Hồi đầu tháng 5-2021, Thiếu tướng Hoàng Kiền gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, Đại tướng Phùng Quang Thanh còn vui vẻ, khoe: “Mình thỉnh thoảng vẫn túc tắc chơi thể thao nhẹ được, ăn ngủ cơ bản tạm ổn”. Vậy mà hôm nay ông đã ra đi, bảo sao không cảm thấy đường đột, tiếc thương!
Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Thiếu tướng Hoàng Kiền chậm rãi, kể: Tôi được gặp anh Thanh từ năm 1994, lúc tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân), Quân chủng Hải quân. Khi ấy, anh Phùng Quang Thanh là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu tháp tùng Thiếu tướng Đào Trọng Lịch, Phó tổng Tham mưu trưởng đi thăm Trường Sa và một số đơn vị hải quân, trong đó có Trung đoàn 83.
 |
Thiếu tướng Hoàng Kiền (thứ 2 từ phải sang) thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh tại tư gia tháng 5-2016. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Quá trình tham quan, kiểm tra đơn vị, đoàn công tác khá ấn tượng với hệ thống doanh trại khang trang, kiên cố, được xây dựng bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Thiếu tướng Phùng Quang Thanh rất tâm đắc khi tham quan khu vực bể bơi của trung đoàn, đồng thời báo cáo với đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng: “Đây là đơn vị cấp trung đoàn đầu tiên trong toàn quân tự xây dựng được bể bơi, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện”. Từ báo cáo của anh, đồng chí trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83, đồng thời yêu cầu nhân rộng mô hình này trong toàn quân, nhất là các đơn vị hải quân, cùng với đó, đưa nội dung bơi vào chương trình huấn luyện thường xuyên. Sau này, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong các cuộc họp rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn thỉnh thoảng nhắc đến Trung đoàn 83 năm xưa như một hình mẫu về tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong xây dựng doanh trại.
Khi lên làm Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền có nhiều dịp được tháp tùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đi kiểm tra các đơn vị, trong đó có các đơn vị công binh. Từng nghe nhiều người nói đồng chí Bộ trưởng có tác phong làm việc hết sức sâu sát, tỉ mỉ, quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ. Mỗi khi đi cơ sở, bao giờ ông cũng kiểm tra, tìm hiểu đến cùng những khó khăn, bất cập ở cơ sở, để tìm cách gỡ vướng cho anh em, Thiếu tướng Hoàng Kiền giờ mới có dịp “thực mục sở thị” phẩm chất đáng quý ấy của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Mỗi lần cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đi kiểm tra các đơn vị, ông đều được chứng kiến đồng chí Bộ trưởng thường xuống thẳng các khu vực bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ trong cuộc đời quân ngũ, ông sẽ không bao giờ quên được hình ảnh một vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp đi bộ vào sâu khu vực các chiến sĩ công binh đang tiến hành thi công hệ thống đường hầm, công trình chiến đấu, khi ra khỏi hầm, quần áo, đầu tóc lấm lem bụi đất. Ông bảo, việc kiểm tra tận nơi vừa để tận mắt thấy được chất lượng công trình, vừa thấu hiểu sự vất vả, hiểm nguy và những hy sinh thầm lặng của bộ đội công binh.
 |
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền tặng thơ Đại tướng Phùng Quang Thanh, tháng 5-2016. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại lần tháp tùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đi kiểm tra tiến độ thi công một số công trình quốc phòng khu vực biên giới, khoảng tháng 8-2005. Sau chuyến thị sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, tại cuộc họp đoàn công tác, với sự có mặt của đầy đủ cơ quan chức năng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trăn trở: “Bộ đội thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi rừng thiêng nước độc thế này, tại sao tiêu chuẩn, chế độ được hưởng vẫn như lực lượng đóng quân ở vùng đồng bằng, thành phố, thị xã. Như thế là không công bằng. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng nghiên cứu, kịp thời có chế độ, chính sách phù hợp, bảo đảm tương xứng với công sức, cũng như sự cống hiến của anh em cán bộ, chiến sĩ ở địa bàn đặc thù như vậy”.
Cũng trong chuyến công tác đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói riêng với đồng chí Tư lệnh Binh chủng Công binh: “Anh thấy con em cán bộ nào xung phong lên đây đào hầm, đào hào, ăn rừng, ngủ đất không, hay chỉ tìm cách tìm chỗ an nhàn? Để động viên bộ đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khó, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất định phải có chế độ chính sách phù hợp. Đặc biệt, đối với lực lượng công binh thực hiện nhiệm vụ thi công các công trình quốc phòng, không may xảy ra tai nạn, dẫn đến tử vong, bị thương, cùng với kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người chỉ huy, phải kịp thời giải quyết chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ cho anh em, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Có như thế mới quy tụ được sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần cống hiến, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của bộ đội”.
Nghe những chỉ đạo sâu sát, căn dặn đầy tình người, tình đồng chí, đồng đội của Đại tướng Phùng Quang Thanh, các thành viên trong đoàn công tác ai nấy đều tâm đắc và không khỏi xúc động. “Riêng đối với Binh chủng Công binh, chúng tôi như giải tỏa được nỗi niềm bấy lâu nay về cơ chế, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, vùng biển đảo...”- Thiếu tướng Hoàng Kiền bồi hồi, nhớ lại.
 |
Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm, kiểm tra Ban Quản lý Dự án 47. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Đúng như mong muốn của Đại tướng Phùng Quang Thanh, không lâu sau đó, cùng với các chế độ, chính sách đặc thù đang thực hiện trước đó, lực lượng cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi, biên giới, đặc biệt là quần đảo Trường Sa có thêm những chế độ, tiêu chuẩn phù hợp với từng địa bàn, đặc thù hoạt động quân sự, qua đó góp phần động viên tư tưởng bộ đội, giúp anh em gắn bó với đơn vị, với địa bàn đóng quân.
Nhắc đến sự quan tâm của Đại tướng Phùng Quang Thanh đối với cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở, Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng chia sẻ với tôi câu chuyện khá xúc động. Đó là lần đồng chí Bộ trưởng đi kiểm tra, chúc Tết ở một đơn vị công binh. Nghe chỉ huy đơn vị báo cáo rành rọt: “Đơn vị trực 100% quân số, thường xuyên luyện tập thành thục các phương án SSCĐ dịp Tết Nguyên đán...”. Tưởng được nghe những lời biểu dương của đồng chí Bộ trưởng, nào ngờ chỉ huy đơn vị đón nhận những phê bình nhẹ nhàng, hóm hỉnh: “Tinh thần trực Tết của các đồng chí như thế là tốt. Nhưng giai đoạn này không nhất thiết bắt 100% anh em ở lại đơn vị đâu. Nên giải quyết cho một số anh em về ăn Tết với gia đình, nhất là số cán bộ, sĩ quan trẻ, để anh em còn tìm hiểu, lấy vợ chứ. Nhiều đơn vị duy trì chặt chẽ quá, khiến nhiều anh em ngoài 30 rồi mà vẫn “phòng không, nhà trống”. Giải quyết công tác tư tưởng ở đây chứ ở đâu nữa, đúng không các đồng chí”. Ngay sau chỉ đạo đó của Đại tướng Phùng Quang Thanh, nhiều cán bộ, QNCN đơn vị “bất ngờ” được giải quyết về ăn Tết cùng gia đình, trong lòng không khỏi biết ơn người Thủ trưởng đáng kính. Tôi cho rằng, đây là sự quan tâm rất đời, rất tình người, tình đồng chí của Đại tướng Phùng Quang Thanh đối với bộ đội.
 |
Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Hoàng Kiền thường xuyên đến thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh tại tư gia. Dịp Tết Canh Tý 2020, ông đến thăm, chúc Tết Đại tướng Phùng Quang Thanh và tặng ông cuốn sách “Trường Sơn huyền thoại”, được ông hoàn thành trong thời gian làm Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh. Cuốn sách có đề cập Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719, năm 1971). Đây là trận đánh đồng chí Phùng Quang Thanh trực tiếp tham gia, trên cương vị Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Với những chiến công xuất sắc giành được trong chiến dịch này, đồng chí Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 22 tuổi.
 |
Cuốn sách "Trường Sơn huyền thoại" của tác giả Hoàng Kiền tặng Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Đặc biệt có một kỷ niệm Thiếu tướng Hoàng Kiền không bao giờ quên, ông kể: Ngày 2-9-2012, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh gọi điện cho ông, lúc này đang trên cương vị Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới lên báo cáo tình hình tiến độ xây dựng con đường. Nghe xong, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Ai gặp tôi cũng nói Thiếu tướng Hoàng Kiền xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Không chỉ những thành tích xuất sắc trong thời gian vừa qua, mà cả thời điểm công tác ở Quân chủng Hải quân, anh đã có rất nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Ngay sau đó, đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan chức năng báo cáo lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Thiếu tướng Hoàng Kiền. Sau đó Thiếu tướng Hoàng Kiền được nhận danh hiệu cao quý này vào tháng 12-2015.
“Tôi sẽ nhớ mãi về anh- Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh, người cán bộ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Quân đội ta. Chúng ta cần học tập ở anh tác phong làm việc nghiêm túc mà gần gũi, cởi mở mà sâu sát, luôn cụ thể, tỉ mỉ trong mọi công việc, hết mực quan tâm, yêu thương bộ đội. Đặc biệt, trên bất kỳ cương vị công tác nào, anh luôn đặt niềm tin tuyệt đối khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Anh là vị tướng rất có tâm với bộ đội”. Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền xúc động, trải lòng...
NGUYỄN HỒNG SÁNG