Nhanh chóng tổ chức lực lượng phòng, chống dịch
Bắt đầu từ những ca lây nhiễm trong nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta bùng phát dữ dội tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các địa phương phải nhanh chóng tổ chức lực lượng để truy vết nhanh, khoanh vùng chặt, không để dịch bệnh lây lan. Về phía TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị người dân bình tĩnh, cảnh giác cao độ nhưng không hoảng hốt, sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch (PCD) với ý thức trách nhiệm cao nhất. Ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố đã triển khai các biện pháp cần thiết như: Nhanh chóng tìm ra nguồn lây; khẩn trương phân tích chủng gen tại nguồn lây để có định hướng đúng trong công tác truy vết, dập dịch; lấy mẫu xét nghiệm tất cả đối tượng liên quan; yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm chế độ trực phòng dịch 24/24 giờ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện 5K, xử phạt nghiêm những người không chấp hành các quy định PCD...
 |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến khích người dân TP Thuận An, tỉnh Bình Dương tự lấy mẫu xét nghiệm. |
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã tổ chức và củng cố ngay lực lượng PCD ở mọi cấp. Người dân sinh hoạt bảo đảm đúng yêu cầu thời điểm có dịch. Các lực lượng y tế, quân sự, công an, các tổ chức chính trị-xã hội khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền PCD và thực hiện các biện pháp PCD theo chức năng, nhiệm vụ. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến phải chuẩn bị tốt mọi tình huống khi dịch bùng phát rộng. Thành phố kết nối chặt chẽ với Ban chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 để báo cáo và xin ý kiến thường xuyên.
Tại các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, do dịch bệnh lây lan từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác tới làm cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội cũng như cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Để ngăn chặn dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương tổ chức lực lượng PCD từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, chú trọng lực lượng ở những địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu thương mại như các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và các thị xã: Tân Uyên, Bến Cát. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động chọn địa điểm làm các khu cách ly, hình thành thêm bệnh viện dã chiến điều trị cho người bị nhiễm Covid-19 (F0) nếu dịch bùng phát mạnh.
Tại tỉnh Đồng Nai và Long An, ngoài việc tổ chức lực lượng PCD tại chỗ, địa phương còn thống kê các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu hoặc đang cư trú tại các địa bàn để sẵn sàng kêu gọi góp sức khi dịch bệnh lây lan rộng. Ở các vùng đồng bào có đạo, chính quyền đã phối hợp với các chức sắc tôn giáo thành lập các tổ Covid cộng đồng bao gồm lực lượng y tế, một số tín đồ tích cực, có nhiệm vụ kiểm soát người ra vào, phát hiện các F0 và người khó khăn cần giúp đỡ. Những nơi giáp ranh với TP Hồ Chí Minh và các vùng có dịch, hai tỉnh tổ chức các chốt kiểm soát để phòng tránh dịch xâm nhập và lây lan. Các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng bàn bạc, trao đổi với nhau để phối hợp tổ chức lực lượng PCD.
Tuy nhiên, không ít địa phương lúng túng hoặc chủ quan khi dịch bệnh bùng phát. Lực lượng PCD có nơi tổ chức chắp vá, hoạt động thiếu đồng bộ nên hiệu quả ban đầu không cao. Cá biệt có chỗ tổ chức lực lượng chỉ mang tính hình thức, đến khi xuất hiện nhiều ca nhiễm thì thiếu cơ sở vật chất, phương tiện và con người PCD...
Khoanh vùng, truy tìm F0
Ngay khi xuất hiện các F0 trong cộng đồng, các địa phương của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thực hiện khoanh vùng, truy vết đối với những người liên quan. Ở các quận: Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh, đội ngũ y tế cùng các lực lượng PCD đã làm việc không biết mệt mỏi, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho dân bất kể ngày hay đêm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thời gian đầu khi dịch bùng phát, các lực lượng chống dịch làm việc với tinh thần khoanh vùng nhanh, truy vết kịp thời. Có anh chị em kiệt sức phải cấp cứu. Người dân cũng tự giác đến địa điểm lấy mẫu khi được thông báo”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. |
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, TP Hồ Chí Minh chủ trương thành lập “hàng rào ngăn Covid-19”, với biện pháp: Xét nghiệm kịp thời các trường hợp có biểu hiện ho, sốt và những người liên quan; khoanh vùng, phong tỏa các cơ sở sản xuất có ca nhiễm và nguy cơ lây lan cao; tổ chức tách và cách ly F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, các khu dân cư có công nhân, người lao động thuê trọ, chính quyền yêu cầu mọi người phải khai báo y tế, tổ chức xét nghiệm các khu nhà trọ khi có ca nhiễm.
Hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai là những nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp với cả triệu công nhân làm việc. Vì thế, dịch bệnh lây lan rất nhanh và phức tạp. Chính quyền địa phương vừa phối hợp với các ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp, vừa phối hợp chặt chẽ với chủ nhà trọ để khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Với khẩu hiệu “nơi nào có ca nhiễm là lực lượng chống dịch có mặt ngay”, các nhân viên y tế ở TP Thuận An, TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên của tỉnh Bình Dương đã đến hàng chục khu phố và hàng nghìn hộ dân để lấy mẫu xét nghiệm truy tìm nguồn lây lan.
Tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), các đội lấy mẫu xét nghiệm đã phối hợp với lực lượng quân đội, công an chia làm nhiều hướng để truy vết tìm nguồn lây. Ở các phường, lực lượng dân phòng, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ và cựu chiến binh còn tổ chức nấu ăn phục vụ các đội xét nghiệm, các chiến sĩ làm nhiệm vụ truy vết, kiểm soát dịch bệnh. Bà con các tổ dân phố cũng hỗ trợ nước uống, trái cây và đồ ăn để tiếp sức cho các nhân viên y tế.
Huy động mọi nguồn lực để chống dịch
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nên việc huy động các nguồn lực để PCD là một nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách. Giữa tháng 7, khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã dự kiến phải điều trị cho khoảng 50.000 ca nhiễm, có thể lên 100.000 ca và nhiều hơn nữa. Vì thế, nguồn lực phải huy động để PCD cũng không hề nhỏ. Nguồn lực ở đây không chỉ phục vụ cho việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và ngăn chặn nguồn lây mà còn phải xây dựng các bệnh viện dã chiến điều trị F0, tìm kiếm mua vaccine phòng dịch, xử lý các ca tử vong...
Cùng với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng dự trù về mọi mặt, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp và cộng đồng đóng góp kinh phí cho Quỹ PCD Covid-19. Các địa phương khẩn trương chuẩn bị lực lượng, vật chất và tiến hành hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Địa phương chúng tôi có Tổng công ty Becamex IDC đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác PCD. Đặc biệt, Becamex IDC đã hỗ trợ xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến quy mô lớn để điều trị cho F0. Ngoài ra, tỉnh còn huy động cả các bệnh viện và các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị cho F0...”.
Khi dịch bệnh lây lan rộng, vấn đề quan tâm hàng đầu của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc, chữa trị cho F0; bảo vệ sự an toàn cho cán bộ y tế và nâng cao hiệu quả công tác điều phối, hợp tác giữa các ngành, địa phương, đơn vị trong vận chuyển, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa các tuyến. Cũng chính trong những thời điểm khó khăn đó, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân ta được phát huy cao độ. Đó là những “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, là những “Phiên chợ 0 đồng”, là những địa điểm phát cơm từ thiện, những “Bếp ăn nghĩa tình”... để giúp đỡ mọi người. Các tổ chức và người dân còn có rất nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ từng bữa ăn, trang thiết bị, đồ dùng cho lực lượng y tế và các lực lượng PCD trên tuyến đầu.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã tích cực đóng góp tiền bạc, cơ sở vật chất và công sức cho công tác PCD Covid-19. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, người không có thì đóng góp công sức, tất cả đều vì mục tiêu quyết tâm chiến thắng dịch bệnh ở phía Nam trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
(còn nữa)
Bài và ảnh: PHI HÙNG - HÙNG KHOA
----------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ