Ở nước ta, trên mỗi chặng đường đi đến chiến công, giành những thắng lợi vẻ vang đều có Đảng và Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối; có lá cờ Tổ quốc tung bay cổ vũ, động viên; có máu và hoa, ý chí và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Khí phách và tinh thần yêu nước đã thấm sâu vào Bộ đội Trường Sơn, giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, bằng mồ hôi, công sức và máu xương của mình, họ đã lập nên những chiến công chói lọi, ghi dấu ấn sâu đậm vào lịch sử cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự khai mở “con đường máu”, đi từ trái tim người lính đến chiến trường, sắt son ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại” kể về Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp 

Trên thế giới hiếm có con đường nào lại mang dấu ấn lịch sử và thời đại sâu sắc, vẹn toàn tình nghĩa quân dân như con đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường ấy đã gắn với tên tuổi của Đoàn 559 và Bộ đội Trường Sơn, kết nối cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Bắc với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam thành một khối thống nhất, cùng chung một mục tiêu chống Mỹ, cứu nước với ý chí, quyết tâm khai mở con đường huyết mạch để chi viện lực lượng vũ trang và vật chất hậu cần, kỹ thuật cho các chiến trường miền Nam, nước bạn Lào và Campuchia đúng vào ngày sinh của Bác Hồ 19-5-1959.

Qua 16 năm liên tục hành quân, Bộ đội Trường Sơn đã về đích đúng thời khắc lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Họ đã cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, đưa non sông gấm vóc về một mối, Bắc-Nam sum họp một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ vậy, sự ra đời của con đường huyền thoại gắn chặt với nhu cầu cấp thiết, cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự cần thiết phải mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia.

Thời khắc lịch sử đã được khẳng định, sự vận hành đã hanh thông, Trung ương Đảng đứng đầu là Bác Hồ kính yêu đã quyết định thành lập Đoàn công tác Quân sự đặc biệt, sau này mang tên Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Từ đây, đường Trường Sơn, con đường đặc biệt được mang tên Bác kính yêu-Đường Hồ Chí Minh đã ra đời, đi vào lịch sử cách mạng với những dấu ấn đặc biệt, đã phát triển và nhanh chóng trở thành tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch, nối liền đồng bào miền Bắc với đồng bào miền Nam, chiến trường Việt Nam với chiến trường các nước bạn Lào và Campuchia, góp phần củng cố liên minh ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia ngày càng vững chắc.

Quyết định khai mở đường 559 của Bộ đội Trường Sơn có ý nghĩa chính trị-quân sự đặc biệt. Con đường này không chỉ thể hiện vị thế, tầm nhìn chiến lược tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ về thực hiện quyết tâm chính trị “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, mà còn mở một hướng chiến trường trọng yếu, một địa bàn quân sự quan trọng, giúp bạn Lào xây dựng cơ sở cách mạng và phối hợp với bộ đội ta đánh địch ở Trung-Hạ Lào. Vì lẽ đó, đế quốc Mỹ đã phải dồn binh, huy động nhiều lực lượng với nhiều loại vũ khí tối tân, hiện đại để đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, hòng cô lập miền Nam, thực hiện mưu đồ xâm lược, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Vượt qua khó khăn, thách thức và mọi hiểm nguy, Bộ đội Trường Sơn cùng với thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt qua mưa bom bão đạn của quân xâm lược, phát tuyến, mở đường, giữ vững huyết mạch giao thông quan trọng, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường các nước bạn.

Khởi đầu từ đơn vị vận tải bí mật, sau 16 năm hoạt động (1959-1975), Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn đã phát triển thành một binh đoàn bộ đội hợp thành quy mô lớn, đã xây dựng nên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn với hệ thống đường cơ giới liên hoàn, kéo dài hàng nghìn ki-lô-mét, gồm 5 trục dọc đường chiến lược, 21 trục ngang đường chiến dịch, ở cả phía Đông và Tây Trường Sơn vào đến tận Đông Nam Bộ; giữ vững “mạch máu” giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Nhờ đó, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn vật chất, phương tiện, bảo đảm cơ động những binh đoàn cho các chiến trường; đã trực tiếp vận chuyển từng quân đoàn, sư đoàn chủ lực tiến công, tăng cường lực lượng cho các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, cho cánh quân Duyên Hải và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Những chiến công xuất sắc trong xây dựng tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát huy nhân tố chính trị-tinh thần trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đó là bài học về: (1) Kiên định mục tiêu cách mạng, có đường lối chiến tranh đúng đắn, sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn chiến trường, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng; (2) Nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào xây dựng con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng; (3) Vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt  Nam, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; (4) Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của toàn thể dân tộc và những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh để mở rộng và hình thành con đường mới về xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.