Phòng thí nghiệm Porton Down ra đời không lâu sau khi quân đội Anh bị dội một đòn chí mạng và hết sức hoảng loạn khi người Đức lần đầu tiên sử dụng khí độc Clo trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1915. Bộ trưởng Chiến tranh Herbert Kitchener ngay lập tức đã kêu gọi nước Anh phải có động thái phản ứng kịp thời. Kết quả là “Khu nghiên cứu thực nghiệm Porton” được thành lập vào năm 1916.

leftcenterrightdel
Binh sĩ Anh bị mù mắt khi nhiễm chất độc Clo trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ảnh: Telegraph

Trong những năm của thập niên 1920, khu nghiên cứu này được mở rộng, tập trung vào nghiên cứu tác động của khí mù tạt, hay còn gọi là khí Yperit, và đã tuyển dụng hàng nghìn tình nguyện viên tham gia các thí nghiệm liên quan. Năm 1938, khi quan hệ giữa các quốc gia ở châu Âu trở nên xấu đi nhanh chóng, nội các Anh đã cho phép Porton Down nghiên cứu vũ khí hóa học phục vụ tác chiến tấn công. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, một nhóm bí mật cũng được thành lập tại Porton Down để nghiên cứu vũ khí phục vụ chiến tranh sinh học.

Cái chết của một quân nhân

Năm 1953, một thí nghiệm về chất độc thần kinh ở Porton Down đã khiến một quân nhân Anh thiệt mạng. Tờ Telegraph năm 2018 mở ra câu chuyện kinh hoàng về trường hợp của Binh nhất Ronald Maddison. Năm 1953, chàng trai 20 tuổi Ronald Maddison đã đọc được mẩu quảng cáo cho biết sẽ được trả tiền để trở thành tình nguyện viên tham gia một thử nghiệm tại phòng thí nghiệm hóa học bí mật của chính phủ. Quảng cáo này cũng bảo đảm rằng tất cả các tình nguyện viên sẽ không bị tổn hại gì. Ronald Maddison dự định sẽ dùng số tiền nhận được sau thí nghiệm để mua nhẫn đính hôn cho bạn gái Mary Pyle. Thế nhưng, chỉ một giờ sau khi bước vào phòng thí nghiệm, chàng trai trẻ đã chấm dứt sự sống của mình trong đau đớn tột cùng.

Trong thí nghiệm quần áo phòng hóa ở Porton Down, các nhà khoa học Anh đã nhỏ chất độc thần kinh Sarin lên tay áo phòng hóa Ronald Maddison mặc, nhưng hóa chất chết người nói trên đã nhanh chóng thấm qua hai lớp vải phòng hóa và ngấm vào da Ronald Maddison nhanh hơn rất nhiều so với tính toán của những người thực hiện thí nghiệm. Cái chết bất ngờ của Binh nhất Ronald Maddison đã trở thành một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Porton Down.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Porton Down đang là tuyến đầu của Vương quốc Anh trong phát triển vũ khí hóa học. Công việc tại Porton Down đang được xếp vào nhóm tuyệt mật và chính phủ Anh đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra mật và phán quyết từ cuộc điều tra cho thấy tai nạn chết người xảy ra là do “bất cẩn”. Người duy nhất được phép tham dự phiên điều trần về vụ “tai nạn chết người” là John Maddison, bố của Binh nhất Ronald Maddison. Ông bố đáng thương thậm chí còn không được phép nói với vợ về những gì mình đã được nghe ở phiên điều trần. Gia đình ông John Maddison đã buộc phải thông báo với họ hàng thân thích và bạn bè rằng Binh nhất Ronald Maddison đã qua đời trong “một tai nạn đáng tiếc khi đang làm nhiệm vụ”.

leftcenterrightdel
Ronald Maddison đã tử vong chỉ trong vòng một tiếng sau khi bước vào phòng thí nghiệm Porton Down. Ảnh: Telegraph

Tuy vậy, điều đáng nói là gia đình Maddison thì vẫn cứ tưởng rằng Ronald Maddison đã tham gia thí nghiệm với một loại virus cảm lạnh và họ tiếp tục duy trì một chiến dịch kéo dài nhiều thập kỷ nhằm yêu cầu mở lại cuộc điều tra một cách cởi mở và minh bạch hơn về vụ việc. Kết quả của sự kiên trì đó là năm 2004, Thẩm phán Woolf đã hủy bỏ phán quyết ban đầu về cái chết của Ronald Maddison và ra lệnh mở lại cuộc điều tra về vụ việc. Phán quyết mới khẳng định Ronald Maddison đã bị sát hại trong một thí nghiệm chưa được phép thực hiện ở thời điểm đó. Theo lệnh điều tra của Thẩm phán Woolf, Bộ Quốc phòng Anh đã cho đánh giá lại toàn bộ các thí nghiệm ở Porton Down do Ian Kennedy chủ trì.

Báo cáo cho thấy tại Porton Down đã xảy ra một vài thí nghiệm “có thể đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức cần thiết”, chủ yếu nhằm mục đích kiểm tra tác động của chất độc thần kinh hoặc các hóa chất độc hại khác. Tuy nhiên, báo cáo cũng kết luận rằng chưa có dấu hiệu cho thấy có thí nghiệm nào, bao gồm cả thí nghiệm với chất độc thần kinh sarin, là “vượt quá giới hạn của những gì cần phải dự tính và không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh”. Năm 2006, Bộ Quốc phòng Anh đạt được thỏa thuận với gia đình Maddison và thừa nhận đã xảy ra “sơ suất nghiêm trọng” khi thực hiện thí nghiệm với Ronald Maddison.

Trường hợp của Binh nhất Ronald Maddison đã khiến hàng trăm tình nguyện viên tham gia vào các thí nghiệm khác ở Porton Down nộp đơn kiện phòng thí nghiệm này đòi bồi thường.

Cáo buộc lạm dụng và tra tấn động vật

Năm 2019, Animal Aid, tổ chức bảo vệ quyền động vật do Jean Pink sáng lập năm 1977 ở Anh, chính thức đưa ra những cáo buộc đối với Phòng thí nghiệm Porton Down về việc phòng thí nghiệm này đã thực hiện nhiều hoạt động lạm dụng và tra tấn động vật.

Trong nhiều thập kỷ, từ Chiến tranh Lạnh đến nay, cái tên Porton Down đã gắn liền với các thí nghiệm tai tiếng, trong đó có những thí nghiệm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học. Bất chấp những nỗ lực của Bộ Quốc phòng Anh nhằm giữ kín thông tin về những thí nghiệm này, Animal Aid đã tiếp cận được với những nguồn tin cần thiết và đưa ra ánh sáng những bí mật khiến nhân loại phải lạnh người: Rất nhiều thí nghiệm liên quan vũ khí hóa học và sinh học đã được nhà chức trách thực hiện trên các loại động vật không có khả năng tự vệ. Theo tổ chức này, tính tới năm 2019, đã có khoảng 50.000 động vật, bao gồm khỉ, chuột và lợn bị đưa vào phòng thí nghiệm tại Porton Down.

leftcenterrightdel

Phòng thí nghiệm Porton Down bị tổ chức Animal Aid cáo buộc đã lạm dụng và tra tấn hàng chục nghìn động vật. Ảnh: Shutterstock

Theo Animal Aid, các loại động vật một khi đã bị đưa vào Porton Down nhằm thực hiện các thí nghiệm phục vụ chiến tranh có thể sẽ trở thành nạn nhân của các loại vũ khí sinh học hoặc thậm chí là “tan xác trong các vụ nổ thí nghiệm mô phỏng”, phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp, kéo dài trước khi kết liễu cuộc sống. Một trong những nguồn tin Animal Aid tiếp cận được tiết lộ, các cuộc thử nghiệm chất độc thần kinh tại đây đã sử dụng chuột lang nhằm tìm ra những tác động của chất độc này đối với cơ thể sống như sau: Làm cạn kiệt sinh lực, gây khó thở, run rẩy và đau đớn quằn quại, chảy nước mắt. Trong hầu hết các trường hợp, động vật đưa vào thí nghiệm sẽ bị giết vào cuối nghiên cứu hoặc khi nhiệt độ cơ thể của chúng sụt giảm đến mức quá thấp hoặc mất đi 1/4 trọng lượng cơ thể. Tất cả mọi động vật đều sẽ bị mổ xẻ sau khi chết nhằm tiếp tục phân tích phục vụ nghiên cứu.

Điều tồi tệ còn chưa dừng lại ở đó. Animal Aid cho biết Porton Down còn nhân giống và nuôi một đàn khỉ đuôi sóc (khỉ Marmoset) để sử dụng trong các thí nghiệm hết sức đau đớn và chúng sẽ bị giết trước khi bị đưa ra xẻ thịt để nghiên cứu. Một thông tin từ Animal Aid thậm chí còn mô tả một cách rõ nét một thí nghiệm năm 2015 khi người ta bắt lũ khỉ con phải hít virus Ebola. Hậu quả là sau đó đàn khỉ đã xuất hiện các triệu chứng rõ nét của căn bệnh, gồm thay đổi nhịp hô hấp, đi lại khó khăn, phải khom người khi đi, bỏ ăn, bỏ uống, xuất huyết bên ngoài bộ phận sinh dục...

Từ những chiến dịch kêu gọi dừng thí nghiệm đau đớn trên động vật, Animal Aid thống kê và cho biết, từ con số gần 10.000 cá thể động vật bị mang ra làm thí nghiệm trong những năm 2010, 2011, đến năm 2019, con số này đã giảm xuống còn khoảng 1.500 cá thể. Từ nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu phục vụ chiến tranh hóa học và sinh học, phòng thí nghiệm Porton Down ngày nay chủ yếu tập trung vào việc phát triển các loại thuốc giải độc và các biện pháp đối phó với các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, và có nhiệm vụ loại biên các loại vũ khí hóa học còn tồn lưu kho vũ khí của Anh.

(còn nữa)

HỮU DƯƠNG (Tổng hợp từ Telegraph, Animal Aid, Daily Mail, Thư viện y học quốc gia Mỹ)

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.