Ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ diễn ra Hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành “Giải phóng quân miền Nam” đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Tiếp đó, ngày 23-10, Phòng Chính trị Miền, đơn vị tiền thân của Cục Chính trị Quân Giải phóng (B2) được thành lập.

leftcenterrightdel
Đại biểu Ban liên lạc Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam (B2) tại buổi gặp mặt.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hăng hái xuống đường, đi theo hai hướng của cuộc Tổng tiến công là Bộ tư lệnh Tiền phương Bắc và Bộ tư lệnh Tiền phương Nam. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại tá Đinh Quốc Kỳ, Trưởng ban liên lạc hồi tưởng: "Chuẩn bị bước sang năm mới Mậu Thân, không khí sôi động khác lạ. Chúng ta làm nhiều việc hơn, các phòng, ban đều tỏa đi các hướng phục vụ cho các đơn vị, nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu. Đoàn văn công Quân Giải phóng cử nhiều bộ phận xung kích xuống từng tổ chiến đấu theo từng cáng thương binh để biểu diễn phục vụ bộ đội. Các nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh, quay phim… cán bộ các cơ quan nghiệp vụ vừa làm công tác chuyên môn, vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu".

leftcenterrightdel
Đại tá Đinh Quốc Kỳ phát biểu tại buổi gặp mặt. 

Đã có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của đơn vị được các cựu chiến binh nhắc nhớ tại buổi gặp mặt, như: Đồng chí Thân Trọng Hậu ngã xuống tại ngã năm Chuồng Chó (ở Gò Vấp); đồng chí Dương Phước An hy sinh tại Nhà máy Dệt Vinatexco (Dệt Thắng Lợi) khi đang quay cảnh Quân Giải phóng vượt cửa mở; đồng chí Nguyễn Văn Năng nhảy lên ụ mối chụp toàn cảnh Quân Giải phóng diệt đoàn xe Mỹ trên Đường 22; đồng chí Châu Quang trèo lên ngọn cây quay cảnh căn cứ Đồng Dù Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới Mỹ bị Quân Giải phóng tiến công. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Thi đã ngã xuống tại cửa ngõ phía Tây Sài Gòn ngày 9-5-1968 khi khẩu AK trong tay hết đạn…

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng được nghe lại kỷ niệm chiến đấu của cựu chiến binh, như trường hợp bị thương, cụt gần hết bàn tay của cựu chiến binh Nghiêm Hà, kỷ niệm chiến trường của cựu chiến binh Phạm Chí Viện... Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đơn vị đã có 31 đồng chí hy sinh và hàng trăm đồng chí bị thương.

Ghi nhận thành tích của đơn vị, đã có 5 tập thể, cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như: Cục Chính trị Quân Giải phóng Miền; Đoàn Văn công Quân Giải phóng; Phòng Bảo vệ An ninh; Đại tá, nhạc sĩ Xuân Hồng; nhà văn Nguyễn Thi…

leftcenterrightdel
Ban liên lạc Cục Chính trị Quân Giải phóng B2 chụp ảnh kỷ niệm.

Tin, ảnh: PHẠM THU THỦY