Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tình hình đất nước ta rất căng thẳng khi phải đương đầu với thù trong giặc ngoài. Ở phía Bắc, tàn quân Pháp bị Nhật đảo chính chạy sang Vân Nam trú ngụ, khi đồng minh thắng trận, được trang bị vũ khí, kéo quân về Sơn La, Lai Châu và Thượng Lào. Khi đó ở Hà Nội, những thanh niên cứu quốc có chân trong Mặt trận Việt Minh được phát súng tổ chức thành các phân đội, tiểu đội cùng với đơn vị ở chiến khu về hợp thành một đơn vị gồm 160 người.
Ông Khuông nhớ lại: Đồng chí Lê Hiến Mai tới công bố Quyết định thành lập Đội vũ trang trinh sát miền Tây, do đồng chí Đệ làm Đội trưởng; Lam Ngọc làm Chính trị viên; Tuấn Sơn làm Đội phó. Đơn vị có nhiệm vụ hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu (Sơn La), vượt Cửa khẩu Pa Háng tiến sang Sầm Nưa (Hủa Phăn, Lào) đi trinh sát tìm giặc đánh, hỗ trợ nhân dân lập chính quyền cách mạng ở miền Tây.
Theo lời kể của ông Khuông, trước đó, ở Lào, năm 1944, ông Nguyễn Hữu Hanh là giáo viên dạy tiếng Pháp cho người Lào và đồng bào Việt kiều, ông Bùi Ngọc Tuệ là y tá đứng ra thành lập Hội Việt kiều ái hữu, quy tụ hơn 400 người tham gia sinh hoạt hội. Hai ông lựa chọn trong số Việt kiều những thanh niên tiêu biểu cùng với người Lào thành lập đội tự vệ, ông Nguyễn Văn Khuông được giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội tự vệ...
Đến cuối tháng 9-1945, tàn binh Pháp được viện trợ hàng hóa, vũ khí bằng máy bay tổ chức lại lực lượng để tiến quân về tái chiếm Sầm Nưa. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Khuông và ông Trần Văn Kính được ông Hanh và ông Tuệ giao nhiệm vụ đưa thư báo tin tình hình hoạt động của quân Pháp tới chỉ huy Đội vũ trang trinh sát miền Tây. Nhận nhiệm vụ, hai người chuẩn bị đầy đủ quân tư trang vượt rừng núi hiểm trở để sang Mộc Châu. Thư được nhét vào trong ghi đông xe phòng trừ bất trắc xảy ra. “Khi đến Mộc Châu, tôi đề nghị gặp thượng cấp và trao bức thư tay. Trong căn nhà sàn của ông Sa Văn Minh người dân tộc Dao, anh Lam Ngọc rất phấn khởi khi nhận được thông tin từ Lào. Trước lúc chia tay, anh ấy còn tặng chúng tôi hai bao muối làm quà”, ông Khuông kể.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khuông kể lại trận chiến đấu thắng lợi ở Mường Láp.
|
Trở lại Sầm Nưa, Pháp đã tái chiếm và ép chính quyền cũ huy động mấy trăm người cùng ngựa đi phu, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho chúng. Một lần nữa, ông Khuông và đồng chí Kính lại được cử đi đón bộ đội ở Mộc Châu. Đi được khoảng 40km thì gặp đoàn quân đang hành quân sang Lào. Gặp lại chỉ huy đơn vị, ông Khuông thông báo cụ thể tình hình. Đêm hôm đó, cả đoàn quân gấp rút hành quân trong mưa đến sáng 18-10-1945 thì tới Sầm Nưa. Nhưng khi đến đây, lính Pháp đã rút chạy.
Kiều bào thông báo đầy đủ, chính xác về tình hình địch. Mặc dù rất mệt sau chặng đường dài nhưng chỉ huy đội vẫn quyết tâm truy kích địch đang rút chạy về Mường Láp. Khi đó, đội được bổ sung một số đồng chí trong đội tự vệ của ông Khuông. Ngày 20-10, lính Pháp trú tại Mường Láp nghỉ xả hơi vì nghĩ rằng quân Việt Minh với chân trần không thể cơ động nhanh được. Chúng dừng lại rồi tổ chức ăn uống, hò hét ầm ĩ trên nhà sàn, bắt con gái bản uống rượu, nhảy xòe cùng.
Sẩm tối, đội quân gồm 60 đồng chí do Đội phó Tuấn Sơn chỉ huy cũng vừa tới nơi. Quan sát kỹ địa hình, anh cho bộ đội tiếp cận mục tiêu đánh tập kích địch. Tên lính Pháp làm nhiệm vụ canh gác thấy động, chưa kịp chống cự đã bị tiêu diệt ngay. Tiến đến gần nhà sàn, các tổ chiến đấu liền tung lựu đạn, tiếng nổ vang trời khiến lính Pháp hoảng loạn chạy thoát thân vào trong rừng. Bị tập kích bất ngờ, chúng không kịp mang theo thứ gì.
Hàng trăm phu phen cùng ngựa thồ do lính Pháp bắt đi cũng được ta vận động để chở số chiến lợi phẩm quay trở lại căn cứ cách mạng. Ta đánh trận Mường Láp chỉ bằng vũ khí thô sơ nhưng lại chiến thắng đội quân xâm lược nhà nghề với vũ khí trang bị hiện đại. Sau khi về Sầm Nưa, quân ta tổ chức kiểm kê, rất phấn khởi khi thu được hàng trăm khẩu súng trung liên, súng cối, điện đài, nhiều kiện quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực, thực phẩm. Số chiến lợi phẩm thu được lúc đó có ý nghĩa lớn góp phần trang bị cho đội tự vệ và Đội vũ trang trinh sát miền Tây mới được thành lập còn rất thiếu thốn...
Sau chiến thắng Mường Láp, lực lượng của ta còn giúp bạn xây dựng lực lượng, thành lập chính quyền cách mạng. Trận thắng Mường Láp của Đội vũ trang trinh sát miền Tây đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng về mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai nước Việt-Lào. Vẻ mặt đầy tự hào, ông Khuông kể: "Ngày 24-10-1945, tôi vinh dự được tham gia cuộc mít tinh lớn tổ chức để mừng chiến thắng và công bố việc thành lập chính quyền cách mạng Sầm Nưa".
Bài và ảnh: ĐỨC NAM