Cấp tốc cơ động vào tâm dịch

Từ chiều 21-8-2021, hơn 350 cán bộ, giảng viên, học viên HVQY trong đợt xuất quân đầu tiên đã đặt chân đến TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 23-8, một lực lượng hùng hậu với gần 1.100 người của HVQY đã cấp tốc vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch. Trong đội hình tăng cường của HVQY, nhiều học viên ngành bác sĩ đa khoa đang học năm thứ 4, thứ 5 và năm cuối của khóa học đã xung phong vào tâm dịch.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận, Phó chính ủy HVQY nói rằng: “Ngay sau khi nhận lệnh của Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã khẩn trương tổ chức lực lượng đưa vào miền Nam để chung sức với đồng chí, đồng bào khống chế dịch Covid-19. Vừa đặt chân đến địa bàn, cán bộ, học viên của học viện đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Nhờ chuẩn bị kỹ kế hoạch nên các bộ phận nhanh chóng nắm bắt tình hình dịch bệnh, tình hình địa bàn, hòa nhập ngay vào trạng thái khẩn trương dập dịch, cứu người ở các địa phương. Lực lượng HVQY không chỉ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại địa phương, mà còn hỗ trợ điều trị cho những người có bệnh nền, tư vấn cho các F0...”.

 Lãnh đạo phường 7, quận Gò Vấp thăm hỏi các bác sĩ quân y tại trạm y tế lưu động. 

Lực lượng quân y đã nhanh chóng hình thành các tổ quân y cơ động bổ sung ngày vào các trạm y tế lưu động đã thành lập trước đó. Thượng sĩ Nguyễn Văn Tú (học viên năm cuối) được giao phụ trách Tổ quân y cơ động số 268 của HVQY, làm việc tại Trạm y tế lưu động (YTLĐ) số 2, phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Tú được vào miền Nam, anh và các đồng đội đã viết đơn tình nguyện lên đường chống dịch. Tú cùng đồng đội được học viện tạo điều kiện thi trước một số môn tốt nghiệp, còn lại khi trở về sẽ thi sau. Cùng công tác tại Trạm YTLĐ số 2 với Tú, Thượng sĩ Đỗ Thu Nga (học viên năm thứ 5) chia sẻ: “Dự kiến năm sau tôi sẽ vào TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam để thực tập. Tuy nhiên, chuyến thực tập bất đắc dĩ nhưng rất bổ ích này trở nên rất ý nghĩa đối với tôi. Chúng tôi xếp lại mọi kế hoạch học tập để tập trung cho nhiệm vụ PCD”.

Đóng chốt ở các địa điểm sát với các khu dân cư có nhiều ca F0, y, bác sĩ, học viên của HVQY luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng ở chính những nơi này người dân đang cần lực lượng y tế để được chăm sóc, tư vấn sức khỏe, dịch bệnh từ cơ sở. Trên thực tế, ở trong tâm dịch cũng có những lo lắng nhất định về nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc, nhưng các học viên quân y đều chuẩn bị tinh thần và quyết tâm cao nhất. Họ xác định cho dù có thể bị nhiễm Covid-19 vẫn sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy để bảo vệ sức khỏe đồng bào.

 Binh nhất Nguyễn Văn Giang (học viên năm thứ tư) làm nhiệm vụ tại Trạm YTLĐ phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho rằng, gác việc học để vào Nam chống dịch là cơ hội thực hành lâm sàng quý giá. Các học viên HVQY sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, mang những kiến thức đã được trang bị phục vụ người dân và chống dịch hiệu quả.

Gạt mọi khó khăn, có mặt kịp thời

Những ngày đầu tháng 9, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương nắng mưa thất thường nhưng yêu cầu về cường độ, thời gian công tác PCD càng chặt chẽ hơn. Không quản vất vả, hiểm nguy, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ HVQY đã lăn lộn trong tâm dịch, cùng chính quyền và nhân dân PCD. Thượng sĩ Lê Thị Phương Thanh (học viên năm thứ 6) chia sẻ, gia đình đã rất lo lắng khi nghe tin con vào nơi tâm dịch. Nhưng với quyết tâm của Thanh, người thân đã ủng hộ. Là nữ giới, làm việc ở Trạm YTLĐ số 2, phường 6, quận Tân Bình với cường độ cao, chưa quen mang đồ bảo hộ kín mít nhiều giờ liền, lúc đầu cô bị mất sức. Có những đêm trực cấp cứu và tư vấn nhiều cho bệnh nhân, Thanh và mọi người ngủ rất ít. Ấy vậy mà các chiến sĩ quân y đã hòa nhịp nhanh với công việc. Các bạn nữ sức khỏe dẻo dai không thua kém gì các bạn nam dù lịch phải làm việc 24/7. Lê Thị Phương Thanh kể: “Có lần tụi em mang bình oxy đi cấp cứu bệnh nhân F0 trên địa bàn thì trời mưa to. May được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Người ướt sũng nước mưa nhưng chúng em đều cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Người dân phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, hỗ trợ đồ sinh hoạt cho các y, bác sĩ Học viện Quân y.

Hiện nay, phần lớn các trạm YTLĐ được địa phương triển khai dã chiến, trưng dụng cơ sở vật chất của các trường học, khu chợ, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để quan tâm chăm lo, hỗ trợ điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt nhất có thể cho lực lượng quân y. Tổ quân y ở khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP Thuận An (Bình Dương) hiện đang ăn nghỉ, sinh hoạt tại phòng của Ban quản lý chợ Bình Đáng. Đang trao đổi với chúng tôi thì nhận tin có F0 khó thở. Lập tức, bác sĩ Mai Huy Thông cùng một học viên mặc quần áo bảo bộ, xách túi thuốc lên đường. Trung úy, bác sĩ Nguyễn Chí Tâm, khoa Hồi sức cấp cứu-Bệnh viện Quân y 103 (phụ trách tổ) tâm sự: “6 bác sĩ, học viên nam nữ ở đây đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bất kể ngày đêm, khi người dân gọi điện đến cần tư vấn sức khỏe hoặc thăm khám là chúng tôi đều sẵn sàng”. Mặc dù cùng một lúc vừa tham gia hỗ trợ chuyên môn cho khu cách ly tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình đang điều trị cho gần 500 F0, vừa tư vấn sức khỏe và chăm sóc F0 triệu chứng nhẹ ở khu phố Bình Đáng, nhưng bác sĩ Chí Tâm, bác sĩ Huy Thông cùng các học viên: Nguyễn Thị Thu Mai, Tống Thị Kim Hạnh... luôn nỗ lực với tinh thần "vì nhân dân phục vụ".   

Trực tiếp kiểm tra việc chăm lo lực lượng quân y tăng cường cho địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương, Bí thư Đảng ủy phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Phường đang thực hiện điều trị F0 miễn phí tại nhà nên khối lượng công việc lớn. Cấp ủy, chính quyền địa phương rất trân trọng sự hỗ trợ từ HVQY với đội ngũ y, bác sĩ làm việc tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong điều kiện công tác PCD còn nhiều khó khăn, phường cố gắng bảo đảm tốt nhất cho các bác sĩ quân y làm việc. Mong cho dịch bệnh qua mau, để các y, bác sĩ, học viên HVQY sớm được trở lại trường”.

Gần 1.500 cán bộ, giảng viên, y bác sĩ, học viên của HVQY thành lập thành 490 tổ quân y cơ động (riêng Bình Dương là 90 tổ). Mỗi tổ bao gồm 3 thành viên triển khai cho các trạm YTLĐ của xã, phường, thị trấn ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các tổ có nhiệm vụ nắm chắc tình trạng các F0 đang điều trị tại nhà, kịp thời xử lý mọi tình huống trong cấp cứu, điều trị, vận chuyển bệnh nhân...

(còn nữa)

Bài và ảnh: HÙNG - CƯỜNG - KHOA