Gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quang, nguyên Phó trưởng ban Lao động-Tiền lương và Chế độ chính sách, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam), chúng tôi khá bất ngờ vì tuy tuổi đã gần 80 nhưng ông rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vẫn giữ phong thái rắn rỏi của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử trên mảnh đất Quảng Trị năm xưa.

Cuối năm 1971, khi đang là giảng viên ngành địa chất, Nguyễn Quang cùng hàng nghìn sinh viên, thanh niên miền Bắc xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Sau hơn 4 tháng huấn luyện tại Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1), trong một đợt nghỉ phép ngắn ngày, chiến sĩ trẻ Nguyễn Quang gấp rút thu xếp về nhà để tổ chức đám cưới với người yêu sau nhiều năm hẹn ước. “Thực tâm khi ấy, tôi đi không mảy may phân vân chuyện cá nhân. Mình có vợ, các đồng chí khác cũng có vợ, có con, tất cả đều lên đường ra trận vì Tổ quốc. Tôi chỉ nghĩ làm sao học tập, huấn luyện thật tốt để phát huy được hiệu quả khi ra chiến trường, dẫu có gian khổ cũng không chùn bước”, CCB Nguyễn Quang tâm sự.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang. Ảnh: HOÀNG CHUNG 

Sau ngày cưới một tuần, Nguyễn Quang cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Suốt quãng đường hàng trăm cây số, ông và đồng đội vừa đi bộ, vừa phải vác theo hành lý nặng 35-40kg. Vào đến bờ sông Bến Hải, Nguyễn Quang được biên chế về Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, trực tiếp chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, CCB Nguyễn Quang xúc động kể, sau khi vượt sông Thạch Hãn sang bờ chiến tuyến, hành trang chiến đấu của người lính trên chiến trường Quảng Trị chỉ có cây súng, cái xẻng, duy nhất một bộ quần áo và đôi dép cao su.

Quảng Trị mùa mưa trắng xóa đất trời, một bộ quần áo cứ thế khô rồi lại ướt, ướt rồi lại khô. Nhiều đêm thao thức không chỉ vì bom đạn ác liệt mà còn vì những trận mưa kéo dài. Bên trong hầm trú, nước mưa chảy vào nhiều, muốn ngủ được phải kê cao đầu lên chiếc mũ cối để chợp mắt, đến khi nước dâng cao thì lại ngồi dậy tát nước ra ngoài, cứ như thế không biết bao nhiêu lần. “Khẩu phần của người lính mỗi ngày được hai nắm cơm trắng, không rau, không muối. Đồng đội đi lấy cơm về mà không may bị ngấm nước mưa hay nhỡ trượt chân ngã xuống ruộng, cơm rã ra vẫn phải chắt lại để ăn còn lấy sức tiếp tục chiến đấu. Điều kiện lúc ấy quả thực quá khắc nghiệt...”, CCB Nguyễn Quang bùi ngùi nhớ lại. 

Sau nhiều trận giao tranh ác liệt với quân địch, một hôm, Nguyễn Quang cùng đồng đội được tin Đại đội 9 (cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 36) đóng quân ở khu vực gần đó chịu nhiều thương vong. Đại đội 11 của ông được lệnh chi viện, bổ sung quân số cho Đại đội 9 để tiếp tục chiến đấu, chốt giữ địa bàn. Dẫu biết nguy hiểm, Nguyễn Quang lập tức xung phong nhận lệnh. Sự quả cảm của ông khi đó đã góp phần khích lệ tinh thần của toàn đơn vị.

Sau khi tăng cường về Đại đội 9, Nguyễn Quang cùng đồng đội tổ chức củng cố lại hầm hào, tiếp tục chiến đấu. Tháng 10-1972, khi đang chốt giữ tại đơn vị, Nguyễn Quang bất ngờ nhận được thông báo từ chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn. “Kể từ giờ phút này, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam”, CCB Nguyễn Quang nhớ như in câu nói đó.

Niềm vui đến với Nguyễn Quang hoàn toàn bất ngờ và khiến ông rất đỗi tự hào, bởi ông luôn xác định, đã vào chiến trường thì không màng đến sự sống và cái chết, chỉ biết rằng phải dốc hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao...

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, trở lại vùng "đất lửa" Quảng Trị năm nào, CCB Nguyễn Quang cùng đồng đội vui mừng khi thấy kinh tế địa phương ngày một phát triển, nhiều nơi trước kia là chiến trường khốc liệt, nay cây cối đã xanh tươi, giao thông, đường sá, công trình xây dựng sạch đẹp, cuộc sống người dân ấm no hơn nhiều. Mảnh đất một thời chịu nhiều thương đau nay đang chuyển mình mạnh mẽ để tiến bước cùng cả nước trong thời kỳ mới.

XUÂN CHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu - Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.