Chiếc mủng được đan bằng tre, hai lớp, đường kính 35cm; dưới đáy có 3 thanh tre làm đế, thanh giữa to hơn hai thanh bên (tháo ra được) dùng để che mí ráp của hai lớp nan tre, là nơi cất giấu tài liệu. Theo thông tin từ lãnh đạo Bảo tàng, chiếc mủng là của gia đình liệt sĩ Hồ Lễ Ân ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, trao tặng Bảo tàng.
 |
Chiếc mủng hai đáy trên bàn thờ liệt sĩ Hồ Lễ Ân. Ảnh tư liệu |
Đồng chí Hồ Lễ Ân sinh năm 1940, tại xã Hòa Cường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây). Năm 1965, đồng chí thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng ở địa bàn huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Vì yêu cầu của cách mạng, đồng chí Hồ Lễ Ân đã nối liên lạc và giao cho bố, mẹ (ông Hồ Lễ Phương và bà Bùi Thị Lý) chiếc mủng này làm phương tiện để cất giấu, vận chuyển tài liệu cách mạng từ Hòa Vang vào Điện Bàn và ngược lại. Từ đó, khi có nhiệm vụ, ông Phương hoặc bà Lý lại sử dụng chiếc mủng hai đáy này đóng giả làm người đi bán hàng rong: Phía trên mủng là củ khoai, củ sắn, lúc thì có ít bắp ngô, hôm ít lạc luộc... Dưới đáy mủng, vợ chồng ông bà cất giấu tài liệu, công văn, truyền đơn, thư từ của cách mạng đưa đến Điện Bàn cho con trai Hồ Lễ Ân và nhận công văn, truyền đơn, chỉ thị, tài liệu từ con trai ở Điện Bàn chuyển về Hòa Vang, đưa vào hộp thư bí mật.
Năm 1970, cơ sở hoạt động của đồng chí Hồ Lễ Ân bị địch tấn công bất ngờ. Đồng chí Hồ Lễ Ân cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu với địch và anh dũng hy sinh. Sau đó, chiếc mủng được ông bà (Hồ Lễ Phương, Bùi Thị Lý) đặt trên bàn thờ liệt sĩ. Sau này, chiếc mủng được gia đình trao tặng Bảo tàng Khu 5 lưu giữ, giáo dục truyền thống cho du khách và người dân đến tham quan Bảo tàng.
NGỌC GIANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.