Mục tiêu của các đợt tiêm vaccine là: Nhanh chóng, an toàn, đúng đối tượng. Cùng với đó, các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ những đối tượng khó khăn, người yếu thế trong xã hội, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm phòng, chống dịch (PCD).

Chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng
TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu những mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 3-2021, chủ yếu thuộc nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ, chiến dịch tiêm chủng mở rộng toàn dân được triển khai từ giữa tháng 6-2021. Tương tự, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng chủ động xây dựng kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị từ rất sớm để triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 bảo đảm hiệu quả, an toàn cao.

Tiêm vaccine cho người dân ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An (Bình Dương). 

Cùng với lực lượng y sĩ, bác sĩ, ngành y tế các địa phương đã tập huấn cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên về công tác hỗ trợ tiêm vaccine. Công tác lập danh sách, tổ chức điều phối tiêm, bố trí các điểm tiêm đã được các cơ quan chức năng lựa chọn kỹ lưỡng, thuận tiện cho người dân đến tiêm và bảo đảm các quy định về PCD.

Thời gian đầu tuy có những lúng túng nhất định, nhưng các địa phương đã nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp hơn trước với sự vào cuộc tổng lực của nhiều lực lượng. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng y tế tư nhân, y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng còn đủ khả năng làm việc, sinh viên ngành y khoa của các trường cao đẳng, đại học... tham gia các chiến dịch tiêm vaccine.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương, ngoài điểm tiêm cố định tại cơ sở y tế, các điểm tiêm ở cộng đồng đều được bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định, bảo đảm việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện. Mỗi đội tiêm cũng bảo đảm nhân sự theo đúng quy định, gồm: 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính được tập huấn về an toàn tiêm chủng... khi thực hiện nhiệm vụ.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với biến thể Delta lây lan quá nhanh, đã khiến kế hoạch tiêm chủng vaccine của các địa phương thay đổi liên tục, đặt ra yêu cầu cấp bách hơn, nhanh hơn. Tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine đủ hai mũi. Đây là những chiến dịch tiêm vaccine “thần tốc” chưa có tiền lệ, nên TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã vừa làm, vừa rút kinh nghiệm kịp thời, tiến hành các đợt tiêm quy mô lớn ngày càng hiệu quả, nhất là với đối tượng người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, công nhân và lao động ở các khu công nghiệp.

Bao phủ vaccine cao nhất có thể

Ngày 19-6-2021, TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong đầu tiên trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai đợt tiêm vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Thành phố huy động hơn 1.000 đội tiêm, với hơn 800.000 liều vaccine, tiếp đó là các đợt tiêm chủng không chịu áp lực về thời gian, bảo đảm an toàn với độ bao phủ rất lớn. Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố đã tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm, như: Tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vaccine và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine... Thời gian cao điểm, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể từng ngày với phương án cao nhất và phương án bình thường giúp Bộ Y tế cân đối phân bổ nguồn vaccine.

Hỗ trợ người dân trong khu cách ly của thị xã Tân Uyên (Bình Dương). 

Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng áp dụng tiêm vaccine cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, kế đến là người cao tuổi, phụ nữ mang thai hơn 13 tuần, người có bệnh nền, công nhân lao động trực tiếp sản xuất... Khi triển khai, các địa phương lưu ý các tổ tiêm phải thực hiện nghiêm kỹ thuật, không để sai sót, không để mất an toàn. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: Đến nay, tỉnh đã được phân bổ hơn 3,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 các loại và đã tiêm được hơn 3 triệu liều. Lượng vaccine còn lại đang triển khai tiêm cho đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và triển khai tiêm thêm cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy nhanh mục tiêu sớm bao phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng với phương châm “vaccine+5K”, các địa phương xác định việc tiêm vaccine là giải pháp căn cơ được thực hiện liên tục trong tổng thể công tác PCD. Qua tìm hiểu của chúng tôi, kết quả tiêm chủng của các địa phương đã đạt những con số ấn tượng.

Tính đến hết ngày 21-10, tỉnh Long An thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt hơn 2,6 triệu mũi, trong đó, 100% người trong độ tuổi đã được tiêm mũi 1 và có khoảng 70% người được tiêm mũi 2. Tại Đồng Nai, các huyện, thành phố đều đạt tỷ lệ tiêm chủng hơn 70%. Tính đến 11 giờ ngày 21-10, TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 được hơn 12,6 triệu mũi, trong đó có hơn 5,5 triệu người đã tiêm mũi 2, người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99% và người tiêm mũi 2 là 76,5%. Còn tại Bình Dương, đến cuối tháng 10-2021 sẽ đạt khoảng 70% người dân cả tạm trú và thường trú tiêm đủ hai mũi.
Với tiến độ tiêm chủng như thời gian qua, các địa phương sẽ sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong quý IV-2021, tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục triển khai lộ trình phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn một cách an toàn. Cùng với đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát đến từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố những trường hợp trong diện tiêm chủng nhưng chưa được tiêm mũi 1 để triển khai tiêm, bảo đảm không bỏ sót một đối tượng nào, trừ những trường hợp chống chỉ định. Đồng thời, các địa phương cũng khẩn trương lập kế hoạch để chuẩn bị tiêm cho người từ 12 đến 17 tuổi theo văn bản mới nhất của Bộ Y tế.
Nỗ lực chăm lo người dân
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến kinh tế-xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Bước vào quý III-2021, các địa phương cùng lúc đưa ra nhiều giải pháp nhằm vừa PCD, vừa bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là bà con nghèo, người lao động tự do, công nhân, sinh viên đang ở trọ, học tập, sinh sống trên địa bàn. TP Hồ Chí Minh đã triển khai liên tục 3 gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, có tổng kinh phí dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng với đối tượng ngày càng mở rộng, bảo đảm không để người dân thiếu ăn.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể các địa phương đã tích cực vận động nhiều nguồn hỗ trợ từ các tập thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và sự ủng hộ chung tay của các địa phương bạn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... tạo nên nhiều nguồn lực chăm lo cho người dân với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. TP Hồ Chí Minh có cách làm hay khi triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19” qua Cổng thông tin 1022, thành lập các trung tâm an sinh để tiếp nhận và phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân.

Tại Bình Dương, đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, dù trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội hay chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, mục tiêu cao nhất các giải pháp của tỉnh là phải bảo đảm an toàn, sức khỏe và chăm lo cuộc sống người dân. Tùy theo đặc thù từng địa bàn, hệ thống MTTQ các cấp sẽ chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, trực tiếp chuyển tất cả phần quà hỗ trợ đến tận tay người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cùng với các gói hỗ trợ của từng địa phương, hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8-10-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 937 tỷ đồng cho các đối tượng, trong đó có hơn 486.000 người lao động. Những trường hợp còn lại, tỉnh tiếp tục khẩn trương chi hỗ trợ. Các thủ tục cũng được đơn giản hóa để người dân có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, nhiều người lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã tự phát trở về quê. Các địa phương đều đã đưa ra thông điệp trân trọng, thuyết phục người lao động ở lại tiếp tục đóng góp, đồng hành với địa phương trong phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời, các cấp và lực lượng vũ trang đã chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức đưa người dân có nguyện vọng về quê bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng dịch. (còn nữa)
Bài và ảnh: PHI HÙNG - HÙNG KHOA

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ