5 lần vinh dự đón Bác về thăm

Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Nam Định là vào tháng 1-1946. Sáng 11-1-1946, tại trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Nam Định (nay là Vườn hoa Điện Biên, đối diện Cột cờ Nam Định), Bác đã gặp và nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân; đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới của tỉnh...

Lần thứ hai, vào ngày 24-4-1957, Bác đã đi thăm nhiều nơi trong TP Nam Định. Dự Hội nghị cán bộ sửa sai cải cách ruộng đất của tỉnh Nam Định, Người đã phân tích những thắng lợi của cải cách ruộng đất và chỉ rõ các sai lầm, khuyết điểm cần phải khắc phục. Trong chuyến thăm lần này, Bác đã nói chuyện với hơn 500 đại biểu các tầng lớp nhân dân TP Nam Định. Bác khen ngợi cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Định trong kháng chiến đã có truyền thống chiến đấu anh dũng; ngày nay, trong hòa bình cũng phải giữ vững truyền thống tốt đẹp ấy, mà trước hết cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu thực hiện.

Lần thứ ba, vào ngày 13-8-1958, Bác về thăm và dự Hội nghị phát động sản xuất của tỉnh họp tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên. Nói chuyện với gần 1.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ, Bác đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra sự sút kém của vụ mùa năm trước và động viên đồng bào, cán bộ ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi; đồng thời nhấn mạnh kinh nghiệm trồng trọt của cha ông ta... 

Lần thứ tư, vào ngày 15-3-1959, Bác về thăm Nam Định, kiểm tra tình hình chống hạn và đẩy mạnh vụ chiêm. Khi đi xem xét tình hình chống hạn, Người khen nhân dân Nam Định tích cực cứu được 4 mẫu lúa khỏi bị hạn và nhắc nhở phải chống hạn cho 2 vạn mẫu lúa đang bị đe dọa. Đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định, Bác căn dặn Đảng ủy Nhà máy Dệt cần làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp và công tác phát triển Đảng, Đoàn...

Lần thứ năm, vào tháng 5-1963, và đó cũng là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Sáng 21-5-1963, Bác dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết nội bộ. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tránh lãng phí, hình thức và mất dân chủ. Đặc biệt trong dịp này, Người lại dành thì giờ thăm công nhân Nhà máy Dệt; thăm nơi ăn, ở của công nhân và ân cần căn dặn các đồng chí lãnh đạo Nhà máy phải chăm lo tổ chức tốt điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ công nhân... Tiếp đó, ngày 22-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với hơn 5 vạn cán bộ, nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Cả thành phố đổ ra đường, ai cũng mong muốn được trông thấy Bác Hồ để thỏa lòng mong ước.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định trao Giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” tới nhóm tác giả. 

Cuối hành trình, Người đến tham quan Nhà triển lãm thông tin đường Cột cờ TP Nam Định. Người đã xem một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh của Đảng bộ, nhân dân Nam Định và ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Đây là tư liệu quý, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay, cuốn sổ vàng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Mỗi lần về thăm Nam Định là mỗi lần Bác Hồ để lại trong lòng nhân dân và Đảng bộ tỉnh những kỷ niệm, lời căn dặn, chỉ bảo sâu sắc. Những năm sau này, mặc dù không trực tiếp đến thăm nhưng Bác vẫn thường xuyên thăm hỏi và theo dõi những tiến bộ và sự phát triển của Nam Định.

Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước

Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đã không ngừng nỗ lực, cố gắng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Từ một tỉnh nông nghiệp, còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,07%, cao nhất từ trước đến nay; giá trị xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 3 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16,5%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 8.000 tỷ đồng. Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Nam Định còn đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh tiếp tục được đầu tư cả bề rộng, chiều sâu. Ngành giáo dục-đào tạo giữ vững thành tích 28 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục...

Với những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng nghìn bà mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống quê hương, trong chặng đường sắp tới, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đang quyết tâm đổi mới vươn lên, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Bài và ảnh: THU TRANG