Bình tĩnh xử lý F0
Thiếu tá, bác sĩ Vũ Tiến Vũ vừa trở về sau các lần thăm khám cho F0 thì lại có cuộc điện thoại cấp cứu. Uống vội ngụm nước, người Tổ trưởng Tổ Quân y cơ động số 88 của HVQY tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cùng Trung sĩ Trần Đức Nghĩa nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị túi thuốc và ôm bình oxy lên đường đến nhà một F0. Được một chiến sĩ dân quân dẫn đường, anh em len lỏi qua nhiều ngõ ngách mới đến được căn nhà nhỏ hẹp, tối om ở số 33/10A, đường Tứ Hải, phường 6.
Nhẹ nhàng gọi điện thoại để xác nhận thông tin, Thiếu tá Vũ Tiến Vũ mời bệnh nhân tiến ra cửa để thăm khám. Bệnh nhân Đoàn Quốc Tuấn (sinh năm 1997) bước uể oải ra ngoài với sắc mặt nhợt nhạt và có biểu hiện mất sức ở cơ tay, cơ chân. Bác sĩ Vũ nhanh chóng đo nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân thì cho kết quả chỉ số SpO2 khá thấp. Qua quan sát, thăm hỏi, anh Vũ nhận thấy bệnh nhân do quá lo sợ và không ăn, không uống dẫn đến sức khỏe suy kiệt nên động viên bệnh nhân ăn phần cháo đã chuẩn bị và ngồi nghỉ ngơi. Một lát sau, chỉ số SpO2 của bệnh nhân tăng trở lại và không cần can thiệp thở oxy. Bác sĩ Vũ tư vấn cho người bệnh uống thuốc, chế độ dinh dưỡng và dặn dò nếu có biểu hiện về sức khỏe thì liên hệ ngay cho các bác sĩ của trạm YTLĐ.
 |
Bác sĩ Học viện Quân y mang bình oxy đi cấp cứu bệnh nhân Covid-19 ở phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. |
Chuẩn bị rời nhà bệnh nhân Tuấn thì Thiếu tá Vũ Tiến Vũ nhận thông báo một F0 thăm khám buổi sáng đang có triệu chứng đau bụng. Các anh tiếp tục cơ động nhanh đến căn nhà số 32, đường Đại Nghĩa, phường 6 để thăm khám. Di chuyển liên tục, thăm khám nhiều F0 với các biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng Vũ vừa bình tĩnh xử lý, tận tình hướng dẫn, hỗ trợ F0, vừa truyền kinh nghiệm cho học viên đi cùng. Hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ tại Trạm YTLĐ số 1, phường 6, bác sĩ Vũ Tiến Vũ cùng hai học viên năm thứ 5 ngành bác sĩ đa khoa không nhớ hết có bao nhiêu lượt cơ động đi thăm khám, cấp cứu cho bệnh nhân. Anh tâm sự: “Đối mặt với các F0 thì ai cũng có chút lo lắng, nhưng bản thân chúng tôi là bộ đội, là thầy thuốc thì không được phép sợ, bởi lúc này người bệnh rất cần được chăm sóc y tế”.
Khi chúng tôi đến trạm YTLĐ ở hai phường An Phú và Bình Hòa của TP Thuận An (Bình Dương) cũng chứng kiến không khí làm việc tất bật, khẩn trương của các bác sĩ, học viên HVQY. Lúc này, hai Tổ Quân y cơ động số 7 và 8 của HVQY được bố trí cùng địa điểm ở phường An Phú nên các thành viên đã phân công, hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ. Trung úy, bác sĩ Vũ Thị Trúc Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Quân y cơ động số 8 cho biết: “Ngay khi đặt ba lô đến Bình Dương, nhanh chóng ổn định chỗ ở, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc, cùng y tế địa phương trực tiếp đi thăm khám, điều trị cho F0, tư vấn qua điện thoại, hỗ trợ các công việc lấy mẫu, xét nghiệm”.
Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng khi bác sĩ Quỳnh nhận được điện thoại của F0 nhờ tư vấn. Kết thúc tư vấn qua điện thoại, bác sĩ Quỳnh quyết định trực tiếp đến khu nhà trọ có F0 để thăm khám cụ thể hơn. Khu này có hơn 80 phòng, nhưng khoảng 70 phòng đã xuất hiện F0. Một số F0 chuyển nặng đã được đưa đến các bệnh viện điều trị. Trung úy Vũ Thị Trúc Quỳnh ân cần đến từng phòng, hỏi thăm tình trạng sức khỏe, tư vấn cho các F0 và người thân phương pháp nâng cao sức đề kháng, sử dụng thuốc. Ông Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1963), ngụ tại khu trọ, cho biết: “Tôi sống ở đây với vợ và một đứa cháu đều bị mắc Covid-19. Vợ tôi vừa qua đời. Sau thời gian điều trị tại nhà, tôi và đứa cháu có kết quả xét nghiệm nhanh lần đầu là âm tính. Có các bác sĩ quân y đến tận nhà để thăm khám, điều trị và nhiệt tình tư vấn qua điện thoại, chúng tôi cảm động và biết ơn lắm”. Phường An Phú là địa bàn có số lượng F0 cao, đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng” để phòng, chống dịch, nhưng tỷ lệ F0 chuyển biến nặng chỉ chiếm từ 5 đến 10%. Ngoài tư vấn qua điện thoại cho các trường hợp F0 có triệu chứng, bác sĩ và học viên của HVQY còn trực tiếp đến thăm khám, kịp thời phát hiện tình trạng diễn biến nặng của bệnh nhân để có chỉ định cấp cứu hoặc chuyển lên tuyến trên.
Vừa chữa bệnh, vừa động viên
Nhận được điện thoại yêu cầu cấp cứu trường hợp nam bệnh nhân ngoài 70 tuổi có triệu chứng khó thở, ca trực đêm của Tổ Quân y cơ động số 97 (HVQY) tại Trạm YTLĐ số 2, phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh lập tức lên đường. Sau khi tổ quân y xử lý và hướng dẫn một số động tác thể dục, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định trở lại. Các bác sĩ phát thêm thuốc, không quên dặn người nhà liên lạc ngay với trạm khi người bệnh có triệu chứng khác thường. Trước khi ra về, Thiếu tá, bác sĩ Tạ Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ Quân y cơ động số 97 động viện bệnh nhân: “Ông yên tâm nhé! Chúng cháu ở rất gần gia đình. Ông có vấn đề gì là chúng cháu đến ngay”.
 |
Tổ quân y của Học viện Quân y thuộc Trạm Y tế lưu động phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đến nhà khám bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân Covid-19. |
Những ngày qua, anh Mạnh cùng hai học viên năm thứ 5 của HVQY thay phiên nhau tư vấn, hỗ trợ hơn 200 F0 qua điện thoại và nhóm zalo... ghi lại cẩn thận thông tin các ca bệnh đang điều trị tại nhà. Các anh còn phân công từng thành viên phụ trách các F0 cụ thể để thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc và điều trị.
Chứng kiến sự nhiệt tình, trách nhiệm của các chiến sĩ quân y, bác sĩ Tôn Nữ Huyền Trang, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 7, quận Gò Vấp cảm kích: “Các bác sĩ quân y làm việc rất chuyên nghiệp, chuyên môn vững, tận tâm, với sức bền, sự kiên trì cao. Từ ngày có các anh tăng cường cho phường, nhiều ca F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh vì được chăm sóc, tư vấn kịp thời. Người dân nghe lực lượng quân y đến điều trị bệnh, ai cũng phấn khởi. Các anh xứng đáng là điểm tựa vững chắc để bệnh nhân chiến thắng bệnh tật”.
Tại các trạm YTLĐ có lực lượng của HVQY tham gia, công việc đều khẩn trương, tất bật. Giờ giấc ăn, ngủ, sinh hoạt của các chiến sĩ quân y luôn bị đảo lộn bởi công việc cấp cứu, thăm khám và tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ quân y nơi tuyến đầu vẫn luôn nỗ lực hết mình vì tính mạng của nhân dân. Sự có mặt của các y, bác sĩ HVQY đã tạo sự tin tưởng, là động lực tinh thần mạnh mẽ giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, yên tâm điều trị, chiến thắng bệnh tật.
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 400 trạm YTLĐ đã và đang hoạt động hiệu quả. Các trạm được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, bình oxy nhỏ để mang đến nhà người bệnh, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác. |
(còn nữa)
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ
Bài và ảnh: HÙNG - CƯỜNG - KHOA