Từ tinh thần xung phong ra "tiền tuyến"...
Đầu tháng 8-2021, tham dự lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) số 5D-Bộ Quốc phòng lên đường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương điều trị bệnh nhân Covid-19, tại sân vận động của Bệnh viện Quân y (BVQY) 105 thuộc Tổng cục Hậu cần, chúng tôi thấy Đại úy QNCN Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, nhân viên Ban Kế hoạch tổng hợp, gương mặt rạng rỡ, tự tin khi chào tạm biệt các đồng nghiệp chuẩn bị lên đường vào miền Nam.
Trò chuyện với chúng tôi, Nguyệt kể: “Lần trước, khi bệnh viện được lệnh điều động lực lượng làm nhiệm vụ tại BVDCTN của Bộ Quốc phòng tại Bắc Ninh, tôi có đăng ký nhưng chưa được chấp thuận. Khi biết tin đợt này bệnh viện được cấp trên giao phụ trách thiết lập, vận hành BVDCTN số 5D ở miền Nam, tôi tiếp tục đề đạt nguyện vọng và được chỉ huy đồng ý. Tôi muốn đóng góp phần trí tuệ, sức lực nhỏ bé của mình chung tay giúp nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Đứng gần đó, Đại úy QNCN Trần Văn Thanh, điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học cổ truyền Quân đội (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Tôi và các đồng đội đều xung phong lên đường nên tinh thần rất thoải mái, tự tin, muốn sớm được vào giúp đỡ đồng bào miền Nam PCD Covid-19. Trước khi lên đường, tôi rất yên tâm vì mọi người trong gia đình đều ủng hộ hết mình. Vợ tôi còn động viên: Anh ơi, cố lên vì đây là lúc miền Nam đang rất cần các anh!”
Ít ngày sau, tại lễ giao nhiệm vụ cho 80 cán bộ, nhân viên quân y thuộc các BVQY của Quân khu 1, Quân khu 2 tăng cường vào miền Nam làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BVDCTN do Tổng cục Hậu cần tổ chức, nhiều người bất ngờ khi thấy cặp “uyên ương” luôn đi cùng nhau.
Đó là Trung úy Phạm Thị Huệ, bác sĩ Khoa Thận lọc máu, BVQY 110 và Trung úy Thân Văn Hiếu, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm da liễu, BVQY 91 (Cục Hậu cần, Quân khu 1). Hai bạn cùng học tại HVQY, lại cùng quê Bắc Giang, vừa chính thức yêu nhau được hơn một năm. Thấy đôi bạn trẻ hân hoan đứng cạnh nhau trong lúc chuẩn bị lên đường vào tâm dịch, tôi hỏi: “Đợt tăng cường này, ai là người chủ động rủ trước?” và nhận được câu trả lời đồng thanh: “Không ai rủ ai ạ!”.
Rồi Huệ kể, khi biết tin Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng quân y cho các BVDCTN phía Nam, em lập tức viết đơn xung phong lên đường. Thấy Huệ còn trẻ, lại là nữ nên ban đầu chỉ huy cũng chần chừ, nhưng trước sự quyết tâm của Huệ, lãnh đạo bệnh viện đã chấp thuận. Khi biết tin, Huệ vui mừng thông báo với bạn trai và lúc đó, cô càng hạnh phúc hơn khi Hiếu cũng xung phong đi đợt này.
Nắm tay người yêu thật chặt, Hiếu cười qua ánh mắt hạnh phúc, chia sẻ: “Xem ti vi, thấy các bệnh viện quá tải, nhiều đồng nghiệp kiệt sức vì vất vả, số bệnh nhân Covid-19 ngày một đông. Là bác sĩ quân y, chúng em chỉ muốn vào ngay để chung tay điều trị cho các bệnh nhân. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để những bác sĩ trẻ, còn ít kinh nghiệm như chúng em trưởng thành, học hỏi được nhiều kiến thức thực tế quý báu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp”.
    |
 |
Cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) xung kích vào miền Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: THẮNG GIÁP. |
... Đến khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
Trong các đợt tăng cường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam PCD, cán bộ, nhân viên, học viên của HVQY- một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị có uy tín lớn của cả nước-luôn chiếm số lượng đông đảo. Chứng kiến những buổi xuất quân của học viện, mọi người như được sống trong khí thế hào hùng của những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa.
Hôm 23-8-2021, gần 5 giờ sáng, tôi có mặt tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (HVQY) thì đã thấy đội hình của đơn vị chỉnh tề, gương mặt ai cũng rạng ngời quyết tâm. Dù biết phía trước nhiều khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy đang chờ đón, nhưng với các thầy thuốc trẻ nơi đây, điều đang thôi thúc họ nhất là sớm được vào miền Nam để chung tay cứu chữa, bảo vệ sức khỏe và tính mạng đồng bào.
Gặp Thiếu tá, TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, đang đứng ở hàng đầu, tôi rất bất ngờ khi được biết, Tuấn là trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trong chuyến xuất quân này.
Trò chuyện với tôi, Tuấn tự tin: “Dù không có chuyên môn sâu về bệnh truyền nhiễm, lần đầu đảm đương công việc mới mẻ, nặng nề, nhưng tôi cảm thấy rất yên tâm vì đoàn công tác đều là những cán bộ có sức trẻ, nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt, quyết tâm cao. Chúng tôi tin tưởng mình sẽ vừa làm việc, vừa học hỏi, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, để cùng chung tay với các lực lượng trên địa bàn sớm khống chế đại dịch Covid-19. Đối với thầy thuốc trẻ, đây là cơ hội để chứng tỏ, khẳng định trách nhiệm của mình với quân đội và đất nước”.
Sức trẻ, nhiệt huyết của các học viên HVQY luôn tràn đầy khát vọng cống hiến. Thượng sĩ Nguyễn Tất Thịnh, học viên năm thứ tư, lớp K52B, Hệ 4, tự tin cho biết: “Với kiến thức đã được học, cộng với trái tim hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt, tôi tin mình sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Với tinh thần "bộ đội chủ động đến với nhân dân chứ không đợi người dân khó khăn tìm đến bộ đội”, chỉ sau buổi xuất quân ấy 2 ngày, HVQY tiếp tục tăng cường gần 1.100 cán bộ, nhân viên, học viên làm nhiệm vụ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Ngay sau khi có mặt, đội ngũ cán bộ, nhân viên, học viên của học viện theo sự phân công của cấp trên đã nhanh chóng triển khai đội hình tham gia các hoạt động PCD, từ lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vaccine; thành lập các tổ quân y cơ động điều trị bệnh nhân tại nhà... Trong đó, mô hình tổ quân y cơ động do HVQY đảm nhiệm đã minh chứng hiệu quả rõ rệt, góp phần giúp TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam sớm trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Và tinh thần chủ động cho các tình huống
Với sự đóng góp tích cực, hiệu quả, ngành quân y đã góp phần quan trọng cùng cả nước từng bước khống chế các đợt dịch, hạn chế tối đa thiệt hại. Ngày 11-10-2021, Chính phủ ra Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong công tác SSCĐ, huấn luyện, giáo dục-đào tạo, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật.
Xác định dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, với vai trò của mình, Cục Quân y đã chủ động nghiên cứu, xác định các phương án để ứng phó hiệu quả trong quân đội. Nói về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng vẫn luôn xác định PCD Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, với lực lượng quân y là nòng cốt.
Cục Quân y đã chỉ đạo quân y các cấp tiếp tục tham mưu với chỉ huy đơn vị, cơ quan hậu cần duy trì nghiêm các biện pháp PCD với nguyên tắc “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”, theo phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước”, quyết tâm hạn chế tối đa dịch xâm nhập và lây lan rộng trong đơn vị. Cùng với đó, ngành quân y đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các địa phương để chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, cấp độ dịch tại các địa bàn đơn vị đóng quân, sẵn sàng triển khai các biện pháp PCD, quản lý quân nhân phù hợp”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, để chuẩn bị cho cuộc “kháng chiến trường kỳ” với đại dịch Covid-19, Cục Quân y vừa rà soát, kiện toàn các lực lượng, tổ chức huấn luyện, huấn luyện bổ sung các nội dung phù hợp cho cán bộ, nhân viên quân y toàn quân, bổ sung trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng cho các đơn vị làm nhiệm vụ PCD...
Cục cũng đã tham mưu với cấp trên chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thành lập thêm các tổ quân y cơ động, nâng cao năng lực tuyến quân y cơ sở, hệ thống y học dự phòng; xây dựng phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BVQY... “Cùng với bảo đảm tốt công tác PCD trong nội bộ quân đội, toàn ngành quân y luôn chủ động, trong tâm thế sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang bị tăng cường hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, dù đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng với ngành y tế nói chung, những chiến sĩ quân y nói riêng thì cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn chưa ngơi, và họ luôn sẵn sàng đối mặt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bộ đội, nhân dân.
Trong năm 2021, Bộ Quốc phòng đã tăng cường 660 tổ quân y cơ động đến hỗ trợ các địa phương trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 PCD Covid-19. Các tổ quân y cơ động đã điều trị khỏi cho hơn 100.000 bệnh nhân Covid-19 tại nhà; cấp thuốc điều trị cho hơn 75.200 người, cấp cứu cho gần 5.000 ca; lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 200.000 người; tiêm được hơn 100.000 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng; tư vấn sức khỏe cho gần 130.000 người... |
TIẾN ĐẠT - VĂN CHIỂN