Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 28-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.       

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 28-8

Sự kiện trong nước

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến sinh nǎm 1901 ở làng Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, bị giặc Pháp đem bắn ở Hóc Môn, tỉnh Gia Định cũ, vào ngày 28-8-1941 cùng với một số các đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Từ nǎm 1927, Nguyễn Hữu Tiến được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Nǎm 1929 đồng chí vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 5-1931, đồng chí bị mật thám địch bắt tại Hà Nội. Sau đó đồng chí bị kết án 20 nǎm khổ sai, 20 nǎm quản thúc, đày đi nhà tù Sơn La, đến tháng 12-1933 chuyển ra Côn Đảo. Tháng 4-1935, đồng chí vượt ngục, về hoạt động ở Sài Gòn, Chợ Lớn, phụ trách cơ quan Ấn loát của Đảng. Đến cuối tháng 7-1940, đồng chí bị địch bắt tại cơ quan báo của Đảng. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng và lần đầu tiên lá cờ này xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940. Trong kỳ họp Quốc hội khoá I, các đại biểu đã quyết định lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng ở giữa do Nguyễn Hữu Tiến vẽ làm Quốc kỳ của nước ta.

leftcenterrightdel
Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn) - nơi Pháp xử bắn đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Nguồn: Báo Công an nhân dân.

- Tại Bà Điểm, Hóc Môn, ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đã xử bắn các đồng chí: Nguyễn Vǎn Cừ (sinh ngày 9-7-1912) - Tổng Bí thư của Đảng; Nguyễn Thị Minh Khai (sinh ngày 1-1-1910) - Xứ uỷ viên Nam Kỳ, Bí thư Thành uỷ Sài Gòn; Phan Đǎng Lưu (sinh ngày 5-5-1902) - Uỷ viên Trung ương Đảng; Võ Vǎn Tần (sinh 1894) - Uỷ viên Trung ương Đảng; Hà Huy Tập - Uỷ viên Trung ương Đảng. Trước họng súng của kẻ thù, các đồng chí bình tĩnh, không chịu bịt mắt và hô lớn những khẩu hiệu tỏ lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

- Ngày 28-8-1945, hai chi đội giải phóng quân đầu tiên tiến vào Hà Nội. Buổi duyệt binh đầu tiên của quân đội cách mạng quần áo còn nhiều kiểu, nhiều màu, vũ khí còn thô sơ, nhưng được nhân dân Hà Nội khâm phục và trìu mến đón mừng. 

- Ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập tại thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sự ra đời của Sư đoàn 308 là mốc son lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn là một trong những đơn vị chủ lực cơ động, thường được giao nhiệm vụ đánh những trận then chốt trong các chiến dịch, tiêu biểu như: Sông Thao, Sông Lô, Đường số 4 (1949), Biên Giới (1950), Trung Du, Đường số 18, Hà - Nam - Ninh, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (Xuân Hè 1953). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phối hợp cùng các đơn vị bạn tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 duyệt đội ngũ.

Vinh dự lớn nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn là được Bác Hồ về thăm 05 lần. Đặc biệt, ngày 19-9-1954, tại Đền thờ các Vua Hùng (Phong Châu - Phú Thọ), trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 được Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Người trở thành mệnh lệnh thiêng liêng đối với toàn quân nói chung, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn nói riêng; đồng thời, đó cũng là lời hiệu triệu đối với cả dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi sâu lời dạy của Bác, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, cùng quân, dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn tham gia 03 chiến dịch lớn và hàng trăm trận đánh, tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện của địch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với bề dày thành tích trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Sư đoàn được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, 06 Huân chương Lao động, 96 Huân chương Quân công, 17 lần được tuyên dương công trạng trước toàn quân; Sư đoàn và 12 đơn vị, 11 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý.

Sự kiện quốc tế

 - Lui Paxtơ (Louis Pasteur) từ trần ngày 28-8-1895. Ông sinh nǎm 1822 ở Jura, nước Pháp. Paxtơ học tập ở trường trung học Bơdǎngxông trước khi được nhận vào trường Sư phạm Paris nǎm 1843. Là tiến sĩ vật lý và hoá học, ông trở nên nổi tiếng khi công bố một báo cáo khoa học về tinh thể học. Từ nǎm 1862, ông tập trung nghiên cứu vi sinh vật. Các nghiên cứu của ông về bệnh dại đã gây nên những cuộc bút chiến mạnh mẽ và đã dẫn tới việc điều chế được vắc xin phòng ngừa bệnh dại, khiến ông càng nổi tiếng trên thế giới. Ở thủ đô Hà Nội có một vườn hoa mang tên Paxtơ và có tượng của ông.

leftcenterrightdel
 Chân dung Louis Pasteur. Ảnh: Nadar.

- Cônxtantin Ximônốp sinh nǎm 1915 ở Bêtơrôgrát (nước Nga), qua đời ngày 28-8-1979. Ông là nhà vǎn, nhà thơ, nhà viết kịch Xô Viết nổi tiếng. Trong những nǎm chiến tranh ái quốc chống Phát xít Đức xâm lược Liên Xô, ông là phóng viên của báo Sao Đỏ, có mặt ở nhiều chiến dịch quan trọng. Ngoài thơ trữ tình, vở kịch "Những người Nga" và truyện "Ngày và đêm" của ông là hai tác phẩm nổi tiếng của nền vǎn học Xô Viết trong chiến tranh. Từ lâu, Ximônốp là nhà vǎn gần gũi với bạn đọc Việt Nam qua bài thơ nổi tiếng "Đợi anh về" và vở kịch "Những người Nga". Ông còn viết nhiều bài thơ thể hiện tình cảm thắm thiết với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tập thơ "Việt Nam mùa đông nǎm bảy mươi".

Theo dấu chân người

Ngày 28-8-1942, từ Túc Vinh, Hồ Chí Minh bị lính của Trung Hoa Quốc dân đảng áp giải và đưa đến giam trong nhà lao huyện Thiên Bảo.

- Ngày 28-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn Độc lập”. Hồi ức của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

leftcenterrightdel
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang mới đây được chọn là điểm bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn 

Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong. Bác đang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước (1919), Bác tới Hội nghị hoà bình Vécxây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người.

leftcenterrightdel
 Chiếc bàn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Nam Nguyễn

- Ngày 28-8-1963, Bác dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo việc thực hiện kế hoạch nhà nước. Bác phát biểu: “Từ trước nay ta nói hay nói giỏi, nhưng làm thì thế nào?... Ta chủ trương thắt lưng buộc bụng, nhưng người thi hành đã có những biện pháp thiết thực thế nào?”.

- Ngày 28-8-1969, tình hình sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu rối loạn trầm trọng. Tuy vậy, mỗi lần tỉnh, Bác vẫn yêu cầu được nghe trả lời câu hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?”. Sau đó, động viên mọi người: Hôm nay, Bác khoẻ hơn hôm qua.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước”.

Là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách của Chính phủ đối với thành phần tham gia Chính phủ trong lần trả lời phóng viên Báo Độc lập, ngày 28 tháng 8 năm 1947 về thành phần tham gia Chính phủ mở rộng.

Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng. Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một sách lược, thủ đoạn chính trị nhất thời, mà là chiến lược, là yêu cầu khách quan của cách mạng Việt nam; xuyên suốt, nhất quán trong tư duy, lý luận của Người, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Do vậy, trong thành phần Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có các vị là quan lại của chế độ cũ, là người theo Công giáo.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ảnh tư liệu 

Với quan điểm, tư tưởng phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng được một khối đại đoàn kết với sức mạnh to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước và ngoài nước đều tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta luôn coi trọng, đề cao tinh thần yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung và lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng cho các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích của quốc gia - dân tộc. Đảng lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ta, luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động và đoàn kết với nhân dân thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã góp phần tích cực xây dựng khối đoàn kết các dân tộc Việt Nam, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc như sinh thời Bác kính yêu hằng mong ước.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 28-8-1970 trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Nhân dân miền Bắc rất anh hùng! Nhân dân miền Nam ta rất anh hùng! Mọi âm mưu độc ác và xảo quyệt của giặc Mỹ cướp nước và bù nhìn bán nước nhất định sẽ bị lực lượng "chống Mỹ, cứu nước" của đồng bào ta và sức mạnh đoàn kết của toàn dân ta đánh tan, bị ngọn lửa cách mạng của nhân dân ta thiêu cháy."

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

DUY HOÀN (Tổng hợp)