Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước
Ngày 1-12-1920, ngày sinh nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị quân sự tài ba, đức độ và nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn thân thiết, tin cậy của bạn bè quốc tế.
 |
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), tháng 1-1995. Ảnh: TTXVN |
Đại tướng Lê Đức Anh là người con của xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng. Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí gắn với nhiều chiến trường từ Bắc vào Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen khi đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã xúc động ghi những dòng ân tình vào sổ tang: “Bác Lê Đức Anh kính mến!…Việc giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, việc ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, công cuộc xây dựng lại đất nước Campuchia. Đặc biệt, sự trưởng thành của Quân đội Campuchia... đều có sự đóng góp của Bác”.
 |
Trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có những bước đi để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với một số nước, đối tác, góp phần đặt nền móng cho chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Ðảng, Nhà nước ta.
|
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng, như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (năm 1981); Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1986); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (năm 1987-1991). Đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984.
Tháng 9-1992, đồng chí được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước và giữ chức danh này đến năm 1997. Sau đó, đồng chí được bổ nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12-1997 đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước. Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Lê Đức Anh qua đời vào ngày 22-4-2019. Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
 |
Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác với cơ sở điều trị khang trang, hiện đại, bước đầu đã xây dựng được “thương hiệu” uy tín của bệnh viện đối với bộ đội, nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế. Ảnh: vienbongquocgia.vn.
|
Ngày 1-12-1964, khoa Bỏng đầu tiên của cả nước được thành lập trên cơ sở khoa Ngoại dã chiến thuộc Viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Đến ngày 25-4-1991, Viện Bỏng quốc gia mang tên Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được thành lập trên cơ sở khoa Bỏng của Viện Quân y 103.
Viện Bỏng Quốc gia có nhiệm vụ trọng tâm là Nghiên cứu các phương pháp phòng và chống bỏng, xử lý bước đầu tại tuyến cơ sở; đồng thời theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật chuyên khoa bỏng trong cả nước. Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế công nhận là bệnh viện hạng 1 và được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đơn vị đầu ngành, chỉ đạo tuyến toàn quốc về chuyên ngành bỏng.
Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, ngày nay Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã trở thành một bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối của cả nước về chuyên ngành bỏng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, liền vết thương với cơ sở điều trị khang trang, hiện đại, bước đầu đã xây dựng được “thương hiệu” uy tín của bệnh viện đối với bộ đội, nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngày 1-12-2016: Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Sự kiện quốc tế
Ngày 1-12-1866: Ngày mất George Everest, ông là nhà trắc địa nước Anh, làm Giám đốc Sở Trắc địa Ấn Độ, đã lập bản đồ đo đạc cả nước rộng lớn này với độ chính xác cao. Nǎm 1841, ông xác định được toạ độ và độ cao của đỉnh núi cao nhất thế giới mang tên Everest.
 |
Ngày 1-12 hàng nǎm là ngày thế giới phòng chống AIDS do vi rút HIV gây ra. Ảnh: dirtywaternews.com. |
Từ nǎm 1987, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định lấy ngày 1-12 hàng nǎm là ngày thế giới phòng chống AIDS do vi rút HIV gây ra.
Theo dấu chân Người
Ngày 1-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết có một cuộc tụ họp người Việt Nam tại nơi cư trú của Nguyễn Ái Quốc ở Pari.
Ngày 1-12-1922, tham dự cuộc họp của Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thuộc địa kiểm điểm hoạt động của tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đề nghị nên lập một tổ chức trong hội chuyên lo tìm công ăn việc làm cho những người dân các xứ thuộc địa đang sinh sống trên nước Pháp.

|
Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Tống Văn Sơ, năm 1931. Ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn.
|
Ngày 1-12-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, đơn kháng án của Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Toà án Tối cao Hồng Kông chấp thuận.
Ngày 1-12-1940, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Bịa đặt” đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” tố cáo thủ đoạn chiến tranh tâm lý của phát xít Nhật.
Ngày 1-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây - Trung Quốc). Tại đây, Bác viết bài thơ “Thiên Giang ngục 1-12”.
 |
Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo ở xã Nghĩa Dân, Kim Động (Hưng Yên tháng 9-1961). Ảnh: Tư liệu. |
Ngày 1-12-1949, báo “Vệ Quốc quân” đăng bài “Giải thưởng cháu Bác Hồ” của Bác, cho biết nhi đồng tại một địa phương đã gửi tới Bác một tấm áo và một món tiền tiết kiệm để tặng “đơn vị nào giết được nhiều Tây nhất. Vậy tôi để cả áo lẫn tiền - tôi thêm 600 đồng nữa cho đầy 2.000 đồng - làm giải thưởng gọi là “Giải thưởng cháu Bác Hồ” cho bộ đội Vệ Quốc quân và dân quân du kích nào... giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công nhất ở mặt trận Trung du. Các em nhi đồng đang mong đợi. Các anh lớn càng phải cố gắng thi đua lập nhiều công”.
Ngày 1-12-1953, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”.
 |
Tượng Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong công viên mang tên chị tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu |
Ngày 1-12-1954, Bác viết bài “Nam bộ anh hùng” đăng trên báo “Nhân Dân” biểu dương nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu của Nam bộ, coi đó là tấm gương cho thanh thiếu niên cả nước học tập.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân”.
Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 1-12-1962, đăng trên Báo Nhân dân, số 3173, ra ngày 2-12-1962.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta được thế giới vinh danh là Nhà văn hóa kiệt xuất. Sinh thời, Người coi trọng và đánh giá rất cao vai trò của văn hóa - văn nghệ đối với công tác tư tưởng. Hoạt động văn hoá - văn nghệ được xem là “binh chủng đặc biệt”, có sức mạnh độc đáo bởi bằng các sản phẩm văn hoá - văn nghệ. Người cho rằng văn hoá - văn nghệ là công cụ sắc bén trong đấu tranh cách mạng, là một mặt trận và người làm văn hoá - văn nghệ là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận ấy.
 |
Đoàn Ca múa Nhân dân chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ - Ảnh tư liệu |
Thực hiện lời Bác dạy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục phát huy tài năng sáng tạo của mình, phấn đấu có nhiều tác phẩm xuất sắc, xứng đáng với tầm vóc của cách mạng, với dân tộc Việt Nam.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội, những chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ra sức học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống nhằm không ngừng tự hoàn thiện bản thân, đưa đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những tác phẩm văn hóa - nghệ thuật cách mạng, giàu bản sắc dân tộc, có tính tư tưởng, tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
 |
Đội tuyển Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam tại Army Games 2021. |
Song hành với sự lớn mạnh và trọng trách ngày càng cao của quân đội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của “binh chủng đặc biệt” trên mặt trận văn hóa tư tưởng cũng ngày càng được mở rộng hơn. Các văn nghệ sĩ cũng tham gia tích cực vào sứ mệnh quảng bá hình ảnh cao đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Và một trong chuỗi hoạt động của sứ mệnh cao đẹp đó là việc những năm gần đây chúng ta luôn cử Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật QĐND Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games). Và cũng tại sân chơi này, “Đội quân văn hóa” của chúng ta luôn được đánh giá cao, tạo được nhiều dấu ấn rất riêng trong lòng bạn bè quốc tế. Từ đó, lan tỏa lý tưởng sống cao đẹp, vì nhân dân, vì quê hương đất nước của người chiến sĩ để nhân dân cùng bạn bè quốc tế hiểu hơn về phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 34, ngày 1-12-1951 đăng “Thư gửi đồng bào và bộ đội (Vệ quốc quân và dân quân du kích) Tả Ngạn Liên khu III”.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 34, ngày 1-12-1951 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1443, ngày 1-12-1964 đăng ảnh Hồ Chủ tịch chụp ảnh kỷ niệm với đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1443, ngày 1-12-1964 |
ĐOÀN TRUNG (Tổng hợp)