Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 25-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 25-3

Sự kiện trong nước

Ngày 25-3-1930, hơn 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định đã tiến hành bãi công. Cuộc bãi công do Tỉnh ủy Nam Định trực tiếp chỉ đạo và kéo dài đến ngày 16-4-1930. Do được tổ chức chặt chẽ, được sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh và của công nhân ở Hà Nội, Hải Phòng... đã buộc bọn chủ phải nhượng bộ, đáp ứng những yêu sách của công nhân. Cuộc bãi công này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào công nhân cả nước và được coi là tiêu biểu nhất kể từ sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập.

Ngày 25-3-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Công chính giao thông Cục. Khi thành lập, Công chính giao thông Cục là một cơ quan phục vụ quân sự, sau một thời gian ngắn chuyển dần thành cơ quan chỉ đạo lực lượng công binh toàn quân. Từ đó, ngày 25-3-1946 đánh dấu sự ra đời của Binh chủng Công binh và ngày này hằng năm cũng trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Công binh. Như vậy, lực lượng công binh từ buổi sơ khai, đã phát triển thành một binh chủng kỹ thuật với chức năng bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, đóng vai trò quan trọng trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của quân đội ta.

 Huấn luyện lực lượng công binh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: Qdnd.vn.

Trải qua hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh và lực lượng công binh toàn quân đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập nên chiến công vang dội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao... xứng đáng với lá cờ truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bác Hồ trao tặng, cùng những phần thưởng cao quý mà Ðảng, nhà nước và quân đội trao tặng; xứng đáng là binh chủng anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

 Các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Rome năm 1957, cuộc họp đặt nền móng cho EU sau này. Ảnh: Nghị viện châu Âu EP.

Ngày 25-3-1957: Sáu quốc gia châu Âu ký kết Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay. Các nước ký kết bao gồm Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Luxembourg.

Theo dấu chân Người 

Ngày 25-3-1933, thực dân Pháp phát lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc sau khi phát hiện đối thủ nguy hiểm này đã bí mật thoát khỏi Hồng Kông (Trung Quốc) nhờ sự giúp đỡ của vị luật sư người Anh Lôdơbi sau khi ông đã tung tin nhà cách mạng Việt Nam đã chết vì lao.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác Đèo Khế, Thái Nguyên sang Tuyên Quang, năm  1947. Ảnh: Hochiminh.vn.

Ngày 25-3-1947, Bác tiếp các nhà báo và trả lời phỏng vấn về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp: Các ông nghị và Chính phủ Pháp chỉ bàn đến nửa vấn đề thôi, còn nửa vấn đề phải do dân ta quyết định... Nếu nước Pháp không ưng thuận (để nước ta độc lập và thống nhất) và cứ mong đặt lại chế độ thuộc địa thì dân ta cương quyết trường kỳ kháng chiến cho đến ngày hoàn toàn thống nhất và độc lập. Dân ta rất muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của con cháu muôn đời nên phải quyết kháng chiến đến cùng.

 Hồ Chủ tịch đọc "Báo cáo chính trị" tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Đảng Lao động Việt Nam họp ở Việt Bắc tháng 2-1951. Ảnh: Hochiminh.vn.

Ngày 25-3-1951, sau khi Đảng ra hoạt động công khai, Bác Hồ viết bài “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?” đăng trên báo Nhân Dân trong đó xác định đó là những người công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất, những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 )

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Thanh niên ta có cố gắng, có tiến bộ và có nhiều thành tích. Nhưng chớ vì thế mà tự cao, tự đại; phải khiêm tốn, phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn, để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn”.

(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 15, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr78)

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 25 tháng 3 năm 1966, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện “Chiến tranh cục bộ” được tiến hành bằng lực lượng quân đội Mỹ, quân đồng minh và quân đội chính quyền Sài Gòn; đồng thời, thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm ngăn chặn cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của dân tộc ta.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội, ngày 14-5-1966. Ảnh: Hochiminh.vn.

Lời nói của Bác là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho lớp lớp thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các thế hệ thanh niên cùng nhân dân cả nước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh ra sức bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện lời dạy của Bác, thanh niên Việt Nam luôn đóng vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trên nhiều mặt trận trong các nhà trường, công xưởng, xí nghiệp và ở cả trên lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Những diễn biến phức tạp tình hình hiện nay luôn tiềm ẩn và chứa đựng những yếu tố khó lường, thế hệ trẻ thanh niên chịu chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả tích cực và tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và các tệ nạn xã hội… làm thay đổi về quan niệm nấc thang giá trị đạo đức, làm xói mòn nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, nhằm kích động, lôi kéo, chia rẽ thanh niên. Trước những diễn biến phức tạp đó, thế hệ thanh niên Việt Nam luôn giữ vững lập trường bản lĩnh chính trị, phát huy vai trò xung kích, tiềm năng to lớn trong thực hiện nhiệm vụ trên mọi miền Tổ quốc, có nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập, lao động và công tác nghiên cứu khoa học… góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

 Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra biên giới kết hợp giới thiệu cột mốc cho chiến sĩ mới. Ảnh: Qdnd.vn.

Là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, thanh niên quân đội luôn có vai trò hết sức quan trọng trong trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên trong quân đội đã kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thanh niên quân đội luôn là lực lượng xung kích nòng cốt, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đi đầu trong phòng, chống thiên tai; Khắc phục những khó khăn, gian khổ nơi biên giới, hải đảo, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 25-3-1969 đã đăng tải toàn văn bức điện Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam gửi cảm ơn Hồ Chủ tịch khen ngợi chiến thắng đầu xuân của quân và dân miền Nam.

 Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 25-3-1969.
 

QUỲNH TRANG (Tổng hợp)