Trở lại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) vào dịp Quốc khánh năm nay, chúng tôi được chứng kiến nhiều gia đình bày tỏ sự biết ơn, lòng thành kính, tình cảm thiêng liêng đặc biệt đối với Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trong đó có việc làm mâm cơm giỗ Bác. Nhiều gia đình có điều kiện còn đến Đền thờ Bác Hồ ở ấp Bà Chăng A dâng hương, dâng lễ tưởng nhớ Bác. Cũng như bao gia đình ở xã Châu Thới, gia đình ông Khưu Tam Phước (Ba Phước), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bà Chăng A dành vị trí trang trọng nhất trong nhà để treo ảnh Bác Hồ.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Dịp này, ngày nào ông cũng thắp hương trên ban thờ Bác. Và đã trở thành nền nếp, cứ đúng ngày 2-9, ông Ba Phước lại cùng gia đình chuẩn bị mâm cơm giản dị giỗ Bác rồi tập hợp con cháu để nhắc nhớ về công lao trời biển của Bác Hồ. Ông Bùi Hữu Nghị, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bào Sen cho biết: “Xuất phát từ sự tôn kính đối với Bác Hồ, hằng năm, cứ vào dịp này, chi hội lại tổ chức sinh hoạt, giáo dục truyền thống, nói chuyện chuyên đề về Bác. Nhớ ơn Bác, các hội, đoàn thể, người dân còn thể hiện lòng thành kính qua những mâm cơm giản dị, trà bánh, trái cây dâng lên Người.

Điều này đã trở thành một nét văn hóa ở địa phương”. Theo đồng chí Dương Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới, năm 1998, Đền thờ Bác Hồ ở ấp Bà Chăng A đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, đây là niềm vinh dự, tự hào của Châu Thới. Đền thờ Bác Hồ trở thành "địa chỉ đỏ" để bà con bày tỏ lòng thành kính đối với Người và giáo dục truyền thống cách mạng...

KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu - Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.