Mong những điều giản dị

Mới đến tỉnh Bình Dương nửa tháng mà Trung úy, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Trạm Y tế lưu động (YTLĐ) phường An Phú, TP Thuận An đã cảm thấy thân quen với cảnh vật và con người nơi đây. Trước đây nghe kể hay xem hình ảnh trên ti vi, Hoàng chỉ biết Bình Dương là vùng đất đầy nắng, yên bình, tươi đẹp và đang phát triển rất mạnh mẽ. Nay tiếp xúc với lãnh đạo địa phương và người dân, anh cảm thấy gần gũi và thân thiết biết nhường nào. Những cô gái Nam Bộ có giọng nói nhẹ như gió, ánh mắt, nụ cười tươi như hoa khiến ai cũng cảm mến. Rồi những người chú, người thím, người anh suốt ngày cứ lo các bác sĩ quân y không ăn được đồ miền Nam, ngủ ít và nhớ gia đình. Tất cả đã làm rung động con tim chiến sĩ một tình cảm thân thương đến lạ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng xúc động: “Chúng tôi rất vui và cảm động khi sáng sáng các chị hay gọi: Mấy em à! Tối qua ngủ có ngon không? Sáng nay có hủ tiếu Nam Vang đó nha. Nhớ ăn hết để còn đi thăm bịnh cho bà con. Đó chính là động lực để chúng tôi càng quyết tâm và cố gắng giúp đỡ người dân được nhiều hơn nữa”. 

Các y bác sĩ tại Trạm y tế lưu động phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các phần thuốc để đi phát cho F0 điều trị tại nhà.

Là người con của TP Hồ Chí Minh, Trung úy, bác sĩ Lê Hoài Vĩnh, Trạm YTLĐ số 1 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, rất tâm trạng khi cùng lực lượng HVQY trở về thành phố. Đâu rồi những con đường tấp nập người, xe? Đâu rồi những con phố không ngủ? Giờ đây, khung cảnh vắng vẻ, lặng thầm, nhiều nơi giăng dây phong tỏa đang đè nặng lên tâm can của anh cũng như đồng đội. Ngày chưa có dịch, vùng Bình Chánh nhộn nhịp, đông vui lắm. Ở đây hội tụ người dân của các vùng miền trong cả nước, họ chọn Bình Chánh làm nơi trú ngụ để mưu sinh, nhất là bà con miền Tây Nam Bộ. Nhưng giờ đây, các cụm dân cư xuất hiện nhiều ca F0, bao nhiêu người đã phải về quê để tránh dịch. Bác sĩ Lê Hoài Vĩnh bùi ngùi: “Nhìn thấy quê hương chìm trong dịch bệnh, tôi như đứt từng khúc ruột. Khi được trở về TP Hồ Chí Minh tham gia PCD, được nghe, thấy, tiếp xúc trực tiếp ở địa bàn cơ sở mới thấy sự vất vả của lực lượng y tế và đội ngũ trên tuyến đầu. Mong sao dịch bệnh được khống chế nhanh để thành phố lại đông vui và phát triển trở lại”.  

Những ngày được đi cùng các cán bộ, giảng viên, học viên HVQY PCD trên các địa bàn, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm mà các chiến sĩ quân y dành cho vùng đất phương Nam. Bạn Tống Thị Kim Hạnh, học viên năm thứ tư chuyên ngành bác sĩ đa khoa, quê ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, đã không cầm được nước mắt khi thấy nhiều gia đình ở Bình Dương phải ly tán do dịch bệnh. Nhiều học viên HVQY rất xúc động khi xuống địa bàn dân cư được người dân gọi bằng những từ thân thương “bác sĩ quân y”. Người bệnh đa số chủ động hỏi thăm trước: “Hôm nay bác đi khám nhiều không?”, “Cháu vào miền Nam ăn uống có quen không? Chắc mọi người ngủ ít lắm?”. Nhiều buổi đi khám và phát thuốc về trạm, anh chị em thấy có các cô chú đứng ở cổng vẫy tay, tưởng có việc nhờ tư vấn y tế, hóa ra cô chú gửi tặng chè, trái cây...

Các bác sĩ quân y Trạm y tế lưu động phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh thăm khám F0 tại nhà.  

Niềm tin chiến thắng

Ngày 23-8, gặp gỡ, động viên giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ, y, bác sĩ và học viên HVQY vào tăng cường cho miền Nam chống dịch, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 là một trận chiến mới... Đội ngũ thầy thuốc quân y sẽ cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân... Chúc các đồng chí sức khỏe và thành công, sớm chiến thắng trở về an toàn tuyệt đối”. Đó không chỉ là lời động viên sâu sắc đến các thầy thuốc quân đội mà còn là mệnh lệnh, quyết tâm sắt đá của Quân đội nhân dân trong nhiệm vụ tham gia PCD Covid-19 ở các tỉnh phía Nam. Quyết tâm ấy đã lan tỏa tới mọi cán bộ, chiến sĩ đang “chiến đấu” trong tâm dịch, trở thành động lực mạnh mẽ để chiến thắng dịch bệnh.

Đến với những vùng tâm dịch, chứng kiến hình ảnh các thầy thuốc quân đội không chỉ thăm khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh nhân khác mà còn luôn động viên, chia sẻ mọi công việc với chính quyền, các đồng nghiệp và người dân. Những thầy thuốc quân đội không quản khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, đi từng ngõ hẻm, ở đâu có bệnh nhân cần, ở đó có bác sĩ quân y. Điều này đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp, sâu đậm với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương.

Được gần dân, giúp đỡ dân là một điều hạnh phúc. Nhưng các y, bác sĩ, học viên HVQY cũng băn khoăn, trăn trở và đau lòng khi có những lúc không thể giành lại sự sống cho người bệnh. Khi đưa lực lượng cán bộ, y, bác sĩ của HVQY vào miền Nam, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY đã nói: “Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh. Đó chính là tình thương “lương y như từ mẫu” như Bác Hồ đã dạy”. Lời nói của vị tướng ngành y đang được các học trò thực hiện rất hiệu quả trong các tâm dịch. 

Hiện nay là thời điểm mà người dân TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các vùng dịch Nam Bộ rất cần đến lực lượng y tế. Các y, bác sĩ, học viên của HVQY tiếp tục thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cũng ở, cùng làm việc với địa phương) để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân Covid-19 và người dân. Mong muốn cháy bỏng nhất của mọi người là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương sẽ mau chóng kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh, cuộc sống sẽ trở lại với những hoạt động bình thường mới. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của tất cả chúng ta.

Bài và ảnh: HÙNG - CƯỜNG - KHOA

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ