ữ đoàn 513 (Quân khu 3) là đơn vị công binh hỗn hợp thường xuyên phải cơ động lực lượng trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới để xây dựng các công trình quân sự- quốc phòng; tham gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bão lũ; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Hằng năm, đơn vị sử dụng một khối lượng lớn vật tư xăng dầu, kinh phí bảo đảm các mặt hậu cần. Vì vậy quá trình triển khai nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan hậu cần Lữ đoàn luôn quan tâm coi trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định đây là giải pháp quan trọng trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. 

Để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, Đảng uỷ Lữ đoàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, đồng thời, cụ thể hóa hoạt động bảo đảm thành các quy chế, quy định cụ thể, như: Quy chế quản lý tài chính; Quy chế quản lý, sử dụng xe máy; xăng dầu; điện, nước... Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tập thể, cá nhân; chú trọng gắn kết việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác trong đơn vị, nhất là trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ biết trân trọng, giữ gìn tài sản của đơn vị, của quân đội, tự giác chấp hành nền nếp, chế độ trong quản lý, sử dụng vật tư, tài sản, tài chính và các trang thiết bị được giao... 



Chỉ huy Phòng Hậu cần kiểm tra chất lượng bữa ăn Tiểu đoàn 27.

 

Là đơn vị có nhu cầu bảo đảm điện rất lớn, vì vậy, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, phân đội quán triệt tiêu chuẩn, định mức điện, nước được hưởng hàng tháng đến từng đối tượng; khuyến khích cán bộ, chiến sĩ chú ý tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên; nghiêm cấm sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không đúng tiêu chuẩn, sử dụng điện công suất lớn, như ấm điện, bàn là, máy sưởi điện.... Tất cả các phòng ở, phòng làm việc đều có biển nhắc tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Từ năm 2009, Lữ đoàn đã tiến hành thay thế các loại bóng đèn sợi đốt bằng bóng compắc nhằm tiết kiệm điện. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn đã được sử dụng bóng compắc, giúp tiết kiệm gần 50% điện năng thắp sáng so với trước.

Để phát huy trách nhiệm của từng phân đội, bộ phận trong sử dụng điện, nước, Lữ đoàn tiến hành lắp công tơ điện, nước đến từng dãy nhà, từng phòng; qui định cụ thể đối tượng được sử dụng máy điều hoà nhiệt độ... Hàng tháng, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức và quân số, cơ quan doanh trại sẽ tính toán và thông báo cho từng đơn vị, bộ phận lượng điện, nước tiêu thụ trong tháng. Những đơn vị dùng vượt quá định mức sẽ phải nộp tiền bù vào; ngược lại, những đơn vị sử dụng tiết kiệm sẽ được dùng số tiền tiết kiệm được để sửa chữa, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Nhờ đó, từ 2010 đến nay, Lữ đoàn luôn sử dụng điện, nước đúng hạn mức, kể cả trong những thời điểm nhu cầu sử dụng tăng cao...

Đi đôi với tiết kiệm điện, nước, việc tiết kiệm xăng dầu cũng được Lữ đoàn duy trì thành nền nếp và có qui chế sử dụng chặt chẽ. Theo đó, hạn mức xăng dầu được phân cấp triệt để đến từng ngành, từng nhiệm vụ. Hằng năm, các ngành nghiệp vụ phải dự trù kế hoạch sử dụng, thông qua chỉ huy phê chuẩn. Hằng tháng, các ngành và từng cơ quan, phân đội phải tiến hành đối chiếu số liệu sử dụng với Ban Xăng dầu để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra tình trạng sử dụng xăng dầu quá hạn mức. Lữ đoàn còn qui định các cơ quan phải kết hợp với nhau khi thực hiện nhiệm vụ nhằm tiết kiệm xăng, xe. Khi tổ chức xe chở vật tư, máy móc, lương thực thực phẩm... cho các đơn vị, bộ phận thi công công trình, lúc về phải kết hợp chở tre, nứa, củi, đá... cho đơn vị. Khi tổ chức đoàn kiểm tra, nhất thiết phải bố trí xe chung, không đi riêng lẻ để vừa tránh rối bận cho đơn vị, vừa tiết kiệm xăng dầu.

Cùng với đó, Lữ đoàn tăng cường quản lý việc thanh, quyết toán xăng dầu đến từng chuyến xe, giờ nổ máy, kilômét hoạt động. Xăng dầu bảo đảm cho từng chuyến xe, từng nhiệm vụ đều phải được chỉ huy cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi đầu xe hoạt động đều lập sổ theo dõi sử dụng xăng dầu... Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả rõ rệt: Hiện tượng khai khống giờ nổ máy, số kilômét xe chạy, hay sử dụng xăng dầu sai mục đích... không còn xảy ra; giúp Lữ đoàn giảm được 5-7% lượng xăng dầu tiêu thụ so với trước mà vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với công tác quân nhu, xuất phát từ thực tế 2/3 quân số của Lữ đoàn thường xuyên cơ động dã ngoại, điều kiện khai thác vật chất hậu cần tại chỗ rất khó khăn. Vì vậy, một mặt, hậu cần Lữ đoàn chủ động ký hợp đồng với các nhà cung cấp có uy tín, có tư cách pháp nhân để bảo đảm việc cung ứng lương thực, thực phẩm ổn định; mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tăng gia sản xuất, chế biến, giết mổ tập trung. Lữ đoàn qui định rõ: Nếu thời gian thi công công trình trên 3 tháng, các phân đội dã ngoại đều phải tổ chức trồng rau, chăn nuôi để có thêm nguồn thực phẩm giá rẻ tại chỗ bảo đảm cho bộ đội. Đáng chú ý là, Lữ đoàn chỉ đạo các bếp ăn tận dụng triệt để nguồn trấu dồi dào trên địa bàn đóng quân để sử dụng đun nấu hàng ngày. Theo tính toán, đun bằng trấu tiết kiệm 50% tiền chất đốt so với đun bằng than cám, lại cung cấp lượng tro lớn để tăng gia. Từ đầu năm 2013 đến nay, các bếp ăn tĩnh tại trong Lữ đoàn đã tiết kiệm được từ việc đun trấu hơn 20 triệu đồng để đưa vào ăn thêm hàng ngày. Ngoài ra, các bếp còn tận dụng nguồn hơi dư thừa của hệ thống bếp lò hơi cơ khí để đun nước nóng phục vụ bộ đội tắm trong mùa đông, ước tính được trên 5 triệu đồng.

Thực hành tiết kiệm phải đi liền với các biện pháp chống tham ô, lãng phí thì mới đạt hiệu quả cao. Từ nhận thức đó, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính. Những loại vật chất có khối lượng, giá trị lớn đều được hội đồng giá và các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Hằng tháng, hội đồng giá các cấp tiến hành kiểm tra thực tế giá cả thị trường khu vực đóng quân. Hoạt động tài chính công khai hằng ngày, hằng tháng được các phân đội tiến hành nghiêm túc, có nền nếp. Đặc biệt, Đảng uỷ Lữ đoàn đã ra nghị quyết về luân chuyển và thường xuyên thực hiện việc luân chuyển đối với những chức danh nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Năm 2012, Lữ đoàn đã tiến hành 3 lượt luân chuyển nhân viên quản lý bếp ăn. 6 tháng đầu năm 2013, Lữ đoàn luân chuyển được 4 lượt nhân viên hậu cần. Các đối tượng tiếp phẩm cũng được thường xuyên được luân chuyển, thay đổi để tránh xảy ra tiêu cực, đồng thời giúp họ có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí trong bếp ăn...

Với nhận thức đúng và có nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Lữ đoàn Công binh 513 đã đạt được kết quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trung tá NGUYỄN QUANG TRIỆU