Biết tin Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa rất xúc động. Ông đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân (QĐND) những cảm nhận của mình về người thủ trưởng mà ông có nhiều thời gian gần gũi.
Phóng viên (PV): Kính thưa Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, là người trưởng thành qua môi trường quân ngũ, chúng tôi được biết, đồng chí là người được biết đến và tiếp xúc với Đại tướng Phùng Quang Thanh từ rất sớm?
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Đầu năm 1979, tôi cùng thanh niên cả nước lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Khi tôi được điều động về Trung đoàn 52, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, lúc này quân đoàn vừa hành quân từ mặt trận Tây Nam ra phía Bắc. Khi về đơn vị, việc đầu tiên chúng tôi được học tập, giáo dục về lịch sử truyền thống, noi gương những tập thể, cá nhân tiêu biểu của đơn vị. Một trong những đồng chí tiêu biểu đó là Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh, là trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Dù chưa từng gặp mặt nhưng qua lịch sử truyền thống của đơn vị, chúng tôi được biết, đồng chí Phùng Quang Thanh có thành tích xuất sắc, được phong anh hùng ngay trong chiến đấu. Trận đánh tiêu biểu chốt giữ điểm cao ngày 11-2-1971 trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào do Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh chỉ huy được sử sách ghi lại. Khi ấy tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào được công tác, chiến đấu, rèn luyện ở một đơn vị giàu truyền thống. Lớp anh trước, lớp em sau, những cảm xúc ban đầu đó là động lực để tôi phấn đấu, rèn luyện, phục vụ Tổ quốc. Ngày 11-9 vừa qua, được tin đồng chí Phùng Quang Thanh từ trần, tôi bồi hồi tưởng nhớ đồng chí, vừa là thủ trưởng cũ, vừa là tấm gương tôi phấn đấu noi theo suốt những năm quân ngũ.
PV: Từng nhiều năm làm việc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, kỷ niệm nào khiến đồng chí nhớ nhất về người thủ trưởng của mình?
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Có rất nhiều kỷ niệm, nhưng tôi ấn tượng sâu sắc hai lần được gặp thủ trưởng khi đồng chí đi kiểm tra tại các đơn vị phía Nam. Lần đầu trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, lần thứ hai trên cương vị Bộ trưởng. Hai lần kiểm tra này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, những trăn trở, tâm huyết của đồng chí để xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến khi tôi được điều động ra Hà Nội, làm việc dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thì tôi càng thấu hiểu hơn về những tư duy, trăn trở và tâm huyết của Bộ trưởng đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Dù biết đến đồng chí qua những trang lịch sử vẻ vang của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 nhưng đến năm 2002 tôi mới gặp anh lần đầu tiên, khi đó, anh trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng đi kiểm tra các đơn vị phía Nam. Lúc đó tôi là Phó trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7 theo đoàn công tác của bộ đi kiểm tra tại Sư đoàn 5 (Quân khu 7). Đây là sư đoàn hai lần anh hùng với nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, về nước, trước yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, sư đoàn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ thiếu, nhiều đồng chí, nhất là cán bộ cấp cơ sở chưa được đào tạo cơ bản, năng lực lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế, một số đồng chí chưa yên tâm công tác. Trong khi đó, công tác tuyển chọn thanh niên nhập ngũ gặp khó khăn, chất lượng chiến sĩ trong đơn vị còn nhiều hạn chế, tình trạng đào, bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật chưa giảm. Doanh trại của đơn vị xuống cấp. Những hạn chế đó khiến chất lượng công tác huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị không bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ.
Đoàn kiểm tra làm việc rất nghiêm túc. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng kiểm tra sâu sát, cụ thể nhiều nội dung. Khi kết luận, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của đơn vị, Tổng Tham mưu trưởng đã yêu cầu Quân khu 7 và các cơ quan Bộ Quốc phòng phải tập trung củng cố, xây dựng Sư đoàn 5 vững mạnh toàn diện (VMTD) nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần anh hùng, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn trọng yếu hướng Tây Nam của Tổ quốc.
Sau đợt kiểm tra đó, Bộ Quốc phòng đã quyết định chọn Sư đoàn 5 làm điểm về xây dựng đơn vị VMTD của toàn quân. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cụ thể và kiểm tra rút kinh nghiệm thường xuyên của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, nhất là cá nhân đồng chí Phùng Quang Thanh; sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn Quân khu 7, chỉ sau vài năm, Sư đoàn 5 đã thực sự thay đổi về mọi mặt, trở thành sư đoàn mẫu mực, tiêu biểu. Sư đoàn là nơi thí điểm, khởi phát nhiều mô hình hiệu quả, như đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; giáo dục, quản lý bộ đội; xây dựng chính quy; xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bộ đội; làm công tác vận động quần chúng và củng cố tình đoàn kết quân dân trên địa bàn... Từ mô hình Sư đoàn 5, sau này Bộ Quốc phòng đã nhân rộng ra các sư đoàn trong toàn quân, tiếp đó là nhân rộng ra các đơn vị chủ lực, đơn vị địa phương về xây dựng đơn vị điểm.
|
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Bê-la-rút, do Thiếu tướng Gu-ra A-lếch-xan-đơ Nhi-cô-lai-vích, Chủ nhiệm Tổng cục Công tác tư tưởng Bộ Quốc phòng Bê-la-rút làm trưởng đoàn, đến thăm chính thức Việt Nam, năm 2014. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Lần thứ hai tôi có dịp làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, khi đó tôi trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4. Bộ trưởng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra Quân đoàn 4. Khi làm việc với quân đoàn, trong chỉ đạo, Bộ trưởng đã thể hiện một tư duy kế thừa và đổi mới về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng binh đoàn chủ lực cơ động hùng mạnh, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng, tác chiến trong khu vực phòng thủ, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị dự bị chiến lược, vừa sẵn sàng cơ động chiến đấu. Với Quân đoàn 4, Bộ trưởng yêu cầu phải bảo đảm thực hiện tốt nhất khả năng cơ động của một đơn vị chiến lược thuộc bộ ở phía Nam, thực hiện tốt 3 chức năng của quân đội. Đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Địa bàn Quân đoàn 4 đóng quân có những lợi thế và khó khăn riêng, nhưng có tiềm năng lớn về phát triển sản xuất để phục vụ huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Bộ trưởng đi kiểm tra các đơn vị của quân đoàn, tận tình thăm hỏi bộ đội. Đồng chí để ý từng chi tiết trên trang bị, quân phục, từng cái khuy áo, cầu vai, quân hàm, phù hiệu... và khi kết luận đã nêu ra để các cơ quan chức năng nghiên cứu cải tiến cho phù hợp. Đặc biệt, sau đợt kiểm tra này, lần đầu tiên Bộ trưởng cho chủ trương lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 4 và các cơ quan, đơn vị của quân đoàn đi tham quan, khảo sát, nghiên cứu địa hình dọc theo chiều dài đất nước để xây dựng phương án chiến đấu, thực hành huấn luyện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn chiến lược và cũng để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các đơn vị bạn trong toàn quân.
Trong những kết luận chỉ đạo toàn quân, Bộ trưởng thường xuyên yêu cầu sự chính quy, hiện đại của bộ đội không chỉ trong huấn luyện, chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị mà phải thực sự chính quy, mẫu mực từ năng lực, phẩm chất đạo đức, từ tác phong mang mặc, lời ăn tiếng nói... Đồng chí thực hiện những chuyến kiểm tra, khảo sát nhằm đánh giá đúng thực trạng, nhìn rõ những hạn chế của các đơn vị, trên cơ sở đó để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương đúng trong xây dựng quân đội. Nội dung xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nhiều lần khẳng định, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, là một chủ trương, quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong các giải pháp được đề cập thì Bộ trưởng luôn nhấn mạnh, phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ giữ trọng trách càng cao thì càng phải gương mẫu rèn luyện, phấn đấu toàn diện để cấp dưới noi theo. Công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Trước đây, chúng ta chủ yếu phát hiện, lựa chọn cán bộ qua thực tiễn chiến đấu. Còn ngày nay, công tác cán bộ phải có tầm nhìn chiến lược, bắt đầu từ quy hoạch, giáo dục, huấn luyện, rồi phát hiện, lựa chọn qua thực tiễn, qua huấn luyện, hội thi, hội thao, đặc biệt là diễn tập chiến đấu. Hằng năm, toàn quân tổ chức nhiều hội thi, hội thao, diễn tập nhằm nâng cao trình độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, còn là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện, lựa chọn cán bộ ưu tú, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược để phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc... Có kế hoạch đào tạo, gửi đi đào tạo cả trong và ngoài nước... Cần chú trọng tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tú, xuất sắc từ bên ngoài vào xây dựng quân đội. Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo việc đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài.
PV: Trên cương vị là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, những dấu ấn nào của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có ảnh hưởng nhiều trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Khi tôi trên cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, được trên giao phụ trách một số mặt công tác như tuyên truyền, báo chí, văn hóa văn nghệ, truyền thống... càng thấy rõ sự quan tâm của Bộ trưởng đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Lúc này toàn quân đang sơ kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”. Cùng với Thường vụ Quân ủy Trung ương, qua những lần chỉ đạo, làm việc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh rất quan tâm đến hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, trước hết là công tác xây dựng đảng bộ và công tác tư tưởng trong quân đội. Quan điểm của Bộ trưởng là cần ưu tiên nguồn lực (cả về nhân lực, vật lực) cho lĩnh vực văn hóa tinh thần. Tôi chỉ xin dẫn chứng lại mấy việc mà tôi trực tiếp chỉ đạo thực hiện dưới sự quan tâm của Bộ trưởng và Thường vụ Quân ủy Trung ương. Từ những năm 2012, 2013, cùng với việc quan tâm Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương hiện đại hóa các cơ quan báo chí quân đội. Đề án “Hiện đại hóa các cơ quan báo chí quân đội giai đoạn 2014-2018”, hoàn thành sớm hai năm so với dự kiến ban đầu và thực hiện trước quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Báo QĐND hiện trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, chủ lực, định hướng dư luận từ chính nền tảng đề án này. Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội ra mắt cũng như vậy. Để ra được kênh truyền hình của quân đội, có sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng. Bộ trưởng cho ý kiến vào đề án rất chi tiết, từ những vấn đề lớn như xác định mục đích, tôn chỉ. Đồng chí xác định, kênh truyền hình quân đội không phải chỉ dành riêng cho LLVT mà phải là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Những vấn đề như cơ chế, địa điểm, cách làm, kinh phí, nhân lực... đều được Bộ trưởng và Thường vụ Quân ủy Trung ương ủng hộ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Bộ trưởng quan tâm cả đến những chi tiết như tên gọi của chương trình, lô gô nhận diện... Khi còn làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu, đồng chí vẫn thường xuyên theo dõi, động viên, quan tâm cũng như góp ý kịp thời đối với báo chí quân đội. Hiện quân đội đã có hệ thống các thiết chế văn hóa khá hoàn chỉnh và đồng bộ từ Bộ Quốc phòng xuống đến cấp đại đội để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân. Khi các đề án xây dựng những thiết chế văn hóa như nhà hát, bảo tàng, thư viện, phòng Hồ Chí Minh... được trình lên, Bộ trưởng cùng Thường vụ Quân ủy Trung ương rất ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn lực để xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chuyên môn cao mà quân đội còn thiếu.
Có một chi tiết mà đến giờ tôi vẫn tâm đắc, suy nghĩ. Khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIII kiến nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cần đưa văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ" thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Bộ trưởng đã trăn trở và chỉ đạo Tổng cục Chính trị nghiên cứu sâu và làm tham mưu về vấn đề này. Đến năm 2014, chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, khi đề án kỷ niệm được trình lên, các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương và cá nhân Bộ trưởng rất quan tâm, có đặt ra một số câu hỏi, trong đó có vấn đề trọng tâm là mục tiêu cao nhất cần đạt được sau các hoạt động kỷ niệm là gì? Sau đó, chính Bộ trưởng đã kết luận: Đó là phải khẳng định về truyền thống, bản chất, tôn vinh, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Đại tướng Phùng Quang Thanh thường xuyên nhấn mạnh phải gìn giữ và phát huy phẩm chất, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Phát huy truyền thống, bản chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành lẽ sống, phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và tỏa sáng trong đời sống xã hội. Nội dung xây dựng “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới cũng đã được đưa vào văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 và được cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn khi nghị quyết đại hội đã xác định rõ các chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới và coi đây là giải pháp nền tảng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
Là một người từng trải qua chiến tranh, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nhân dân, của LLVT, bởi thế Đại tướng Phùng Quang Thanh rất quan tâm đến công tác chính sách với hai trọng tâm là: Chính sách đối với quân đội và chính sách đối với hậu phương quân đội và người có công. Ở tầm vĩ mô, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách mới; từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với quân đội phù hợp với tiến trình đổi mới. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước, quân đội yêu cầu, động viên, phát huy trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo các đối tượng chính sách. Quân đội cũng đã tạo điều kiện cho nhiều thân nhân là vợ, con của quân nhân hy sinh, con của thương binh nặng được học tập và làm việc trong các đơn vị. Bộ trưởng cũng thường xuyên nhắc nhở phải quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị để chăm sóc sức khỏe thương binh nặng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng dành nhiều tâm huyết cho công tác đối ngoại quốc phòng trên cơ sở kiên định, kiên quyết với những nguyên tắc, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí rất quan tâm xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân và quân đội các nước là bạn bè truyền thống, là đối tác chiến lược, các nước láng giềng nhằm tăng đồng thuận, giảm bất đồng; tăng đối tác, giảm đối tượng; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiều vụ việc, xử lý các tình huống phức tạp liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ trưởng cùng với Thường vụ Quân ủy Trung ương luôn có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đúng đắn, kịp thời, đối sách linh hoạt để vừa giữ vững chủ quyền, vừa giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Một điểm mới trong hoạt động đối ngoại là “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc”, đến nay đã tổ chức được 6 lần. Đó cũng là cơ sở để chúng ta tăng cường thêm nhiều nội dung, hình thức hoạt động giao lưu, đối ngoại quốc phòng khác trong thời kỳ hội nhập. Đây là một hình thức sáng tạo, đa dạng, linh hoạt trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa quân đội hai nước cũng như chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Phía bạn cũng đánh giá rất cao và luôn coi trọng sáng kiến này.
Trước những yêu cầu mới về hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng cùng với Thường vụ Quân ủy đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi tham mưu cho Đảng, Nhà nước, đồng thời chỉ đạo quân đội phải chủ động chuẩn bị tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại các phái bộ. Đây là chủ trương góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của QĐND Việt Nam trên trường quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều lực lượng tham gia GGHB LHQ tại các phái bộ. Điều đó khẳng định Việt Nam có trách nhiệm ngày càng cao với vai trò thành viên LHQ, đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hoạt động này. Dư luận quốc tế đánh giá, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nghiêm túc và khẳng định sự tham gia lâu dài đối với sứ mệnh GGHB LHQ, thúc đẩy và kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
PV: Kính thưa Thượng tướng, cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều cảm nghĩ của mình về Đại tướng Phùng Quang Thanh?
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là một vị tướng trưởng thành từ người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường cho tới khi giữ cương vị cao nhất của quân đội. Đồng chí chiến đấu trên những mặt trận khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như Quảng Trị, Nam Lào... Từ khi còn là một chiến sĩ đến khi là chỉ huy cấp trung đội, đại đội, đồng chí luôn thể hiện những phẩm chất vô cùng cao quý, đó là sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh, tài năng và luôn cháy bỏng khát vọng được chiến đấu cùng đồng đội để bảo vệ đất nước. Dù trong mọi hoàn cảnh, cả lúc gian khổ nhất, đồng chí luôn chấp hành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí được kết nạp Đảng giữa chiến trường và được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong chiến đấu. Giữa cái sống và cái chết, với đồng chí cao nhất là tinh thần đồng chí đồng đội, trách nhiệm cán-binh, nhường cơm sẻ áo để đạt được mục đích cuối cùng là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trên cương vị là chỉ huy cao nhất của quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng, của Thường vụ Quân ủy Trung ương giữ yếu tố quyết định đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đến quá trình xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có vai trò cá nhân của đồng chí. Khát vọng lớn nhất của Đại tướng Phùng Quang Thanh đó là mong muốn xây dựng Quân đội ta lớn mạnh; xây dựng quân đội thực sự của nhân dân, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nỗ lực, dành nhiều tâm huyết để hiện thực hóa điều đó.
Trong các nhiệm vụ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cá nhân Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là quan điểm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân thời kỳ mới. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có những tham mưu chiến lược và quyết định rất chính xác, xử lý chuẩn xác các tình huống. Đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc làm việc nhưng đồng thời phát huy dân chủ, trân trọng, cầu thị sự góp ý của cấp dưới, của nhân dân. Bộ trưởng làm việc với tác phong sâu sát, tỉ mỉ, linh hoạt; giải quyết công việc xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Một điều nữa, tôi cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ cảm nhận, đồng chí luôn gần gũi, yêu thương đồng chí đồng đội, nhất là đối tượng chính sách và nhân dân. Đồng chí ra đi là một mất mát lớn cho gia đình, người thân và để lại tình cảm rất sâu nặng cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, đồng chí.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa!
NGUYỄN ANH TUẤN (thực hiện)