế sô pha da màu đen đã sờn, chỉ có Đại tướng và tôi cùng với một người cháu trong nhà. Không gian như lắng lại, tĩnh lặng,... Tôi bắt đầu thấy lo. Niềm vui đến với tôi, suýt nữa tôi reo lên khi Đại tướng nói rất hài lòng về nguồn tư liệu cũng như cách thức trình bày của cuốn sách, rồi Đại tướng động viên: “Nhiều tư liệu quý Thái ạ, cố gắng in sớm nhé, liệu có kịp phát hành dịp 22-12 năm nay không để mình lấy cuốn sách làm quà tặng các đại biểu đến dự gặp mặt, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân”. Trở về từ nhà riêng của Đại tướng lúc chừng 20 giờ 30 phút, một cảm giác vui mừng, lâng lâng khó diễn tả bằng lời khi được Đại tướng khen ngợi về cuốn sách.

leftcenterrightdel
Tác giả trao sách tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban QLDA 47.

Sau đó không lâu, tôi nhận được sự giúp đỡ của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng (bút danh là Choai, hiện là Phó trưởng Ban thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết) chỉnh sửa, hoàn thiện lại về thiết kế và chỉnh sửa ảnh để bắt đầu in ấn.

Và cuốn sách “Con đường mang dáng hình Tổ quốc” được Nhà xuất bản Hà Nội cấp giấy phép, in ấn và ra mắt vào đúng ngày 19-12-2012, sau đó đến tay bạn đọc và được phát hành rộng rãi trong hệ thống thư viện toàn quân.

Nhớ lại kỷ niệm về cuốn sách đầu tay và lời căn dặn, động viên, khuyến khích của Đại tướng, sau khi cuốn sách ra đời, bên cạnh nhiệm vụ làm báo, tôi đã và đang tiếp tục nỗ lực làm thêm nhiều cuốn sách nữa phục vụ công tác tuyên truyền cũng như ngày truyền thống của một số cơ quan Cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị, học viện, nhà trường, đoàn công tác đi Trường Sa,...

Hà Nội, tháng 9-2021

Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI