Hơn 4 tháng giãn cách xã hội để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong, là thời gian cân não, thể hiện ý chí bất khuất của miền Nam "Thành đồng Tổ quốc".
Các biện pháp cấp bách
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, từ cuối tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn, tiến hành giãn cách xã hội một cách hiệu quả nhất để phòng, chống dịch (PCD). Trong thời gian khó khăn này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương... đã nhiều lần trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình ở các tỉnh, thành phố phía Nam để chỉ đạo công tác chống dịch.
 |
Lực lượng quân đội và công an duy trì giãn cách xã hội ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Tại các địa phương có dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đều nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, thực hiện "ai ở đâu ở đấy". Giãn cách xã hội ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Nhưng dịch bệnh phức tạp khiến TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ từ ngày 31-5 đến hết tháng 9-2021. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Thành phố phải kéo dài giãn cách xã hội nhiều ngày là để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất và giảm số ca tử vong”. Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách như: Tăng cường lực lượng PCD; huy động y tế công lập và y tế tư nhân để xét nghiệm, truy tìm và ngăn chặn nguồn lây, cũng như chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 (F0); triển khai tiêm vaccine kịp thời cho người dân; mở rộng và thành lập thêm các bệnh viện dã chiến...
Tại các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai và Long An, lãnh đạo các địa phương cũng chỉ đạo các lực lượng phải duy trì nghiêm giãn cách xã hội, xét nghiệm “thần tốc” để "truy quét" F0; kiểm soát chặt chẽ, không để F0 tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng... Tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai còn kiện toàn gấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế đủ năng lực để PCD hiệu quả; tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát người ra vào địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Địa phương đã duy trì nghiêm giãn cách xã hội theo phương châm: Ai ở đâu ở đó. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Bên cạnh những mặt tích cực, các địa phương trên cũng bộc lộ sự lúng túng ở cấp quận, huyện và phường, xã. Không ít nơi thực hiện chỉ đạo của trên chưa kịp thời, thiếu nội dung, còn biểu hiện sự trông chờ, ỷ lại, thiếu chủ động. Khi cấp trên kiểm tra chỉ ra khuyết điểm, thì cấp dưới lại bao biện, đổ lỗi lẫn nhau...
Những "chiến sĩ" và "pháo đài" chống dịch
Những ngày chống dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố phía Nam chủ trương xây dựng cấp phường, xã, thị trấn trở thành những “pháo đài”, còn người dân là những “chiến sĩ” chống dịch. Đây được coi là “thành lũy” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tại tỉnh Bình Dương, đa số các "pháo đài" đều là chỗ dựa vững chắc giúp người dân PCD. “Pháo đài” chống dịch ở Bình Dương còn được tổ chức khá tốt ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp với nhiều tổ Covid cộng đồng, các trạm y tế lưu động và các đội phản ứng nhanh.
 |
Cứu chữa bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 Bình Dương. |
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều “pháo đài” mạnh với các mô hình hiệu quả. Đó là những chốt bảo vệ “vùng xanh”, tổ Covid khu phố, tổ bảo đảm an sinh xã hội, đội vận chuyển cấp cứu tình nguyện, đội vận chuyển oxy nhanh... Các mô hình này giúp lãnh đạo địa phương nắm được số người bị lây nhiễm, nguồn lây nhiễm; hỗ trợ người dân gặp khó khăn; chở bệnh nhân nặng đi cấp cứu kịp thời; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, biện pháp và các công việc PCD đến từng gia đình; phản ánh ý kiến của người dân đến lãnh đạo các cấp... Đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng: “Việc xây dựng và phát huy tác dụng của các “pháo đài” chống dịch, giúp cho chúng tôi nắm chắc tình hình dịch bệnh ở các phường, đồng thời triển khai kịp thời các giải pháp PCD cụ thể, phù hợp và mang lại hiệu quả cao”.
Hơn 5 tháng chiến đấu với dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An luôn tuyên truyền, giáo dục để người dân có ý thức, trách nhiệm cao, “đồng thuận, đồng loạt và đồng thời” thực hiện nghiêm các quy định PCD. Vì thế, đa số người dân, công nhân đều tích cực tham gia PCD, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Ở các khu dân cư, các cơ sở sản xuất-kinh doanh xuất hiện rất nhiều tấm gương vì cộng đồng. Đó là các văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên tình nguyện phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đi chợ giúp dân, chăm sóc F0. Đó là những tấm lòng vàng khi xây dựng các bếp ăn từ thiện, đi phát xuất ăn miễn phí cho người nghèo. Đó là những người tự nguyện tham gia vào các đội PCD cộng đồng, các chốt bảo vệ an ninh trật tự... Trong số đó có rất nhiều người đã bị nhiễm Covid-19 và một số người đã vĩnh viễn ra đi.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc người dân cần giúp đỡ về y tế, đời sống liên hệ với chính quyền có lúc rất khó khăn, khi liên hệ được thì sự giúp đỡ chưa kịp thời; tiến hành truy vết, khoanh vùng dập dịch còn chậm; ý thức PCD của không ít người dân chưa cao, còn biểu hiện chủ quan khi ra đường không đeo khẩu trang, đi lại tự do, thậm chí không chấp hành hoặc chống đối lực lượng PCD.
Bệnh viện dã chiến và cuộc chiến giành sự sống
Ngay từ khi xuất hiện các ổ dịch Covid-19 cuối năm 2019, đầu năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến để điều trị cho F0. Khi ấy, các bệnh viện dã chiến chủ yếu là xây dựng tại trung tâm y tế, bệnh viện cấp quận, huyện mà thôi. Nhưng trong làn sóng dịch thứ 4, việc xây dựng các bệnh viện dã chiến đã được địa phương triển khai rộng khắp ở các trường học, trung tâm thương mại, doanh trại quân đội, khu nhà chung cư...
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, việc xây dựng các bệnh viện dã chiến là một đòi hỏi cấp bách để cứu chữa và điều trị cho các F0. Đó cũng là biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở thành phố. Trong xây dựng bệnh viện dã chiến, quân đội luôn là lực lượng tiên phong. Đặc biệt là Bệnh viện dã chiến số 14 có quy mô 4.000 giường và Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 quy mô 600 giường trên địa bàn quận Tân Phú, được hoàn thành chỉ hơn 10 ngày thi công. Bệnh viện dã chiến số 3, quy mô hơn 5.000 giường (trong đó có khu hồi sức cấp cứu) tại TP Thủ Đức, hoàn thành sau hai tuần. Hay Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và vừa, quy mô 500 giường thuộc Bệnh viện Quân y 175 được triển khai thành lập trong vòng 24 giờ; Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G do Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đảm nhiệm... Đến hết tháng 9-2021, TP Hồ Chí Minh đã có hàng chục bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được thành lập và đưa vào sử dụng.
Tỉnh Bình Dương cũng khẩn trương xây dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho các F0 từ rất sớm. Với sự tham gia tích cực của Tổng công ty Becamex IDC, Bệnh viện dã chiến số 1 (quy mô 1.500 giường) đã đi vào hoạt động chỉ sau 5 ngày thi công; Bệnh viện điều trị F0 Thới Hòa (quy mô hơn 6.000 giường) và mở rộng khu B, khu C (quy mô hơn 7.000 giường) hoàn thành sau hơn 10 ngày thi công; Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 Bình Dương rất hiện đại (đặt trong Bệnh viện Quốc tế Becamex), quy mô 437 giường cũng đi vào hoạt động sau một tuần thi công... Tại các tỉnh Long An, Đồng Nai, các bệnh viện dã chiến điều trị cho F0 cũng được hình thành một cách nhanh chóng. Riêng lực lượng quân đội đã thành lập được 12 bệnh viện dã chiến để điều trị cho các F0 tại 4 tỉnh, thành phố. Đây là một sự cố gắng rất lớn, thể hiện tinh thần "vì nhân dân phục vụ" của Bộ đội Cụ Hồ.
Dù hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng các bệnh viện điều trị F0 tại các địa phương phía Nam đã hoạt động hơn 100%, thậm chí là gần 200% so với năng lực của mình. Những cố gắng đó giúp cho hàng nghìn bệnh nhân F0 khỏi bệnh được xuất viện mỗi ngày. Từ giữa tháng 9 đến nay, số bệnh nhân xuất viện đều lớn hơn số bệnh nhân nhập viện. Hiện nay, nhiều bệnh viện dã chiến có số giường trống rất nhiều, đang được thu hẹp và giải thể khi đủ điều kiện.
Mặc dù có nhiều cố gắng trong điều trị, nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khá lớn (4,2% ở TP Hồ Chí Minh). Một số F0 chưa được cấp cứu kịp thời do thiếu lực lượng và quá tải ở bệnh viện, nhiều bệnh nhân cần tư vấn, cấp cứu tại nhà nhưng thiếu nhân viên y tế... Đây là bài học sâu sắc để chúng ta điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong các tình huống tương tự.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: PHI HÙNG - HÙNG KHOA
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ