Đây là một trong những chiếc bát của má Đào Thị Rạng, xã Phú Hội, huyện Long Thành (nay là xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), tỉnh Đồng Nai vừa dùng để bán bánh canh ở chợ, vừa dùng để múc cháo, múc bánh canh cho bộ đội và du kích.
Má Đào Thị Rạng sinh năm 1932, tham gia hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làm việc ở Ban Chấp hành Hội phụ nữ huyện Long Thành. Chồng má Rạng cũng là cán bộ cách mạng, thoát ly từ năm 1948. Năm 1952, má nghỉ ở nhà sinh nở và nuôi con. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, má tiếp tục tham gia làm công tác tiếp liệu, binh vận.
 |
Chiếc bát tô gốm sứ của má Đào Thị Rạng. |
Trong thời gian bị địch tạm chiếm, vì là gia đình cán bộ, má Rạng tránh đấu tranh trực diện nhưng thường theo dõi tình hình địch, làm giao liên mật cho chồng, cho cách mạng. Vào năm 1960, được sự tuyên truyền của chú Nguyễn Văn Tánh (Tám Tánh)-cán bộ mặt trận huyện Nhơn Trạch, má Rạng lập trạm giao liên tại nhà và tham gia nuôi, giấu cán bộ. Chiếc bát men sứ này là một trong những chiếc bát còn lại mà hồi đó má Rạng thường dùng để múc cháo, múc bánh canh bán ngoài chợ và cũng để nuôi cán bộ, du kích... Nhiều lần bị địch nghi ngờ, hăm dọa, nhưng má luôn giữ vững tinh thần trung kiên, khéo léo qua mắt kẻ thù. Điển hình như lần chồng má tổ chức vượt ngục Biên Hòa thành công. Bọn địch hùng hổ kéo đến nhà đập phá, đánh đập, bắt má phải tìm mọi cách để gọi chồng về. Trước nắm đấm tàn bạo và họng súng lạnh lẽo của địch kề vào đầu, má vẫn bình tĩnh nói với chúng: Trình độ vợ thấp hơn chồng nên không giáo dục được, không gọi được chồng về... Sau đó, được bà con chòm xóm bảo vệ, địch đuối lý không làm gì được đành hậm hực bỏ đi.
Bên cạnh việc nuôi, giấu cán bộ, má Rạng còn tham gia vận chuyển tài liệu. Má thường để tài liệu trong khạp, cho đường lên trên, dưới cùng là cát. Cũng có khi tài liệu làm thành thang thuốc bắc, cao đơn hoàn tán khui ruột. Chiếc bát men sứ là biểu tượng cho lòng dũng cảm, trung kiên của má Rạng nói riêng, các bà má miền Nam nói chung luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh, góp phần xây dựng hậu phương an toàn, vững chắc ngay trong lòng địch để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.