Đầu năm 1998, Tư lệnh Phùng Quang Thanh đến Sư đoàn 338 (nay là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338) - nơi tôi đang công tác thăm, kiểm tra. Đã biết trước những thiếu thốn của đơn vị, Tư lệnh Phùng Quang Thanh không vào nhà chỉ huy trước, mà đi xuống kiểm tra khu nhà ở của bộ đội.

Thấy tôi đeo quân hàm Thiếu tá cùng mấy đồng chí cũng là sĩ quan cấp tá ở chung một phòng đồ dùng đơn sơ, tất cả đều đã cũ ông nói: “Cấp tá mà vẫn nằm cái giường thế này, vất vả cho các đồng chí quá…”. Trầm tư ít giây, bắt tay chúng tôi, ông đi thẳng lên nhà chỉ huy. Tôi thầm nghĩ, có thể thủ trưởng sư đoàn sẽ bị phê bình. Sau khi đoàn công tác rời đơn vị cứ tưởng mọi việc sẽ “căng thẳng” hơn, ai ngờ Sư đoàn trưởng, Đại tá Hàn Công Viên mặt mày tươi tỉnh hẳn. Gần một tháng sau, Phòng Doanh trại quân khu chở giường 1,2m; tủ cá nhân cấp đủ cho cán bộ cấp tá và trưởng ban trở lên.

leftcenterrightdel
 

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh với quân, dân các tỉnh biên giới phía Bắc năm 2015. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Tháng 9-1999 đến thăm, kiểm tra sư đoàn lần thứ 2, lúc này “bộ mặt” đơn vị tôi đã khá hơn nhiều, Tư lệnh Phùng Quang Thanh biểu dương tinh thần tự lực, vượt khó của đơn vị. Hôm đó tôi làm nhiệm vụ trực ban ở Trung tâm chỉ huy được sư đoàn trưởng “triệu tập” vào cùng ăn cơm chiều với tư lệnh và đoàn công tác. Ăn xong tư lệnh không lên nhà chỉ huy uống nước mà tranh thủ dạo quanh đơn vị và gọi tôi đi cùng. Vừa đi, tư lệnh vừa thăm hỏi về tình hình công việc và gia đình. Qua câu chuyện ông mới biết tôi cũng là gia đình chính sách (bố vợ tôi là liệt sĩ Trần Văn Bưởi), đơn vị Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, hy sinh năm 1972 ở mặt trận phía Nam đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Gia đình chúng tôi đã hai lần vào thành phố Hồ Chí Minh và qua nhiều kênh để tìm kiếm mà vẫn chưa có kết quả.

Sáng hôm sau bàn giao trực ban xong, vừa rời trung tâm chỉ huy vài chục mét thì sư đoàn trưởng gọi quay lại, tôi hơi giật mình, sợ có gì sơ suất khi trò chuyện với Tư lệnh tối qua. Từ trên tầng 2 đi xuống, Tư lệnh Phùng Quang Thanh nói: “Ngọc (tên tôi) chú đưa anh cùng mấy anh em ra thăm gia đình”. Nhà mẹ vợ tôi ở thị trấn An Châu (Sơn Động, Bắc Giang) cách đơn vị 3km, lúc đó vợ chồng tôi còn khó khăn, chưa có nhà riêng đang ở cùng gia đình nhà vợ. Đến nơi, sau khi thắp hương cho đồng đội xong, Tư lệnh ân cần thăm hỏi từng người thân trong gia đình. Kéo con trai tôi là cháu Nguyễn Hải Thanh, 4 tuổi vào lòng, Tư lệnh Phùng Quang Thanh nói với mẹ vợ tôi là bà Nguyễn Thị Chẩy: “Chị chọn được chàng rể khá đấy, chú ấy tốt tính, làm công tác dân vận khéo, tôi tin chú ấy sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị và chăm lo chu đáo cho gia đình…”. Sự gần gũi, ân cần và tỉ mỉ của Tư lệnh đã khiến cả nhà tôi rưng rưng nước mắt. Nhờ có sự động viên kịp thời của Tư lệnh Phùng Quang Thanh, nên tôi luôn yên tâm công tác.

Những năm sau, khi còn là Tư lệnh Quân khu 1 cũng như đã phát triển lên những chức vụ cao hơn, ông vẫn thường xuyên quan tâm đến mọi hoạt động và đời sống của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Nhớ về ông, một vị tướng trưởng thành từ người lính, kinh qua nhiều trận đánh ác liệt, là dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng LLVT nhân dân; một Tư lệnh gần gũi, rất thương yêu bộ đội, kính trọng nhân dân, thấu hiếu nỗi đau mất mát của các gia đình thương binh, liệt sĩ...

NGUYỄN VĂN NGỌC, nguyên cán bộ Sư đoàn 338  (Cựu chiến binh thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)