Việc thực hiện mục tiêu kép đã có hiệu quả rõ rệt trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vật chất để TP thực hiện thắng lợi cuộc chiến tổng lực chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong “15 ngày vàng” cách ly xã hội...
Doanh nghiệp tận dụng thời cơ bứt phá như thế nào?
Để có câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này phải cần đến một cuộc khảo sát, đánh giá mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp. Trong phạm vi loạt bài này, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chỉ tìm hiểu tình hình thực tế tại một số doanh nghiệp, nhằm làm sáng rõ vài góc nhìn cận cảnh của giải pháp linh hoạt, “ứng vạn biến” trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink có trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, là doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường số hóa. Khi TP thực hiện cách ly xã hội, công ty vẫn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển từ làm việc trực tiếp sang làm việc online. Dự báo, nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình giao dịch trực tiếp sang trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Atalink đã thực hiện kế hoạch đầu tư mạnh mẽ mạng lưới công nghệ hiện đại. Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Atalink cho biết: "Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tạo nên bước chuyển đổi sâu sắc và toàn diện đối với đời sống xã hội, nhất là ở đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Phương thức làm việc, giao dịch truyền thống bị thu hẹp. Nhu cầu chuyển đổi số, giao dịch online tăng mạnh và trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Atalink đã tận dụng cơ hội này tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, vừa phát triển kinh doanh vừa đầu tư nhân lực, công nghệ để bứt phá vượt lên. Kết quả là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Atalink đã tăng thị phần, quy mô, số lượng khách hàng lên 30% so với thời điểm chưa có dịch".
 |
Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink đã tận dụng thời cơ, bứt phá vượt lên mạnh mẽ, bất chấp đại dịch Covid-19 (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: QUANG HUY |
Cũng là doanh nghiệp chuyên về công nghệ chuyển đổi số, cung cấp các giải pháp cho các nhà máy số, nhưng thị trường chính của Công ty Hitachi Systems Việt Nam (văn phòng tại phường Bến Nghé, quận 1), là các khách hàng từ Nhật Bản. Tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 ở đất nước mặt trời mọc khiến doanh nghiệp này mất đến hơn 80% thị phần và doanh thu từ khách hàng truyền thống. Vậy nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Hitachi System Việt Nam đã thực hiện cú “bẻ lái” ngoạn mục, hướng mạnh đến thị trường trong nước, trong đó đầu tư công nghệ giáo dục là trọng tâm.
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Hitachi System Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hướng mạnh về đối tượng khách hàng là các trường học, cơ sở giáo dục đại học trong nước, bởi tác động của đại dịch Covid-19 khiến phương thức giáo dục có sự thay đổi căn bản, từ dạy học trực tiếp sang dạy học online. Chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu về công nghệ, số hóa. Mỗi dự án, chúng tôi xây dựng một phòng thí nghiệm liên quan đến nhà máy số, giúp đơn vị giáo dục hiện đại hóa công nghệ số. Nhờ đẩy mạnh phân khúc này, chúng tôi không chỉ phủ kín “mảng trắng” khách hàng truyền thống mà còn mở rộng các “khoảng xanh” trên biểu đồ kinh doanh. Doanh thu, lợi nhuận tăng cao hơn nhiều so với trước đây".
Đó là những dẫn chứng về sự linh hoạt, tận dụng thời cơ, biến thách thức thành cơ hội để phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những đặc thù của cộng đồng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh là có hệ thống hội, hiệp hội hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Ông Nguyễn Phi Dần, Chủ tịch Tập đoàn Quang Phúc (Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm: "Đại dịch Covid-19 khiến nhiều phân khúc thị trường trong lĩnh vực xây dựng, san lấp mặt bằng bị thu hẹp. Mấy anh em doanh nghiệp đồng hương chúng tôi vượt khó bằng cách hợp tác thành lập nhà máy sản xuất bê tông nhựa nóng để cung ứng sản phẩm mới. Nhờ đó, chuỗi sản xuất, kinh doanh vẫn giữ vững sự ổn định".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn cao điểm tổng lực chống dịch, để duy trì mục tiêu kép, những ngành, lĩnh vực, phân khúc... không hoặc ít chịu tác động bởi dịch bệnh đã linh hoạt tận dụng thời cơ để thích nghi và phát triển với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: Bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, nhưng ở nhiều phân khúc vẫn bảo đảm tăng trưởng. “HoREA khuyến cáo các doanh nghiệp bất động sản quan tâm nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá rẻ, hướng mạnh vào đối tượng khách hàng trẻ, khách hàng thu nhập thấp. Giải pháp này giúp nhiều doanh nghiệp và phân khúc thị trường bất động sản vượt khó thành công, duy trì tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021”, ông Châu nhấn mạnh.
Nhờ sự linh hoạt trong vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh nên hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực không những vượt khó thành công mà còn mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động, nâng tầm thương hiệu. Cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần hết sức quan trọng giúp TP giữ vững tiềm lực vật chất, thực hiện tổng lực chống dịch Covid-19 theo mục tiêu kép.
Những mảng sáng của mục tiêu kép
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư, khởi nghiệp. Bất chấp tác động mạnh của đại dịch Covid-19, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong những tháng đầu năm 2021, TP có gần 11.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ năm 2020.
Đó là những mảng sáng về hiệu quả thực hiện mục tiêu kép trong bức tranh kinh tế của TP trong thời điểm dịch bệnh. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) nhận định: Sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, nó chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực, phân khúc nhất định, điển hình là các lĩnh vực vận tải, nhất là vận tải hàng không, du lịch, nhà hàng... chứ không phải trên tất cả các lĩnh vực. Để có đánh giá khách quan, chúng ta phải định lượng được những lĩnh vực bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế? Thực tế cho thấy, khó khăn của lĩnh vực này lại là cơ hội của lĩnh vực khác. Trong thực hiện mục tiêu kép, phải rất linh hoạt các giải pháp để “giải cứu” các lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu và quan trọng nhất là tạo điều kiện, môi trường cho các ngành, các lĩnh vực có lợi thế bứt phá vượt lên, nhằm giữ vững và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, không để đứt gãy chuỗi phát triển kinh tế.
Cùng với những điểm sáng về kinh tế, các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được TP quan tâm, thực hiện hiệu quả. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 134.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch và tạo thêm hơn 61.000 việc làm mới cho người lao động trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện thực ấy là những bằng chứng sinh động chứng minh, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng bức tranh kinh tế-xã hội ở TP Hồ Chí Minh không u ám, “sập nguồn”, “chết”... như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. TP vẫn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong cao điểm thực hiện cuộc chiến tổng lực với tinh thần “Dành những gì tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh chống dịch”, sự thành bại của “15 ngày vàng” cách ly xã hội có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả chuỗi sản xuất, kinh doanh của kinh tế TP Hồ Chí Minh và cả nước. Chính vì vậy, mỗi người dân, doanh nghiệp cần có ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ủng hộ, đồng hành với TP khống chế bằng được dịch bệnh.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Một số lĩnh vực giữ vững tăng trưởng, nhất là công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; khu vực dịch vụ tăng 5,86%. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, kiều hối về địa bàn TP đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái. |
(Còn nữa)
TÙNG SƠN - HUY VÕ