Khi đó chúng tôi được biết đây là đơn vị mạnh của Quân khu 3, có bề dày truyền thống, là một trong những đơn vị lá cờ đầu trong Phong trào thi đua “Ba nhất” của toàn quân từ những năm 1961, trong kháng chiến chống Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội tên lửa cơ động chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Miền Bắc; được Bác Hồ về thăm năm 1966 và đang là đơn vị điển hình dẫn đầu phong trào thi đua “Làm giàu – đánh thắng” của Quân khu 3.

Đến trung đoàn ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã được truyền nguồn năng lượng của đơn vị có sức chiến đấu và xây dựng đang vươn lên một tầm cao như chàng trai Phù Đổng đã đến tuổi trưởng thành. Các cán bộ từ cấp trung đoàn, tiểu đoàn đã dày dặn trong chiến đấu đang là kiến trúc sư xây dựng và hình thành một đơn vị công binh chiến dịch làm hai nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Lữ đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Minh giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 25 rà phá bom mìn tại Cột mốc 14, Bắc Phong Sinh (năm 1992). 

Nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với phương châm: “Thời gian ngắn, chất lượng cao”, thực chất là huấn luyện sát với thực tế đảm bảo cho chiến đấu và trong lao động sản xuất. Cả trung đoàn như một công trường sôi động, các buổi tối toàn cơ quan trung đoàn thi đua xây dựng đơn vị, san lấp mặt bằng vận chuyển vật liệu như những người lính thợ. Ở đơn vị, đi làm công trình biên giới, sáng báo thức cán bộ, chiến sĩ lên xe đi vận chuyển vật liệu về chân công trình, rồi mới về ăn sáng kịp giờ thi công đường hầm ở cụm điểm tựa.

Ở giữa vùng đồng bằng mà trung đoàn đã tổ chức khai hoang trồng trọt hàng trăm ha: Cánh đồng vịt mò đã trở thành nông trường Đông Xuyên thâm canh hai vụ thu hoạch hàng trăm tấn thóc; khai hoang Bãi Soi ở sông Thái Bình đoạn qua Gia Lộc trồng khoai tây, trồng màu. Các tiểu đoàn đều có những nông trường vệ tinh cấy hàng chục mẫu lúa. Tiểu đoàn 27 khai hoang ở ngoài bãi Tứ Xuyên một năm thu hơn 40 tấn thóc, các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm luôn gắn liền với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và lao động sản xuất. Mỗi vụ cấy, làm cỏ hay thu hoạch lúa, cơ quan trung đoàn và đơn vị như ngày hội ở cánh đồng và phơi đập lúa trên sân. Tiểu đoàn 27 xây dựng cống Quảng Châu, Thanh Hóa. Tiểu đoàn 23 xây dựng cầu Am, Hà Đông, còn Tiểu đoàn 37 xây dựng trạm bơm Thống Nhất ở Tiền Hải, Thái Bình; và trung đoàn cùng tỉnh Hải Hưng hoàn thành xuất sắc cống An Thổ, công trình Thủy lợi trọng điểm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trong nhiệm vụ chi viện biên giới, người lính của trung đoàn có mặt khắp biên giới phía Bắc từ Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh... Các tuyến phòng thủ ở Đảo Đông Bắc và tận Bắc Lào. Những đường hầm đầu tiên vững chắc chống được phi pháo của địch giảm thương vong, duy trì sức chiến đấu cho bộ đội ở các điểm tựa phòng ngự Quân khu 1 và 2 đều do lính thợ công binh của Quân khu 3 và Trung đoàn Công binh 513 xây dựng. Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hoàn thành xuất sắc từ giành cờ thi đua “Ba nhất” trong hội thao Công binh toàn quân năm 1961. Năm 1977, hội thao toàn quân ngay ở bến sông Tranh (Ninh Giang, Hải Dương), Trung đoàn vẫn giành giải nhất toàn đoàn và Hội thao kỷ niệm 40 năm Ngày Thống nhất Bộ đội Công binh diễn ra năm 1986, đơn vị vẫn đứng đầu. Người lính ở Trung đoàn 513 được quan tâm từ thời kỳ: “Ăn cơm trung tá, mặc áo vệ sinh, sướng nhất công binh Quân khu Tả Ngạn” cho tới khi đã thành Trung đoàn Công binh chiến dịch, đời sống bộ đội ngày càng được nâng cao cả vật chất và tinh thần để trưởng thành toàn diện, sẵn sàng gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề ở nơi khó khăn gian khổ nhất.

Trung đoàn cũng nhiều lần được đón các đoàn khách về thăm, các đơn vị trong toàn quân, các đoàn văn nghệ sĩ và đoàn khách quốc tế. Khi về thăm đơn vị, cả chuyên gia quân sự Liên Xô cũng trầm trồ: "Trung đoàn 513 đúng là nhà có chủ". Đồng chí Nguyễn Quyết, Tư lệnh Quân khu 3 khi đó tổ chức Hội nghị các cán bộ chủ chốt của quân khu ở tại trung đoàn. Các đại biểu được tham quan thực tế và viết thu hoạch: Công nhận việc làm và thành tích của Trung đoàn 513, học tập Trung đoàn 513, phấn đấu đuổi kịp và vượt Trung đoàn 513. Trong đại hội Đảng bộ Trung đoàn, đồng chí Nguyễn Quyết phấn khởi và xúc động nói mình "như một người chiến sĩ của Trung đoàn 513".

Sau khi được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lần đầu năm 1985, các thế hệ cán bộ lãnh đạo chỉ huy của lữ đoàn xây dựng đơn vị vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, là 1 trong 15 đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng trong công cuộc đổi mới của đất nước năm 1994.

Trong hàng chục năm xây dựng và trưởng thành, từ Trung đoàn Công binh 513 rồi là Lữ đoàn Công binh 513 đã được các nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ gìn giữ, phát huy với động lực mới, ý chí mới, tư duy đổi mới sáng tạo ... Là Lữ đoàn công binh hùng mạnh của Quân khu 3, của Bộ đội Công binh anh hùng, mỗi lần nhớ về đơn vị, tôi vẫn như thấy một vóc dáng quen thuộc của Trung đoàn Công binh 513 ngày nào vươn lên khó khăn thử thách. Tôi nhớ về các cán bộ lãnh đạo từ những ngày chống Mỹ: Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thập, Chính trị viên Tiểu đoàn Mai Thập Mỵ, Chính trị viên phó Nguyễn Quốc Bảo và các cán bộ Trung đoàn: Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Bích, các đồng chí Nguyễn Lương Hiền, Nguyễn Văn Chỉnh, Vũ Đăng Nụ, Khiếu Ngọc Oánh, Ngô Doãn Hanh, Đỗ Hằng, Hoàng Sướng, Nguyễn Hữu Phấn, Nguyễn Ngọc Minh, Phạm Văn Thành… và sau này là các thế hệ đàn em kế tiếp đã phất cao lá cờ truyền thống.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Phạm Tiến Luật và lãnh đạo chỉ huy Lữ đoàn Công binh 513 chúc mừng sinh nhật Đại tướng Nguyễn Quyết (tháng 8-2022). 

Ngày 12-8-2022, tôi và Đại tá Nguyễn Trọng Tiến, Lữ đoàn trưởng và Thượng tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Trung đoàn Công binh 513 đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng Nguyễn Quyết và ôn lại những kỷ niệm ngày làm Tư lệnh Quân khu 3 và những lần đến Lữ đoàn 513 anh hùng. Tôi bùi ngùi xúc động nhớ những đồng chí đồng đội, các cán bộ, chiến sĩ đã đồng tâm sát cánh bên nhau trong chiến đấu, trong công tác, nay người còn người mất trên khắp mọi miền đất nước. Ở đâu với cương vị công tác nào, chúng tôi cũng rất tự hào về những năm tháng công tác ở Trung đoàn Công binh 513 anh hùng. Ai cũng luôn trân trọng tự hào như tên Bộ phim phóng sự Điện ảnh Quân đội Nhân dân: “Trung đoàn của chúng tôi”.

Thái Bình, ngày 21-4-2023.

Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT