Chiếc xích lô 

Góp phần vào chiến thắng lịch sử của Việt Nam trước đế quốc Mỹ hùng mạnh, ngoài những chiến công thầm lặng của các nhà tình báo, không thể không kể đến sự hiện diện của những trang, thiết bị tưởng chừng “vô hại” nhưng cực kỳ hữu ích. Một trong số đó là chiếc xích lô mang biển số 1938, số hiệu BTTCII 579.K3-11. Phương tiện thô sơ này đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động cách mạng của anh hùng Tôn Minh Lai.

Trong không gian trưng bày về chiến công của ngành Tình báo quốc phòng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Bảo tàng Tổng cục II, chiếc xích lô được đặt trang trọng ở giữa, khiến bất cứ khách tham quan nào cũng phải dừng chân tìm hiểu câu chuyện ẩn sau nó.

Chiếc xích lô gắn bó mật thiết với hoạt động tình báo của anh hùng Tôn Minh Lai. 

Thượng tá QNCN Phan Thị Ngọc Hạnh, nhân viên Bảo tàng Tổng cục II, cho biết: “Chiếc xích lô cũ kỹ này đã gắn với cuộc đời hoạt động tình báo hơn 20 năm của anh hùng Tôn Minh Lai. Nó vừa là phương tiện để người giao thông viên đưa đón cán bộ, vừa là nơi cất giấu tài liệu, phim ảnh quan trọng mà đồng đội của ông thu thập được trong những cơ quan đầu não của địch để chuyển về cho tổ chức”.

Chiếc xe là bình phong giúp ông vượt qua các đồn bốt, hàng rào kiểm soát gắt gao của mật vụ, cảnh sát địch tại nội, ngoại thành Sài Gòn từ năm 1955 đến 1975. Chiếc xích lô trở thành “người bạn thân thiết” của ông trên đường phố Sài Gòn nhan nhản cảnh sát, mật vụ, chỉ điểm.

Anh hùng Tôn Minh Lai

Tên thật là Võ Ngọc Minh (1903-1992), bí danh Trần Trung Kiên, mật danh M.40, Tôn Minh Lai sinh ra và lớn lên tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước). Tháng 3-1947, ông tham gia cách mạng, vào Vệ quốc đoàn và được phân công làm giao liên cho Ban Quân báo tỉnh Châu Đốc, nắm địch ở thị xã Rạch Giá. Một thời gian sau, ông được điều về công tác ở Văn phòng Quân khu 9 và được kết nạp đảng năm 1948. Thời gian này, ông được giao thêm nhiệm vụ vẽ sơ đồ các trại lính. Trong vai người bán thuốc, bán bánh mỳ, mua vỏ chai, sắt vụn, ông đã tiếp cận được cả nơi ở của quân Pháp và ngụy để nắm tình hình, vẽ sơ đồ, nhận tin tức, tài liệu từ các cơ sở của ta rồi đưa ra căn cứ an toàn.

Sau năm 1954, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và theo phân công của tổ chức, ông ở lại miền Nam làm công tác giao liên tình báo. Thời gian này, đế quốc Mỹ dùng chính quyền tay sai đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến, yêu nước một cách hết sức tàn bạo. Nhiều cán bộ của ta bị địch bắt, thủ tiêu, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ tình báo. Tôn Minh Lai bị mất liên lạc với tổ chức.

Chiếc xích lô trong một lần đi hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: qdnd.vn

Trong bối cảnh đó, ông đã trăn trở, suy nghĩ phải làm một nghề gì đó để tồn tại hợp pháp trong lòng địch, chờ thời cơ nối lại liên lạc với tổ chức. Cuối cùng, ông quyết định chọn nghề đạp xích lô để có điều kiện đi lại hợp pháp, vừa để kiếm sống, vừa tồn tại lâu dài trong lòng địch. Ông và chiếc xích lô như hai người bạn thân trên đường phố Sài Gòn.

Năm 1967, ông bắt liên lạc trở lại được với tổ chức và nhận nhiệm vụ trong niềm vui sướng khôn tả. Cũng trong năm này, địch tăng cường kiểm soát, khám xét rất kỹ mọi đối tượng, nhất là những người đi lại trên các phương tiện giao thông từ Sài Gòn xuống Chợ Lớn. Nắm được quy luật và phương pháp khám xét của địch, mỗi khi lên xe, ông tìm một chỗ kín đáo cất giấu tài liệu. Khi gặp địch, ông xuống xe để chúng khám xét như mọi người và chưa lần nào ông bị lộ tài liệu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và Xuân 1975, địch tăng cường phong tỏa. Bọn tay sai, chỉ điểm giăng kín mọi ngả đường. Với tài ngụy trang khéo léo, Tôn Minh Lai vẫn cùng chiếc xích lô đi về như con thoi, chuyển nhận tài liệu, bảo đảm bí mật, an toàn. Có những chuyến liên lạc, tổ chức phái người vào giao và nhận tài liệu, ông “đón khách đi xích lô”, chở đến điểm vắng, trao đổi tài liệu theo quy ước. Chiếc xe vẫn là nơi cất giấu tài liệu an toàn, bí mật. Cứ thế, những chuyến liên lạc ngày một tăng. Những tài liệu quan trọng, tin chiến thắng đưa về càng khiến ông phấn chấn, không kể gian nguy; trái lại, kinh nghiệm ngụy trang, bảo đảm an toàn, bí mật càng dày dặn hơn.

Những phút thót tim và những chiến công

Mùng 2 Tết Mậu Thân (30-1-1968), Tôn Minh Lai xuống Bà Chiểu bắt liên lạc và nhận tài liệu. Lúc quay về, đến nhà hàng Lê Lai thì ông bị kẹt do bọn quân cảnh cấm đường, lục soát. Sau phút giây suy nghĩ, ông thản nhiên dắt chiếc xích lô vào dựng trước cửa nhà hàng rồi vào trong ngồi nghỉ. Vừa ngồi ông vừa quan sát thấy 5 tên quân cảnh tới ngó nghiêng chiếc xe nhưng không dám mở nắp thùng. Đoán chắc chúng sợ gài lựu đạn, ông bình thản bước tới bên chiếc xe. Trả lời câu hỏi “Xe ông già chở gì?”, ông cho biết: “Xe tui chỉ có con chó con”. Chúng bắt ông mở nắp thùng, trong đó có con chó đang sủa ăng ẳng. Cả bọn ồ lên rồi bỏ đi. Ông lên xe và đạp tới điểm hẹn. Ngày 7-1-1968, đặc công ta đánh vào nhà máy điện. Lúc ra đường quan sát, không may ông bị bọn quân cảnh bắt. Tra khảo không khai thác được gì, chúng bỏ mặc ông trong nhà giam. Hôm sau, chúng nói với nhau: “Giữ ông già đạp xích lô làm gì, lấy đâu ra cơm nuôi ổng”. Chúng thả ông. Ông lại ngày ngày rong ruổi cùng chiếc xe và những phiên liên lạc.

Chiếc xích lô mang biển số 1938 là một trong những hiện vật quý của Bảo tàng Tổng cục II. 

Bằng nhiệt tình cách mạng, lòng trung thành vô hạn, gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ, ông đã gây dựng được cơ sở cách mạng và lưới giao liên ở chính nơi địch luôn cho rằng một cọng tóc cộng sản cũng không qua được mắt chúng. Mạch máu giao thông giữa nội và ngoại thành được thông suốt bằng những chuyến liên lạc chuyển tài liệu, tin tức của người giao thông tình báo bằng rất nhiều vai diễn. Lúc ông sắm vai đi thăm bà con, lúc đi đám giỗ, bữa đi lễ chùa nhưng vai diễn thường xuyên nhất của ông là “ông già đạp xích lô”. Cùng với những vai diễn này là rất nhiều tài liệu, phim ảnh của cơ sở được chuyển cho tổ chức. Cùng với cơ sở của mình, ông đã chuyển sớm cho tổ chức những tin tức và tài liệu quan trọng như: Kế hoạch quân sự, kế hoạch AB hằng năm của Mỹ-ngụy, kế hoạch phản kích của địch sau đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, kế hoạch hành quân của địch trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng Không quân và Hải quân của Mỹ, ý đồ chiến lược của Mỹ xuống thang chiến tranh, Mỹ rút hết quân Mỹ và chư hầu năm 1973, Mỹ từ chối chi viện cho quân ngụy sau khi ta giải phóng Phước Long và hàng chục cuốn phim ảnh, bản đồ. Các tin tức, tài liệu trên đã góp phần làm cơ sở cho Trung ương và Quân ủy Trung ương nhận định tình hình, đề ra chiến lược cơ bản đánh bại các chiến lược của địch.

Đặc biệt, cuối năm 1974, đầu năm 1975, theo chỉ thị của cấp trên, ông đã khéo léo ngụy trang và chuyển kịp thời ra căn cứ tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định có đánh dấu các điểm đồn trú của ngụy quân, ngụy quyền, lính Mỹ, phục vụ cho cấp trên nghiên cứu và chỉ đạo quân ta tiến vào Sài Gòn đúng hướng, đúng mục tiêu.

Mùa xuân năm 1975, tuyến giao liên trong thành phố Sài Gòn do ông đảm nhiệm hoạt động rất tích cực. Bằng sự bình tĩnh, mưu trí, sáng tạo, ông đã đưa đón cán bộ, chuyển nhận tài liệu kịp thời, an toàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ giao thông tình báo.

Với những đóng góp lớn lao, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 3 lần được công nhận là chiến sĩ thi đua. Ngày 6-11-1978, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Tôn Minh Lai đã về cõi vĩnh hằng nhưng ông mãi là tấm gương sáng đối với cán bộ, chiến sĩ tình báo quốc phòng, là một phần trong trang sử hào hùng của ngành Tình báo quốc phòng Việt Nam. Chiếc xe xích lô gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã trở thành một trong những hiện vật quý của Bảo tàng Tổng cục II, là minh chứng cho quãng đời hoạt động thầm lặng, mưu trí, sáng tạo của người chiến sĩ tình báo bình dị, khiêm nhường với chiến công vẻ vang Tôn Minh Lai.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.