Bà Thuận có tên khai sinh là Nguyễn Thị Minh Hậu, quê ở làng Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Mẹ mất sớm, nhà dù không có điều kiện dư dả nhưng bố bà vẫn quyết lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Năm ấy, bà là một trong 40 nữ sinh toàn miền Bắc thi đỗ vào Trường nữ học Đồng Khánh (nay là Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội). Sau 4 năm học, tốt nghiệp bậc Thành Chung năm 1941, do không có tiền để học cao hơn nên bà Thuận quyết định đi dạy học ở Trường nữ học Hoài Đức để phụ giúp gia đình.

Thời gian học tập, công tác tại các nhà trường do thực dân Pháp khai mở là cơ hội giúp bà Thuận tiếp xúc với sách, báo tiến bộ, biết đến Đảng Cộng sản và tìm đến với cách mạng. Bà tích cực hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Thủ đô. Những ngày đầu tháng 8-1945, bà được tổ chức giao nhiệm vụ may cờ đỏ sao vàng để cấp cho các lực lượng tham gia trong sự kiện biến cuộc mít tinh do Tổng hội công chức thuộc chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng trên các đường phố Hà Nội.

Chiều 17-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, bà Thuận cầm cờ đỏ do chính mình may tham gia đoàn biểu tình tuần hành thị uy với nhiệm vụ được giao là: Giữ vững hàng ngũ, quan sát tình hình. “Từ trên diễn đàn, vang lên lời kêu gọi của Việt Minh trước loa phóng thanh với hai giọng nói: Một giọng miền Bắc của chị Từ Ngọc Trang, một giọng miền Trung của chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Giọng nói của các chị đầy khí phách khiến ai cũng háo hức như được truyền thêm lửa nhiệt huyết. Đến ngày tổng khởi nghĩa, không khí sục sôi cách mạng đã lôi cuốn chúng tôi theo đoàn biểu tình đi giành chính quyền.

Một số chị theo đoàn rẽ về Phủ Khâm sai, còn tôi đi trong đoàn tiến về Trại Bảo an binh do quân Nhật chiếm đóng. Ban đầu chúng phản ứng không chịu đầu hàng, đưa cả quân đội có xe tăng yểm trợ đến can thiệp. Chúng tôi được lệnh giữ vững đội hình, siết chặt hàng ngũ, chờ kết quả thương thuyết. Nhưng đến khoảng 15 giờ, tôi được anh Mai Văn Mạc báo trên đang cần một số chị em về ngay Ty Liêm phóng Bắc Bộ vì lực lượng khởi nghĩa đã chiếm được nơi này, đang thiếu lực lượng lo công tác hậu cần. Dù chưa giỏi việc bếp núc nhưng mấy chị em giáo sinh lại không nề hà, việc gì có thể là xắn tay vào làm. Thật vui vì liên tiếp sau đó, tin thắng lợi từ khắp nơi báo về.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Văn Lương (thứ ba, từ phải sang) và phu nhân (thứ hai, từ phải sang). Ảnh tư liệu 

Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành phố đã giành chính quyền thành công với số thương vong rất ít. Đến ngày 2-9-1945, tôi vinh dự đi trong đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Đoàn được bố trí tập kết ngay gần lễ đài. Đứng hàng đầu, tôi quan sát rất rõ lễ đài, nhìn được rõ Bác Hồ đứng trước micro. Người mặc bộ quần áo vải kaki giản dị. Tôi nhớ nhất là khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập đến giữa chừng, Người hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Trước câu hỏi rất đỗi mộc mạc, giản dị ấy, cả vạn người, trong đó có tôi đều đồng thanh hưởng ứng”, bà Thuận hồi tưởng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bà Thuận về công tác ở Văn phòng Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại đây, lần đầu tiên bà gặp đồng chí Lê Văn Lương nhưng chưa có nhiều ấn tượng về ông. Chỉ đến giữa năm 1947, khi Trung ương mở lớp đào tạo cán bộ khóa 5 tại Trường Văn Lãng ở chân đèo Khế (Thái Nguyên), bà Thuận là học viên, còn giáo viên là đồng chí Lê Văn Lương, qua lời giới thiệu của đồng chí Lê Đức Thọ, hai người mới dần để ý tìm hiểu nhau. Kết thúc khóa học, đồng chí Lê Văn Lương ở lại An toàn khu Định Hóa, còn bà Thuận về cơ quan phụ nữ ở Việt Bắc.

Theo lời kể của bà Thuận, khi kết thúc khóa học, đọng lại trong tâm trí bà là hình ảnh thầy giáo Lê Văn Lương-một người anh rất hiền, ít nói nhưng chân thành. Ban đầu, do e ngại các chị trong cơ quan phụ nữ biết sẽ chọc ghẹo nên bà Thuận nhắc đồng chí Lê Văn Lương không viết thư về cơ quan. Sau nhờ đồng chí Lê Đức Thọ động viên và “tự ý” cho địa chỉ mà đồng chí Lê Văn Lương mới có động lực viết thư cho bà. Những lá thư chính là cầu nối để hai người dần cảm mến nhau. Thư ông viết rất đều đặn, lời lẽ chân tình, khiêm tốn, không bay bướm và luôn kết thúc bằng lời nhắn “mong thư em” vì sợ bà không viết thư trả lời.

Qua những lá thư, họ ngày một hiểu nhau hơn, trọng rồi tin yêu nhau trong tình đồng chí lẫn tình yêu đôi lứa. Bà Thuận kể: "Ngày 28-3-1948, đồng chí Tôn Đức Thắng làm chủ hôn trong đám cưới của chúng tôi. Bác Hồ gửi đến một mảnh giấy nhỏ ghi “Chúc Lương-Thuận đoàn kết chặt chẽ”. Anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ và anh Hoàng Quốc Việt cũng dự. Hôm ấy, anh Lương mặc bộ quần áo nâu, còn tôi giữ được cái áo dài lanh từ hồi học sinh để mặc. Anh Vũ Năng An chụp cho chúng tôi mấy bức ảnh kỷ niệm. Gần nửa thế kỷ bên nhau, đi qua các giai đoạn lịch sử cách mạng cho đến khi anh về cõi vĩnh hằng ngày 25-4-1995, chúng tôi đã luôn đồng hành, cùng cống hiến cho đất nước”.

SONG THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.