Tích cực gạn lọc ca nhiễm

Theo chân các tổ quân y cơ động của HVQY len lỏi trên từng con hẻm nhỏ, đến những địa bàn “vùng đỏ” của TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm cả ngày dài mới thấu hiểu nỗi vất vả, hiểm nguy của lực lượng y tế. Thời gian qua, thực hiện chiến lược xét nghiệm sàng lọc để phát hiện người mắc Covid-19 (F0) trong cộng đồng, nhiều mẫu test nhanh đã phát hiện ra những ca dương tính. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số lượng F0 cần thăm khám, chăm sóc, cấp cứu nhiều hơn. Các trạm y tế lưu động (YTLĐ) có sự tham gia của lực lượng quân y cũng hoạt động 24/24 giờ.

Lực lượng quân y tham gia cùng địa phương lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại phường 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh. 

Tổ trưởng Tổ quân y cơ động số 65 của HVQY thuộc Trạm YTLĐ số 1, do Trung úy, bác sĩ Lê Hoài Vĩnh phụ trách. Địa bàn hoạt động của tổ tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) khá rộng lớn. Nhưng ngay trong những ngày đầu tiên có mặt tại đây, các thành viên trong tổ đã trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, cùng địa phương sớm khoanh vùng, chia theo các cấp độ “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, “vùng xanh” để có biện pháp PCD sát, đúng. Thời gian chúng tôi đến xã Bình Hưng cũng là lúc các chiến sĩ quân y đang lấy mẫu xét nghiệm cho bà con tại một khu nhà lá. Theo như báo cáo của bác sĩ Lê Hoài Vĩnh, địa bàn có số người nhiễm rất cao. Thực hiện xét nghiệm nhanh từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút cho gần 200 người mà có tới gần 70 ca dương tính, để xét nghiệm hết số người tại cụm dân cư này, các chiến sĩ quân y phải làm tới chiều. Nóng bức trong bộ đồ bảo hộ, bữa trưa chắc cũng phải đến giữa chiều mới được ăn nhưng các thầy thuốc quân đội vẫn không quản vất vả.

Nhìn các chiến sĩ quân y lấy mẫu cho bà con, bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh rất cảm kích. Huyện Bình Chánh trải rộng suốt từ phía đông sang giáp phía tây thành phố, nếu chỉ có lực lượng y tế địa phương thì không thể lấy mẫu xét nghiệm diện rộng được. Với 15 trạm YTLĐ có các y, bác sĩ của HVQY, địa phương đã nâng tiến độ và số lượng xét nghiệm lên rất nhiều. Bác sĩ Phạm Văn Tuấn chia sẻ: “Đội ngũ y tế của HVQY đã tiếp sức cho chúng tôi rất nhiều. Anh chị em không quản ngại khó khăn, đến từng thôn ấp để lấy mẫu xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe cho bà con”.

Khi chúng tôi đến Trạm YTLĐ phường Bình Hòa (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), Trung úy, bác sĩ Nguyễn Chí Tâm, Tổ trưởng Tổ quân y cơ động số 5 của HVQY đang chuẩn bị những túi thuốc để đi phát cho các F0 trên địa bàn trạm phụ trách. Một số anh chị em khác cũng vừa đi lấy mẫu xét nghiệm ở khu dân cư về. Phường Bình Hòa đang là "vùng đỏ", đang thực hiện biện pháp “khóa chặt, đông cứng” để PCD. Riêng khu phố Bình Đáng, nơi trạm đứng chân cũng có số ca F0 cao. Vì thế, công việc của các chiến sĩ quân y cũng vất vả, gian truân hơn. Những ngày qua, anh em trong tổ không chỉ đến từng ngõ, hẻm, nhà F0 để thăm khám, phát thuốc mà còn tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong các khu dân cư, nhất là khu nhà trọ có nhiều công nhân. Học viên Nguyễn Thị Thu Mai nói rằng: “Chúng em làm đủ mọi việc, nhiều khi quên cả bữa. Nhưng được chính quyền địa phương và bà con tin yêu, ai cũng thấy hạnh phúc”.

Đa năng trong phòng dịch

Từ ngày có mặt tại Trạm YTLĐ số 9A, phường 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ quân y cơ động số 33 của HVQY đảm nhiệm nhiều công việc, từ cấp phát thuốc, điều trị F0 tại nhà, nghe điện thoại tư vấn đến cấp cứu cơ động, tham gia với trạm y tế phường lấy mẫu xét nghiệm... Bác sĩ Tùng nhớ lại trường hợp cấp cứu một bệnh nhân nam hơn 60 tuổi, sống một mình do người nhà nhiễm Covid-19 đã đi cách ly tập trung. Bệnh nhân này bị nôn ra máu trong đêm nhưng không ai phát hiện, đến sáng thì người dân xung quanh mới báo tin đến trạm. Các bác sĩ quân y lập tức đến nhà bệnh nhân, làm xét nghiệm cho kết quả âm tính, đo huyết áp chỉ được 80/40mmHg và liên hệ chuyển đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nếu các anh đến chậm chút nữa, tính mạng của bệnh nhân khó có thể giữ nổi.

Lực lượng Học viện Quân y tham gia tiêm vaccine cho người dân tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. 

Không chỉ thăm khám, chăm sóc, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, đội ngũ y, bác sĩ của HVQY còn tham gia tích cực trong các chiến dịch tiêm vaccine cho nhân dân. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho các đối tượng. Lực lượng của HVQY tại các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và các huyện, thị: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Tân Uyên... đã hòa vào đội ngũ nhận khai báo y tế, khám sàng lọc, tư vấn và tiêm vaccine cho người dân. Công việc này diễn ra cả ngày, thậm chí là vào buổi tối và đến tận nhà dân để tiêm vaccine. Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhận xét: “Lực lượng quân y của HVQY rất đa năng, làm việc khoa học và nhiệt tình lắm. Chỉ nhìn thấy các y, bác sĩ quân đội là chính quyền và người dân tỉnh Bình Dương yên tâm rồi”.

Hiện nay, mỗi phường, xã, thị trấn tại TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn trọng điểm của tỉnh Bình Dương được tăng cường từ 1 đến 2 tổ quân y cơ động. Lực lượng của HVQY và các đơn vị quân đội thực sự là “cánh tay nối dài” cho các cơ sở y tế, giúp chăm sóc F0 và các bệnh nhân khác tại nhà tốt hơn. Người dân cũng yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên HVQY tăng cường cho TP Hồ Chí Minh là nguồn lực có vai trò rất quan trọng, bổ sung cho lực lượng y tế cơ sở trong PCD. Lực lượng này đã góp phần nâng cao năng lực hỗ trợ, điều trị F0 ở tuyến cơ sở, xử lý kịp thời và hạn chế các trường hợp chuyển nặng, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hạn chế ca tử vong. Qua những ngày làm việc, đội ngũ y, bác sĩ của HVQY đã được địa phương và nhân dân đánh giá cao về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và thái độ nhiệt tình, chu đáo.

 Để kịp thời hỗ trợ các trạm YTLĐ thực hiện nhiệm vụ điều trị F0 tại nhà và bệnh nhân có bệnh lý nền, TP Thủ Đức và các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh thành lập hơn 300 tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Khi có ca F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, các đội phản ứng nhanh phối hợp trạm YTLĐ kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc, chuyển viện nếu cần thiết. Ngoài ra, mô hình: “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19”, “Túi thuốc an sinh” được các quận, huyện phát đến tận nhà cho các F0.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HÙNG - CƯỜNG - KHOA

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NP-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ