Địa chỉ đỏ đầu tiên trong chuyến trở lại huyện U Minh của chúng tôi là căn nhà của ông Phan Văn Mậu, ở Rạch Chuôi, ấp 2, xã Nguyễn Phích. Ông Mậu đã từ trần đến nay 26 năm, căn nhà của ông được người con trai út là Phan Văn Nghiệp thừa kế, coi sóc. Căn nhà hiện trạng vào những năm 50 của thế kỷ trước cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng sinh sống và hoạt động cách mạng.

Ông Nghiệp tâm sự: “Ngày đó tôi còn nhỏ, chỉ nhớ một khoảng thời gian ba mẹ và chị gái từng đưa cơm cho cán bộ đang ở tại khu vườn nhà. Mãi đến sau giải phóng, có đoàn cán bộ ở Hà Nội vào khảo sát và Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm Minh Hải (nay là Cà Mau) đã cho người đón ba tôi ra thị xã Cà Mau họp mặt những gia đình từng cưu mang ông, thì tôi mới tận tường. Trước khi mất, ba tôi căn dặn bằng mọi giá phải giữ lại liếp tre, nơi có căn hầm bí mật bác Duẩn ở ngày xưa. Thực hiện lời di nguyện của ba, tôi đã giữ khoảnh vườn ấy 26 năm qua”.

leftcenterrightdel
Các em học sinh đến tìm hiểu truyền thống tại căn nhà mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng sinh sống và hoạt động cách mạng ở Cà Mau. 
leftcenterrightdel

Trường tiểu học được xây dựng khang trang trên địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. 

Theo ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện U Minh, căn nhà ông Mậu là một trong những nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng sinh sống và hoạt động cách mạng trên địa bàn huyện U Minh trong giai đoạn ở Cà Mau. Di tích ấy, hiện đã được gắn bảng và đề xuất trùng tu, tôn tạo vừa đảm bảo công tác giữ gìn giá trị truyền thống vừa phát huy giáo dục đạo đức cách mạng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Nguyễn Phích là đơn vị hành chính cấp xã có diện tích rộng nhất tỉnh Cà Mau với 20 ấp, trong đó hơn một nửa diện tích có rừng. Từng là xã khó khăn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và là “túi nghèo” của huyện U Minh... Phát huy tinh thần chịu khó, những năm qua đời sống người dân Nguyễn Phích không ngừng được cải thiện nâng cao.

Nguyễn Phích là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích của các cơ quan của Trung ương trú ngụ trong hai thời kỳ kháng chiến. Ngày nay, không riêng gì người dân ở Rạch Chuôi vươn lên xây dựng đời sống mới, mà toàn vùng lâm phần Nguyễn Phích dần chuyển mình.

Ông Võ Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh phấn khởi nói: “Nguyễn Phích vinh dự được công nhận xã an toàn khu, đặc biệt xã có di tích của cố Tổng bí thư Lê Duẩn ở Rạch Chuôi và cụm bia ghi nhận quá trình hoạt động của ngành Giáo dục Nam Bộ… Chúng tôi đã và đang giữ gìn và phát huy tốt. Không những thế, giá trị của các di tích và nét đẹp truyền thống còn góp phần thúc đẩy quê hương phát triển, tiến tới xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025”.

leftcenterrightdel
 Người dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm.

leftcenterrightdel
Những cánh đồng lúa chín vàng trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. 

Men theo dòng sông Cái Tàu hướng ra ngã ba Kinh xáng Chắc Băng, những địa danh Kinh Kiểm lâm, Kinh 30,… trên vùng đất anh hùng thuộc 2 xã Trí Phải, Trí Lực huyện Thới Bình cũng đang nao nức trong cuộc sống sung túc. Nếu như xã an toàn khu Nguyễn Phích ở vùng lâm phần U Minh hạ đang phấn đấu về đích chuẩn nông thôn mới, thì xã Trí Lực, Trí Phải, huyện Thới Bình đang dồn sức đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết: “Hai xã Trí Lực, Trí Phải được chọn là tiên phong trong các chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện. Vùng đất ấy vừa là xuất phát điểm các phong trào cách mạng vừa lưu giữ nhiều kỷ niệm kháng chiến, tấm lòng người dân miền Nam với Bác Hồ với cách mạng như: Di tích cây vú sữa miền Nam; Phủ thờ Bác Hồ; di tích Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1949 - 1953; di tích điểm tập kết ra Bắc…”.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vùng đất Cà Mau nói chung có những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa làm nhân tố cơ bản để xây dựng căn cứ kháng chiến vững chắc, lâu dài.

Cũng trong giai đoạn lịch sử ấy, trên mảnh đất Cà Mau nhiều địa danh như: Tân Quảng, Đòn Dong, Phú Mỹ (huyện Phú Tân); Tân Đức, Tân Tiến (huyện Đầm Dơi); Nguyễn Phích, Khánh Lâm (huyện U Minh); Tân Ân, Rạch Gốc, Viên An (huyện Ngọc Hiển)... là những địa chỉ được Đảng và Cách mạng Miền Nam chọn làm nơi hoạt động.

Cũng từ chính từ những nơi này, Đề cương Cách mạng Miền Nam được đồng chí Lê Duẩn khởi thảo, góp phần quan trọng vào Nghị quyết Trung ương trong đấu tranh và giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất hai miền Nam - Bắc vào mùa xuân 1975.

Chiến tranh đã lùi xa, những chứng tích, di tích, địa chỉ đỏ cách mạng trên mảnh đất Cà Mau không ngừng bứt phá, vươn lên tô điểm cho vùng quê đổi mới.

Bài, ảnh: PHONG PHÚ 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.