Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-12-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

 Một số sự kiện trong nước và quốc tế

 Sự kiện trong nước

 - Chiều 23-12-1946, Bác thảo văn kiện có nhan đề “Hỏi và trả lời” nhằm giải thích và tuyên truyền cho cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ. Văn kiện viết: “Có người hỏi kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi. Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn... Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi... Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng...”. Trả lời nhiều câu hỏi như: “Toàn dân kháng chiến là thế nào?”, Bác trả lời rồi đưa ra câu thơ:

“Dân ta phải giữ nước ta,

Dân là con nước, nước là mẹ chung”.

Trả lời câu hỏi: “đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?”, Bác cũng có mấy vần thơ:

“Tiền phương chiến sĩ hy sinh,

Đem xương máu mình giữ nước non ta.

Hậu phương sản xuất tăng gia,

Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang”

 Bác Hồ dùng thử máy cấy tại Trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh tư liệu 

- Ngày 23-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp toàn thể của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1959 và những chủ trương công tác lớn năm 1960.

Cùng ngày, trong bài "Cảnh giác", ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân, số 2107. Người nhắc nhở các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị hãy đề cao cảnh giác trước những hành động khiêu khích, do thám của bọn phản động Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, cũng như bọn tay sai của chúng ở Lào.

- Ngày 23-12-1961, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật tiếp đón gia đình ông Vi Quốc Thanh sang thăm Việt Nam.

Sáng ngày 23-12-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Y học Liên Xô đang ở thăm nước ta do Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô V.M. Iđanốp dẫn đầu đến chào Người.

Cùng ngày, bài viết "Miền Nam tất thắng" của Người, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng Báo Nhân Dân, số 3556.

Dưới hình thức một bức thư gửi cho người cháu, tác giả phân tích nguyên nhân dẫn tới cuộc đảo chính ở Sài Gòn ngày 1-11-1963, vạch rõ tuy Mỹ là kẻ chủ mưu trong vụ đảo chính thủ tiêu anh em Diệm, nhưng người đánh đổ Ngô Đình Diệm chính là nhân dân miền Nam và tiên đoán rằng rồi đây những tên tay sai của Mỹ “chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng”.

Nếu Mỹ muốn thoát khỏi tình cảnh bị kẹt trong “đường hầm” và trong vòng luẩn quẩn, theo tác giả, “Cách giải quyết “lịch sự” nhất (vấn đề miền Nam Việt Nam - B.T) là thực hiện 6 yêu sách mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đề ra ngày 8-11-1963. Tóm tắt là Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, việc nội bộ của miền Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy”.

Ngày 23-12-1967, sau một thời gian chữa bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về đến Hà Nội.

Ngày 23-12-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe cán bộ Ban Nông nghiệp báo cáo về vấn đề dân chủ trong hợp tác xã.

Trong ngày, Người xem triển lãm quân đội tại Câu lạc bộ Thống Nhất, Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

Ngày 23-12-2014, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố, việc rò rỉ dữ liệu từ công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân của nước này là một "sự cố nghiêm trọng" và không thể chấp nhận được xét trên phương diện an ninh quốc gia. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tại một cuộc họp nội các, bà Park Geun-hye nhấn mạnh: "Nhà máy điện hạt nhân là nơi an ninh phải được đặt lên hàng đầu vì ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người dân. Một sự cố nghiêm trọng không thể chấp nhận được đã xảy ra trong khi đáng lẽ không được phép có bất kỳ sai sót nào vì đây là vấn đề an ninh quốc gia".

Một nhân viên tham gia cuộc diễn tập đảm bảo thông tin an ninh hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Wolseong ở thành phố Gyeongju. AFP 

Cảnh sát và cơ quan cứu hộ thiên tai quốc gia Philippines ngày 23-12-2017 cho biết số người thiệt mạng vì cơn bão nhiệt đới Tembin đã tăng mạnh lên gần 90 người thiệt mạng và khoảng 64 người mất tích. Bên cạnh đó, 50.000 người đã phải di chuyển chỗ ở. Mỗi năm, Philippines thường hứng chịu khoảng 20 trận bão, gây thương vong về người và thiệt hại về của.

Sơ tán người dân sau khi bão Tembin gây mưa lớn và ngập lụt tại Cagayan, Philippines. Ảnh: AFP. 
 

DUY HOÀN (tổng hợp)