Tháng 2-1945, các nhà kho ở Birmingham (Anh) bị tồn đọng hàng triệu bức thư gửi tới binh sĩ Mỹ, nhân viên Chính phủ Mỹ và Hội Chữ thập đỏ đang phục vụ tại chiến trường châu Âu. Các nhà kho chứa đầy gói quà Giáng sinh chưa được gửi đi và một lượng thư liên tục được bổ sung.

Thông thường, thư gửi chỉ ghi địa chỉ bên ngoài đơn giản là: “Junior, U.S. Army” (Junior, quân đội Mỹ) hoặc “Buster, U.S. Army” (Buster, quân đội Mỹ). Khi các lực lượng đồng minh tiến quân khắp châu Âu, các đơn vị luôn thay đổi địa điểm khiến việc gửi thư cho các quân nhân trở nên khó khăn. Với 7 triệu lính Mỹ ở chiến trường châu Âu, nhiều người có chung tên (7.500 người tên là Robert Smith). Nhiều binh lính phàn nàn rằng từ lâu họ không nhận được thư nhà. Trong báo cáo gửi lên cấp trên, chỉ huy các đơn vị nhấn mạnh việc chuyển thư thiếu tin cậy đang làm tổn hại tinh thần binh lính. Một vị tướng Mỹ dự đoán, giải quyết việc tồn đọng thư ở Birmingham phải mất 6 tháng mới xong.

Nhưng ai sẽ đảm nhận nhiệm vụ lớn này? Một báo cáo của Quân đội Mỹ có tiêu đề “Các vấn đề về nhân sự” viết: “Trong một thời gian dài trước ngày D-Day (ngày 6-6-1944), tình trạng thiếu nhân viên bưu điện có trình độ đã tồn tại trong chiến trường châu Âu. Bộ phận bưu chính liên tục tìm cách bảo đảm có thêm người. Mặc dù đã có nhân viên tại Birmingham để xử lý thư từ, nhưng hệ thống này vẫn trong tình trạng hỗn loạn.

Các thành viên Tiểu đoàn 6.888 trong những ngày đầu mới thành lập. Ảnh: womenofthe6888th

Trước đó, Quân đoàn Phụ nữ được thành lập theo luật do Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ký vào ngày 1-7-1943. Các tân binh thuộc Quân đoàn Phụ nữ phải trải qua từ 4 đến 6 tuần huấn luyện cơ bản, bao gồm cả chương trình huấn luyện thể chất, sau đó thêm 4 đến 12 tuần huấn luyện nghiệp vụ. Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt và Tiến sĩ Mary McLeod Bethune là những người ủng hộ thành công cho phép phụ nữ Mỹ gốc Phi tham gia Quân đoàn Phụ nữ bất chấp sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại trong Quân đoàn này. Sau khi một số đơn vị phụ nữ da trắng được cử đến chiến trường châu Âu, các tổ chức người Mỹ gốc Phi đã thúc ép Bộ Chiến tranh Mỹ mở rộng cơ hội phục vụ ở nước ngoài cho Quân đoàn Phụ nữ người Mỹ gốc Phi.

Tháng 11-1944, Bộ Chiến tranh Mỹ đồng ý đề xuất trên. Mặc dù việc tuyển dụng tình nguyện viên diễn ra chậm chạp, một tiểu đoàn gồm 817 (sau này là 824) người và 31 sĩ quan là phụ nữ Mỹ gốc Phi được tuyển chọn từ các đơn vị. Tiểu đoàn Bưu điện Trung ương 6.888 (gọi tắt là Tiểu đoàn 6.888) có biệt danh là “Six Triple Eight” (Sáu Ba lần Tám) đã ra đời. Cơ cấu của Tiểu đoàn 6.888 gồm Cơ sở chính hỗ trợ hành chính và dịch vụ; các Đại đội A, B, C và D, mỗi đại đội do một đại úy hoặc trung úy chỉ huy. Thiếu tá (sau này là Trung tá) Charity Edna Adams (người lấy họ là Earley sau khi kết hôn vào năm 1949) được chọn để chỉ huy tiểu đoàn.

Tiểu đoàn 6.888 được huấn luyện tại Fort Oglethorpe, bang Georgia để thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. Các nữ tân binh học cách xác định máy bay, tàu chiến và vũ khí của kẻ thù; leo dây; lên tàu, sơ tán tàu; và thực hiện những cuộc hành quân dài với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai.

Tháng 1-1945, các thành viên Tiểu đoàn 6.888 lên tàu hỏa đi đến Trại Shanks, New York-điểm khởi hành của họ. Ngày 3-2-1945, nhóm đầu tiên lên đường sang Anh. Con tàu “Ile de France” chở họ đã may mắn thoát nạn sau các cuộc chạm trán với tàu U-boat của Đức Quốc xã. Khi đến Glasgow (Scotland) ngày 14-2-1945, một quả tên lửa V-1 của Đức phát nổ gần bến tàu, khiến các thành viên Tiểu đoàn 6.888 phải chạy tìm chỗ ẩn nấp. Sau đó, họ đi tàu hỏa đến Birmingham (Anh). 50 ngày sau, nhóm quân bưu thứ hai có mặt ở Birmingham.

Ở Birmingham, các chị em của “Six Triple Eight” phải đối mặt với những kho hàng chất đầy thư từ và gói hàng cao đến trần nhà. Trong kho hàng không có hệ thống lò sưởi, ánh sáng lờ mờ, các cửa sổ được bôi đen để ngăn ánh sáng lọt vào trong các cuộc không kích vào ban đêm. Chuột chạy quanh kho tìm kiếm bánh ngọt, bánh quy hư hỏng. Trong mùa đông lạnh giá, các chị em mặc quần dài và thêm nhiều lớp áo bên trong áo khoác dày để giữ ấm người.

Các nữ bưu tá của Tiểu đoàn 6.888 được tổ chức thành “3 ca 8 tiếng”, làm việc liên tục suốt ngày đêm, 7 ngày trong tuần. Họ theo dõi binh lính bằng cách lưu giữ 7 triệu thẻ thông tin, bao gồm cả số serie, để phân biệt các cá nhân khác nhau trùng tên. Các nữ bưu tá xử lý thư “không gửi được” đến tay những binh lính thay đổi đơn vị. Họ điều tra thư không ghi địa chỉ đầy đủ để xác định người nhận, trả lại thư của các quân nhân hy sinh cho gia đình.

Phụ nữ của Tiểu đoàn 6.888 ban đầu là chủ đề thu hút sự tò mò của người dân Birmingham. Dần dần, Thiếu tá Adams đã nhận được cái gật đầu chào của một số quan chức dân sự cũng như quân sự Mỹ và Anh. Theo thời gian, nhiều thành viên của Tiểu đoàn 6.888 đã kết bạn trong cộng đồng địa phương, nhận thấy người dân lịch sự và thân thiện.

Sự có mặt của Tiểu đoàn 6.888 gây sự chú ý của người dân địa phương. Ảnh: womenofthe6888th 

Những nữ quân bưu da đen sống tập trung trong hai ngôi nhà ở Trường King Edward cổ kính. Các khu ở, phòng ăn và nơi giải trí được phân chia theo chủng tộc và giới tính. Trong khi những binh lính Mỹ gốc Phi là nam giới, cùng với quân nhân nam và phụ nữ da trắng được phép tham gia câu lạc bộ địa phương thì những nơi này đều không hoan nghênh Quân đoàn Phụ nữ người Mỹ gốc Phi. Do vậy, Tiểu đoàn 6.888 đã tổ chức thành lập quán ăn, tiệm làm tóc, quán giải khát và các phương tiện giải trí riêng.

Theo lời kể của Mattie E. Treadwell, một cựu binh nữ của Tiểu đoàn 6.888, định kiến với người da đen là thái độ thường thấy của một số thanh tra viên. Trong cuốn “Lịch sử Tiểu đoàn 6.888”, bà Treadwell viết: “Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chỉ huy đơn vị, Thiếu tá Adams đã bị một đại tá khiển trách vì tội “pha trộn chủng tộc” sau khi Thiếu tá Adams nhận lời mời tham gia Câu lạc bộ Sĩ quan da trắng. Một lần, khi một vị tướng đến kiểm tra đơn vị, Thiếu tá Adams đã ngăn không cho ông ta xem phòng riêng của chị em bởi khi đó có một số người đang ngủ. Sau khi cấp trên và các nhân viên tập hợp thành đội hình theo chỉ dẫn, vị tướng trên đã trừng phạt Thiếu tá Adams vì cho rằng, tất cả binh lính dưới quyền của bà không có mặt. Thiếu tá Adams cố gắng giải thích rằng nữ bưu tá làm việc 3 ca khác nhau nên không thể có mặt đầy đủ. Vị tướng chỉ huy cắt lời Adams và đe dọa sẽ cử một “trung úy da trắng” đến để dạy cho bà cách chỉ huy đơn vị. Câu trả lời nổi tiếng của Thiếu tá Adams: “Bỏ qua xác chết của tôi, thưa ngài” suýt khiến bà phải ra hầu tòa.

Thậm chí, các nữ quân bưu của Tiểu đoàn 6.888 phát hiện ra rằng họ là đối tượng của một số hành vi thù địch. Những tin đồn bôi xấu tính cách của họ được lan truyền bởi cả những người lính nam da trắng và da đen, những người phản đối việc cho phép phụ nữ da đen gia nhập quân đội.

Bất chấp cách đối xử bất công, Tiểu đoàn 6.888 đã có kết quả tuyệt vời ở Birmingham. Với hệ thống theo dõi mới do chính họ tạo ra, các nữ quân bưu đã xử lý trung bình 65.000 thư/ca làm việc và xử lý thư tồn đọng trong 3 tháng thay vì 6 tháng như dự kiến. Họ tuân thủ phương châm “Không có thư, sĩ khí thấp”, cung cấp hỗ trợ cần thiết cho quân đội Mỹ tại chiến trường châu Âu bằng cách liên kết các quân nhân với người thân ở quê nhà. Tiểu đoàn 6.888 đã đạt được thành công và hiệu quả chưa từng có trong việc giải quyết các vấn đề bưu chính của quân đội.

(còn nữa)

PHƯƠNG LINH (theo Slate.fr, womenofthe6888th)