Đồng thời, nhiều nguồn lực về vật tư y tế, an sinh xã hội cũng hướng về Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng tình cảm chứa chan với niềm tin và hy vọng sớm chiến thắng dịch bệnh.

Những đoàn quân vào Nam chống dịch

Từ cuối tháng 4-2021, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam có thể diễn biến phức tạp và kéo dài, nên đã thành lập bộ phận thường trực tại TP Hồ Chí Minh và cử các tổ đến các tỉnh còn lại để hỗ trợ phòng, chống dịch (PCD). Các bộ, ngành khác như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông... cũng thành lập tổ công tác, hoặc cử lực lượng vào miền Nam hỗ trợ PCD theo lĩnh vực, nhiệm vụ của mình. 

Đến đầu tháng 7-2021, nhiều đoàn chuyên gia, y sĩ, bác sĩ của Trung ương và các địa phương trên cả nước, cùng hàng chục tấn hàng trang thiết bị hiện đại đã vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An PCD và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể kể ra đây những đoàn y tế tình nguyện điển hình vào miền Nam hỗ trợ PCD là: Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Đại học Y dược Thái Bình, Trường Đại học Y tế Công cộng, đội ngũ y tế các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Hưng Yên, Đà Nẵng... Tiếp đó là lực lượng quân y toàn quân vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương theo các giai đoạn. Riêng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng chi viện tham gia hỗ trợ PCD đến nay là gần 30.000 người.

Các y sĩ, bác sĩ chăm sóc F0 ở khu điều trị TX Tân Uyên (Bình Dương). 

Ngay khi đặt chân đến tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, các lực lượng y tế tăng cường đã nhanh chóng bắt tay vào công tác chuyên môn, tích cực hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết người nhiễm Covid-19 (F0), tiêm vaccine, tham gia vào đội hình các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, trung tâm hồi sức Covid-19, chăm sóc F0, tư vấn sức khỏe cho dân... Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã triển khai hiệu quả đồng thời “hai mũi giáp công”. Đó là xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng và tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng. Bên cạnh việc huy động tổng lực lực lượng y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ngành khác cũng tăng cường nhân sự cùng tham gia các hoạt động PCD, tuần tra kiểm soát, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... nhất là giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Căng mình giành giật sự sống

Vào tâm dịch, y sĩ, bác sĩ của các đơn vị tăng cường đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, chung sức cùng y tế địa phương trên các mặt trận chống dịch, trong đó tập trung ở các bệnh viện điều trị F0, đặc biệt là điều trị cho F0 vừa và nặng. Dù điều kiện ban đầu về ăn ở, sinh hoạt, đi lại còn khó khăn, nhưng y, bác sĩ luôn dành hơn 100% tâm huyết và sức lực, ngày đêm căng mình giành lấy sự sống cho người bệnh. Được sự hỗ trợ của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (quy mô 42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (với 17.062 giường). Từ cuối tháng 7-2021, Bộ Y tế chủ trương thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực để giảm tỷ lệ tử vong cho F0 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An.

Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã huy động toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất của các bệnh viện Trung ương đầu ngành như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy... cùng với các bệnh viện của Bộ Quốc phòng, như Bệnh viện Quân y 175, Học viện Quân y, các bệnh viện của Tổng cục Hậu cần... xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để giảm tỷ lệ tử vong. Mặc dù phải triển khai trong điều kiện vô cùng khó khăn, số ca bệnh tăng nhanh, nhưng với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, đội ngũ y tế tăng cường cùng hệ thống máy móc hiện đại nhất đã được huy động để chi viện cho miền Nam cứu chữa người bệnh.

Trực tiếp tác nghiệp ở những nơi "giành giật sự sống" của các bệnh viện điều trị Covid-19, chúng tôi càng hiểu hơn về nhiệt huyết, tình cảm của đội ngũ y sĩ, bác sĩ dành cho bệnh nhân. Họ làm việc quên thời gian, từng phút, từng giờ, theo dõi sát từng thay đổi nhỏ trong dấu hiệu sinh tồn và triệu chứng của bệnh nhân để chăm sóc, điều trị và cứu sống người bệnh. Nhiều nhân viên y tế làm việc gấp 2-3 lần bình thường, lăn xả nhận bệnh, kiểm tra hệ thống oxy, lọc máu, cấp cứu... Chỗ người khác sợ nhất thì lực lượng y tế vẫn căng mình để cứu bệnh nhân. Niềm vui lớn nhất của họ trong khu vực đặc biệt này chính là sự hồi phục của bệnh nhân.

Đội ngũ thầy thuốc quân y Học viện Quân y chăm sóc F0 tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Y sĩ, bác sĩ trung tâm đã nỗ lực trong điều trị, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, giúp 213 F0 được ra viện, hơn 360 ca qua cơn nguy kịch chuyển xuống tuyến dưới... Còn bác sĩ chuyên khoa II Lê Hùng Vương, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Long An (thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ rằng, đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị Covid-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Lực lượng chi viện vào trung tâm đã tập trung cường độ làm việc với công suất cao nhất, dốc hết tâm lực để chăm sóc và điều trị tích cực cho người bệnh. PGS, TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học y Hà Nội, phụ trách Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19 Bình Dương nói rằng: "Dù vất vả tới đâu, mệt nhọc cỡ nào mà cứu sống được bệnh nhân, giúp họ khỏi bệnh, chúng tôi cũng sẵn sàng". Vào tăng cường PCD cho các tỉnh, thành phía Nam, nhiều y, bác sĩ có bố mẹ, người thân qua đời nhưng không thể về chịu tang. Thậm chí, đã có các thầy thuốc, nhân viên y tế khi tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã qua đời vì nhiễm Covid-19.  

Những đóng góp nghĩa tình

Khi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chịu tác động lớn của dịch Covid-19, cùng với tăng cường về nhân sự, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cả nước đã huy động nhiều nguồn lực kinh phí, vật chất, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm... để hỗ trợ. Rất nhiều chuyến bay, chuyến tàu hỏa, tàu biển, chuyến xe nghĩa tình mang theo hàng trăm ngàn tấn hàng đến với người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và tiếp sức cho các lực lượng trên tuyến đầu PCD. Từ ngày 27-4 đến ngày 9-10, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hỗ trợ của 149 tổ chức, 260 cá nhân với hơn 2.000 tấn hàng hóa các loại, trị giá hơn 300 tỷ đồng và hơn 2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế trị giá hàng chục tỷ đồng, để trao tặng đến các bệnh viện, nhân dân thành phố.

 Bộ tư lệnh Quân khu 5 hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh. 

Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, từ sự hỗ trợ của các địa phương, đến ngày 14-10, gần 2,3 triệu túi an sinh đã được chuyển đến TP Thủ Đức và các quận, huyện. Ngoài ra, các tập thể, địa phương, cá nhân đã ủng hộ công tác PCD của thành phố là 1.040 tỷ đồng và số lượng lớn hàng hóa trị giá hơn 370 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 200 lượt tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ nhiều loại thuốc, vật tư, phương tiện, trang thiết bị y tế trị giá hơn 2.664 đồng.

Đồng chí Trương Văn Nọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cho biết thêm, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương và các địa phương thời gian qua là nguồn động viên về mặt tinh thần lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp sức cùng các ngành, các cấp chống dịch hiệu quả. Đồng thời, đã tạo điều kiện để tỉnh làm tốt hơn công tác an sinh xã hội, giúp người dân, công nhân lao động giảm bớt khó khăn, yên tâm thực hiện tốt công tác PCD.

(còn nữa)

--------

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ

Bài và ảnh: PHI HÙNG - HÙNG KHOA