Đồng chí Hồ Sĩ Tư quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1963, khi vừa tròn 19 tuổi, anh xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 16, Binh trạm 37, làm nhiệm vụ chuyển thương binh. Bất kể ngày đêm, đồng chí Hồ Sĩ Tư luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gương mẫu, hết lòng phục vụ thương binh, bệnh binh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

leftcenterrightdel

Chiếc cặp vải giả da của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Sĩ Tư. 

Điển hình như: Mùa vận chuyển năm 1969-1970, có đêm máy bay địch đánh sát nhà ở của thương binh, không quản nguy hiểm, đồng chí xông vào cõng 3 thương binh xuống hầm. Nhiều lần giữa đêm tối, trạm giao liên bạn báo có thương binh cần chuyển gấp, Hồ Sĩ Tư vận động anh em của Trạm giao liên 73 tổ chức đi hỗ trợ ngay. Những lúc có thương binh nặng ở trạm, đồng chí luôn tận tình chăm lo cơm cháo, giặt giũ quần áo cho thương binh, động viên mọi người yên tâm điều trị.

Năm 1969, đồng chí Hồ Sĩ Tư được đơn vị bầu là Chiến sĩ thi đua và tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Bộ tư lệnh 559. Để mang tài liệu về dự đại hội, đồng chí đã mua chiếc cặp này. Sau đó, khi trở lại đơn vị, đồng chí Hồ Sĩ Tư dùng chiếc cặp để đựng công văn, tài liệu của tiểu đội. Chiếc cặp gắn bó với đồng chí Hồ Sĩ Tư suốt những năm hoạt động gian khổ và ác liệt trên dải Trường Sơn hùng vĩ, góp phần làm nên những chiến công của người chiến sĩ giao liên Trường Sơn. Ngày 1-10-1971, đồng chí Hồ Sĩ Tư vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tháng 3-1973, đồng chí Hồ Sĩ Tư được cử ra Bắc học tập. Trước khi lên đường, trong buổi liên hoan chia tay đồng đội, anh đã tặng Trạm giao liên 73 chiếc cặp của mình để đơn vị tiếp tục sử dụng. Hiện nay, chiếc cặp được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để làm hiện vật giáo dục truyền thống.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.