Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-10

Sự kiện trong nước

- Ngày 11-10-1958: Báo Nhân Dân số 1672 đăng bài “Phải thi đua chống hạn, diệt sâu, để nắm chắc vụ mùa thắng lợi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực. Trong bài, Người vạch rõ một số nơi còn mắc khuyết điểm chủ quan, mê tín trong việc chống hạn, trừ sâu và căn dặn: “Các cán bộ tỉnh, huyện, xã, cần phải ra sức động viên nhân dân tích cực chống hạn, diệt sâu triệt để và kịp thời, để nắm chắc vụ mùa thắng lợi”. Cuối bài Người viết: “Chúng ta chịu khó phấn đấu một tháng, thì sẽ no ấm sung sướng suốt năm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh: hochiminh.vn) 

- Ngày 11-10-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu đáp từ tại buổi tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Ba Lan A. Davátxki. Người cảm ơn sự ủng hộ và những tình cảm thắm thiết của Chủ tịch, của nhân dân Ba Lan dành cho nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh: “Mối tình thắm thiết ấy đã bắt nguồn từ lý tưởng chung, mục đích chung của hai nước chúng ta, lại bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh anh dũng của hai dân tộc chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm: “Nhân dân Việt Nam luôn luôn là người bạn trung thành của nhân dân Ba Lan, luôn luôn biết ơn nhân dân và Chính phủ Ba Lan đã tận tình giúp đỡ mình. Mối tình anh em ruột thịt đã gắn bó nhân dân hai nước chúng ta”. Người nhấn mạnh, đó là mối tình quốc tế vô sản đoàn kết tất cả các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa.

Ngày 11-10-2011, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Shutterstock

- Ngày 11-10-2011: Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dấu mốc quan trọng này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ hai nước nhằm tạo ra một xung lực mới cho mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, thiết thực đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.

Được xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ những giá trị chung về hòa bình và phát triển, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức sau hơn 1 thập niên triển khai đã có những bước chuyển biến vượt bậc về nhiều mặt trên nhiều lĩnh vực, đồng thời còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ song phương. Quan hệ chính trị tiếp tục được củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao tại các diễn đàn đa phương. Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực. 

- Ngày 11-10-2020: Khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đã được hoàn tất sau 2 năm 4 tháng thi công. Công trình được hoàn tất và đưa vào sử dụng giúp tuyến đường vành đai đi qua trung tâm thành phố Hà Nội được thông suốt, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực trung tâm thành phố và tăng hiệu quả của hoạt động vận tải và hậu cần, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại khu vực này.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 11-10-1984: Kathy Sullivan (tên đầy đủ là Kathryn Dwyer Sullivan) trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ trong không gian. Năm 1978, Sullivan được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) lựa chọn làm phi hành gia. Chuyến bay vũ trụ đầu tiên của cô là trên tàu con thoi Challenger thực hiện phi vụ STS-41G (từ ngày 5 đến 13-10-1984). Sullivan và David Leetsma đã thực hiện chuyến đi bộ trong không gian kéo dài 3,5 giờ. Trong khoảng thời gian này, họ vận hành một hệ thống để chứng minh các vệ tinh có thể được tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo.

Phi hành gia Kathy Sullivan trong chuyến đi bộ trong không gian năm 1984. Ảnh: NASA 

Sau khi rời NASA vào năm 1993, Sullivan trở thành nhà khoa học chính tại Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Vào năm 2000, ở tuổi 68, Kathy Sullivan trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới lặn xuống Challenger Deep - điểm sâu nhất được biết đến dưới đại dương.  

- Ngày 11-10-2002, cựu Tổng thống Jimmy Carter đoạt giải Nobel Hòa bình. Trong nhiệm kỳ Tổng thống từ 1977 đến 1981, Jimmy Carter đã làm cầu nối cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Ai Cập. Hai nước sau đó đã ký hòa ước mang tính lịch sử, kết thúc ba thập niên thù địch giữa hai bên. Sau nhiệm kỳ Tổng thống, Jimmy Carter thành lập Trung tâm Carter cùng vợ mình, bà Rosalynn Carter, với hy vọng thúc đẩy hòa bình và sức khỏe thế giới.

- Từ năm 2011, Liên hợp quốc chọn ngày 11-10 hàng năm làm ngày "International Day of the Girl Child" - Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.

Thay vì hướng đến toàn phái nữ như ngày 8-3, ngày 11-10 tập trung chủ yếu vào các bé gái dưới độ tuổi vị thành niên. Theo đó, việc đấu tranh hay tìm ra giải pháp phá vỡ vòng luẩn quẩn về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực với phụ nữ, đồng thời khuyến khích và bảo vệ một cách trọn vẹn thiên chức nhân quyền được Liên hợp quốc khẳng định là cần đầu tư ngay vào chính các bé gái.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhằm tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới. Ảnh: freepik.com

Bằng việc công nhận ngày 11-10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn.

 

TRẦN HOÀI (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011; Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Chính trị quốc gia - Sự thật; vietnam.vn; baotangphunu.com; britannica; history.com)