Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-4-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 9-4

Sự kiện trong nước

Ngày 9-4-1975, một bộ phận Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc - Cửa ngõ then chốt vào Sài Gòn. Sau 12 ngày đêm bị quân ta tiến công liên tục, trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, đêm 20 rạng ngày 21-4-1975, sau khi dùng pháo binh bắn phá nghi binh, địch tổ chức tháo chạy khỏi Xuân Lộc, phòng tuyến Xuân Lộc bị đập tan.

Quân giải phóng phát triển tiến công đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18 ngụy trong Chiến dịch Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh: Tư liệu 

Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc đã đẩy ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn bị rung chuyển. Từ đó mở ra thời cơ chiến lược quyết định cho ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bộ đội Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng thị xã Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Ngày 9-4-1322, ngày mất Lê Vǎn Hưu, danh sĩ, sử gia đời Trần Thái Tông, quê xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Ngày 9-4-1288, Trần Hưng Đạo giành chiến thắng trước quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, kết thúc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3.

 Chiến thắng Bạch Đằng chấn động thế giới. Ảnh minh họa: zingnews.vn

Sự kiện quốc tế

Ngày 9-4-2003, chế độ của Saddam Hussein ở Iraq bị lật đổ sau 21 ngày bị quân đội Mỹ tấn công.

 Bức tượng của Tổng thống Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad bị giật đổ vào ngày 9-4-2003. Ảnh: REUTERS

Ngày 9-4-1959, Frank Lloyd Wright, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, qua đời.

Ngày 9-4-1940, Chiến tranh thế giới thứ hai: Đức đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy.

Theo dấu chân Người

Ngày 9-4-1925, Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T viết thư góp ý kiến nhận xét về tập luận văn “Cách mệnh” theo yêu cầu của tác giả H. H ở đây chính là Nguyễn Thượng Huyền, con trai nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, lúc này cũng đang hoạt động chính trị ở Trung Quốc.

Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ một số quan niệm sâu sắc về công việc cầm bút: “Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thuý của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm... một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt... một lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ... nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì”.

Về nội dung của luận văn bàn về cách mạng, Nguyễn Ái Quốc góp ý rằng, viết về cách mạng mà “ông không nói: 1. Phải làm cái gì trước cách mệnh, 2. Phải làm gì trong cách mệnh, 3. Phải làm gì sau cách mệnh. Ông chưa bàn đến lực lượng mà người Pháp có thể sử dụng (ở nước ta) và cũng chưa bàn đến lực lượng của ta”. Cuối thư, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông; và cũng nhân cơ hội này, nêu lên một số vấn đề để thảo luận mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng thêm kiến thức của tôi. Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không!”.

Ngày 9-4-1939, tờ “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) đăng bài “Thư từ Trung Quốc” của PC.Lin, bút danh của Nguyễn Ái Quốc, lúc này đang ở Quế Lâm và mang bí danh là Hồ Quang, trong vai một báo vụ viên trong đơn vị “Bát Lộ quân”. Qua tờ báo, Bác liên hệ với nhóm cộng sản đang hoạt động công khai từ thời Mặt trận Bình dân để chuẩn bị đón chờ những cơ hội cách mạng đang đến gần.

Ngày 9-4-1946, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các Khu tự vệ Thành Hà Nội. Bác động viên và nhắc nhở cần bình tĩnh, nhấn mạnh đến phương châm: “Một sự nhịn, chín sự lành” và xác định những nhiệm vụ trước mắt.

Lực lượng tự vệ Thành Hà Nội những ngày tháng 8-1945. Ảnh: Tư liệu 

Ngày 9-4-1960, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về việc xây dựng Nhà Quốc hội do Trung Quốc thiết kế. Bác lưu ý, khi tiến hành xây dựng phải cần, kiệm tránh lãng phí, phối hợp giữa các nhà chuyên môn hai nước. Sau đó, vì nhiều lý do thiết kế này đã không thực hiện được.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“… Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không…” - Đó là đoạn trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956.

Bác Hồ đến thăm một lớp học ở khu lao động Lương Yên, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: Tư liệu 

Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, uy tín của Đảng ta phần nào bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của Bác với tư cách người lãnh đạo cao nhất.

Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Lịch sử đã chứng minh: Đảng ta ngày một lớn mạnh sau những lần công khai thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, để đề ra được những quyết sách lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, giành được những thắng lợi mới.

Đối với mỗi người, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên, nếu có trách nhiệm với tổ chức, gia đình, bản thân thì trách nhiệm đó phải được biểu hiện bằng chính việc làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình những trọng trách cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không thể né tránh, thoái thác. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm.

Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “có tinh thần trách nhiệm cao”. Phải dũng cảm, kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

“Kỷ luật thép” là truyền thống cao quý, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, chuyên môn, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, không ngừng rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh. Trong tổ chức thực hiện, phải luôn đề cao và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lấy hiệu quả công việc làm căn cứ quan trọng, là thước đo đánh giá trình độ, năng lực, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 9-4-2009, trên trang năm Báo Quân đội nhân dân số 17232 có đăng bài “Bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt viết bằng máu”.

Trang năm Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-4-2009. 

Ngày 9-4-2015, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 19399 có đăng Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: “Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào hòa bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-4-2015. 
 

HUYỀN TRANG (tổng hợp)