Phóng viên Báo Quân đội nhân dân gặp và chứng kiến các thầy thuốc quân đội phối hợp với lực lượng y tế địa phương và các bệnh viện nỗ lực "chiến đấu" với dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân...
Hết mình phục vụ nhân dân
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới chốt được cuộc gặp vào lúc 5 giờ sáng với Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Lớp chuyên khoa 1, Hệ 1, Học viện Quân y (HVQY). Cùng đồng đội vào hỗ trợ tỉnh Trà Vinh PCD Covid-19, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn trực tiếp làm việc tại Tổ y tế lưu động huyện Trà Cú. Đến trước 15 phút nhưng chúng tôi chưa kịp trao đổi gì thì chuông điện thoại của anh reo liên hồi. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn vừa nhẹ nhàng hỏi chuyện, vừa động viên và hướng dẫn tỉ mỉ cách xử trí, chăm sóc người bệnh. Cứ hết người này rồi lại đến người khác, anh không chỉ hướng dẫn mà còn nhận các cuộc điện thoại báo lại kết quả...
    |
 |
Thầy thuốc quân y tham gia chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. |
“Có người thân nhiễm bệnh ai mà không lo. Cứ nghe người thân là F0 nói khó thở, sờ đầu thấy ấm nóng là vội gọi điện cho tổ y tế đề nghị cấp cứu. Vì vậy, việc đầu tiên chúng tôi phải trấn an và hướng dẫn bà con đo lượng oxy, đo nhiệt độ để biết chính xác các chỉ số của bệnh nhân, làm cơ sở xử trí phù hợp”, anh Tuấn mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Thấy đôi mắt bác sĩ Tuấn thâm quầng, tôi tỏ ý chia sẻ thì anh cho biết, đêm nào cũng phải nói chuyện điện thoại, nhắn tin phản hồi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bất kể giờ giấc. Có hôm, liên tục vài ca F0 đang điều trị tại nhà thì trở nặng; nhận được điện thoại là tổ y tế lại cấp tốc lên đường.
“Đây là lần thứ hai tôi được tăng cường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Đợt trước, tôi vào TP Hồ Chí Minh thì vợ sinh con đầu lòng. Nay con hơn 2 tháng tuổi, tôi chưa được gặp thì lại tiếp tục vào Trà Vinh. Dù thương nhớ vợ con nhưng trong lúc nhân dân rất cần sự hỗ trợ của y tế, mình phải tạm gác lại, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, anh Tuấn bộc bạch.
Cũng như anh Tuấn, vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thượng úy, bác sĩ Tạ Vũ Tòng (Lớp chuyên khoa 1, Hệ 1, HVQY) lại tình nguyện vào “điểm nóng” TP Cần Thơ. Được phân công làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ-một trong những cơ sở tuyến cuối điều trị bệnh nhân vừa và nặng của thành phố-bác sĩ Tòng cùng đồng nghiệp luôn nỗ lực cứu chữa người bệnh. Anh chia sẻ: “Bệnh nhân Covid-19 vào đây phần nhiều là những ca nặng, phải thở máy nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Đây cũng là trải nghiệm đáng nhớ và tôi cũng học hỏi, có thêm nhiều kinh nghiệm”.
“Chia lửa” ở tuyến đầu
Bước vào Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng ho khan. Nơi đây, các thầy thuốc luôn phải căng mình "chiến đấu" để giành giật sự sống cho mỗi bệnh nhân. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến các thầy thuốc mặc bộ đồ phòng dịch kín mít thay nhau ép tim ngoài lồng ngực cho một bệnh nhân, mồ hôi rớt nhòe phía trong kính bảo hộ. Đầu giường, chiếc máy thở nháy đèn đỏ liên tục, tiếng bíp bíp dồn dập... căng thẳng đến nghẹt thở.
    |
 |
Bác sĩ quân y thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. |
Hết ca trực, Đại úy, bác sĩ Phùng Tiến Giang từ Bệnh viện Quân y 354 ở Hà Nội vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi lần cứu được bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch, chúng tôi rất vui. Đó là hạnh phúc lớn nhất của những người làm nghề y”.
Vừa thoát khỏi “cửa tử” sau 10 ngày "chiến đấu" với Covid-19, ông Nguyễn Hồng Dân trú ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bộc bạch: “Do có bệnh nền nên diễn biến bệnh của tôi nhanh trở nặng. Tôi đã nghĩ có thể mình sẽ không còn cơ hội ngồi dậy nữa... Tôi vô cùng cảm ơn sự tận tình chữa trị, chăm sóc chu đáo của các thầy thuốc ở đây”.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: "Là một trong những cơ sở điều trị tuyến cuối cho bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa, bệnh viện đã triển khai thực hiện tất cả biện pháp bảo hộ an toàn, nhưng đội ngũ thầy thuốc vẫn luôn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là không tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi vì phải làm việc liên tục với cường độ cao.
Sự chi viện, hỗ trợ kịp thời của các thầy thuốc quân y không chỉ giúp chia sẻ sự vất vả mà còn tạo niềm tin, tiếp thêm động lực rất lớn để cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện vượt qua thử thách. Gần một tháng nay, 8 bác sĩ và 16 điều dưỡng được Bộ Quốc phòng điều động về đây đã cùng chúng tôi nỗ lực ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh".
Được gặp và chứng kiến các thầy thuốc quân y đang tham gia hỗ trợ các địa phương miền Tây Nam Bộ PCD Covid-19, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần trách nhiệm của mỗi người. Thượng tá Đinh Xuân Nam, Trưởng đoàn quân y tăng cường tại TP Cần Thơ cho biết: “Mỗi y sĩ, bác sĩ được tăng cường vào tuyến đầu chống dịch đều xác định tốt nhiệm vụ. Chúng tôi tự hào vì được góp một phần công sức bảo vệ sức khỏe cho đồng bào miền Nam”.
Theo thông tin từ Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng: Tính đến sáng 7-1-2022, ngành quân y đang triển khai 2.132 cán bộ, nhân viên hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam PCD.
Trong đó, 415 cán bộ, nhân viên quân y từ HVQY và các bệnh viện quân y phía Bắc; còn lại là lực lượng quân y tại chỗ thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5. Lực lượng quân y tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện và thành lập hơn 250 tổ quân y cơ động hỗ trợ PCD tại các địa bàn...
Các tổ quân y cơ động tại Quân khu 9 hoạt động chủ yếu ở TP Cần Thơ và các tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, An Giang, đang quản lý 1.443 ca F0; đã điều trị khỏi 13.366 ca; cấp thuốc điều trị cho 13.634 người; cấp cứu 949 ca; lấy mẫu xét nghiệm cho 34.151 người; tiêm được 32.513 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng; tư vấn sức khỏe cho 19.644 người...
|
Bài và ảnh: THÚY AN - VĂN CHIỂN