Cuộc họp đặc biệt
Là phóng viên chuyên theo dõi tuyên truyền công tác hậu cần quân đội nên tôi được tham dự nhiều phiên họp của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 của Bộ Quốc phòng. Song, ấn tượng nhất với tôi là cuộc họp đột xuất vào chiều 16-5-2021 do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang chủ trì, có sự tham dự của các thành viên BCĐ PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy một số bệnh viện, đơn vị quân y trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong cuộc họp này, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã thông tin diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Hai địa phương đề nghị Bộ Quốc phòng điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ PCD. Tại cuộc họp, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y và chỉ huy các bệnh viện báo cáo năng lực của ngành quân y và từng đơn vị hiện có; tham mưu, đề xuất với cấp trên các phương án, giải pháp hỗ trợ địa phương phù hợp. Đồng chí Bộ trưởng cũng trực tiếp nắm khả năng của các bệnh viện nếu Bộ Quốc phòng quyết định điều động lực lượng, phương tiện tăng cường cho các địa phương, như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, thành lập BVDCTN điều trị bệnh nhân Covid-19...
 |
Các thầy thuốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G-Bộ Quốc phòng tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: ĐĂNG DUY |
Trong tình huống cấp bách, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, lãnh đạo các bệnh viện quân y (BVQY) đã tự tin trả lời đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng câu hỏi và khẳng định, đơn vị luôn sẵn sàng, có thể lên đường nhận nhiệm vụ sau vài giờ làm công tác chuẩn bị. Từ cuộc họp này, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định thành lập BVDCTN số 1, số 2, khẩn trương thiết lập để đưa vào hoạt động ngay tại tâm dịch hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đại tá, BSCK2 Phạm Minh Đức, Giám đốc BVQY 354 (Tổng cục Hậu cần)-đơn vị được giao đảm trách phối hợp cùng một số bệnh viện, đơn vị quân y và các lực lượng khác tham gia BVDCTN số 1-Bộ Quốc phòng, đặt tại cơ sở 2 của Trường Sĩ quan Chính trị (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Trước khi được triệu tập tham dự cuộc họp, chúng tôi lường trước được tình huống nên đã chuẩn bị sẵn sàng phương án điều động, tăng cường lực lượng xung kích vào tâm dịch. Vì vậy, ngay khi kết thúc cuộc họp, tôi đã gọi điện chỉ đạo cho các bộ phận khẩn trương làm công tác chuẩn bị để có thể lên đường ngay, kịp thời thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Bắc Ninh”.
Thượng tá, PGS, TS Lương Công Thức, Phó giám đốc BVQY 103 (Học viện Quân y), Giám đốc BVDCTN số 2-Bộ Quốc phòng, cho biết: “BVDCTN số 2 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, do BVQY 103 chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Y học Phòng không-Không quân, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Tổ xét nghiệm của Học viện Quân y, triển khai tại Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) và các lực lượng phối thuộc của Quân đoàn 2. Bệnh viện được tổ chức thành 4 cơ quan và 10 khoa, biên chế hơn 100 cán bộ, nhân viên, quy mô 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng lên 500 giường bệnh). BVDCTN được thành lập, triển khai cấp tốc, công tác chuẩn bị gấp rút; lực lượng phối thuộc từ nhiều đơn vị, cơ sở vật chất, phương tiện còn thiếu, trong khi dịch Covid-19 tại Bắc Giang đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện đã đoàn kết, nêu cao quyết tâm khắc phục những khó khăn với phương châm “tất cả vì bệnh nhân”. Chỉ trong thời gian ngắn vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, các y sĩ, bác sĩ và nhân viên y tế tại đây đã vận hành BVDCTN trơn tru với nhiều sáng tạo trong chuyên môn. Các "chiến sĩ áo trắng" ngày đêm căng mình “chống giặc” Covid-19, điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân.
Thấy rõ hiệu quả của các BVDCTN trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Ninh, Bắc Giang nên khi đợt dịch thứ tư bùng phát phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Quốc phòng tiếp tục thành lập các BVDCTN để hỗ trợ các địa phương PCD. Thời điểm cao nhất, hàng nghìn "chiến sĩ áo trắng" trong toàn quân đã được huy động thực hiện nhiệm vụ tại 12 BVDCTN của Bộ Quốc phòng, “chia lửa” hiệu quả với lực lượng y tế, góp phần quan trọng trong công tác PCD Covid-19.
Tinh thần thép trong bệnh viện dã chiến
Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, những thầy thuốc quân y làm việc trong các BVDCTN có thể coi là các “chiến binh” nơi tiền tuyến. Họ xuất hiện ở mặt trận nóng bỏng, cam go, đối diện với nhiều hiểm nguy nhất. Trước "kẻ thù giấu mặt”, các thầy thuốc phải đối mặt với biết bao áp lực, khó khăn do điều kiện phương tiện, trang bị, vật tư thiếu thốn; trong khi số lượng bệnh nhân liên tục tăng cao. Trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, các “chiến binh áo trắng” phải chịu đựng sức nóng khủng khiếp, hầu hết đều bị phồng rộp, nhợt nhạt làn da. Thế nhưng, các chiến sĩ quân y luôn can trường đối mặt, hết lòng, hết sức vì bệnh nhân phục vụ.
Có một thông tin hết sức xúc động, đó là ngày 4-10-2021, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về PCD Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến thăm, làm việc với BVDCTN số 5D-Bộ Quốc phòng. Sau khi kiểm tra, nắm tình hình, Thượng tướng Võ Minh Lương đã chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện nắm bắt tư tưởng, động viên bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nữ quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; nghiên cứu để có thể đổi người thay thế, cho các nữ quân nhân kết thúc sớm nhiệm vụ. Trước sự quan tâm đặc biệt, hết sức nhân văn của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các nữ quân nhân BVDCTN số 5D rất xúc động, thế nhưng đều nhất loạt xung phong tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân cho đến khi BVDCTN số 5D hoàn thành sứ mệnh của mình.
Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Thượng tướng Võ Minh Lương đã xúc động chia sẻ: “Là người chỉ huy, chứng kiến những hy sinh thầm lặng của anh em, nhất là đội ngũ thầy thuốc quân y trên tuyến đầu, trong các BVDCTN khiến tôi rất khâm phục. Mặc dù có hàng chục y, bác sĩ ở lực lượng tuyến đầu là F0, song, tất cả đều tình nguyện ở lại tự điều trị khỏi bệnh, sau đó lại tiếp tục phục vụ, cống hiến, chung tay cùng đồng đội giành giật, giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm của anh em rất tốt. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, rất nhiều anh em có bố mẹ, ông bà, người thân qua đời, nhưng trong điều kiện đang chống dịch, tất cả đều xác định ở lại, nén đau thương, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Những nỗ lực, quyết tâm, tinh thần hy sinh vì người bệnh của các thầy thuốc trong các BVDCTN rất thầm lặng, thậm chí bệnh nhân không nhìn thấy mặt các thầy thuốc đã điều trị, cứu sống mình. Trực tiếp chứng kiến sự hy sinh thầm lặng ấy, Thiếu tá Trần Nam Sơn, Trợ lý chính trị, BVQY 105 (Tổng cục Hậu cần), Chủ nhiệm Chính trị BVDCTN số 5D-Bộ Quốc phòng đã tâm sự trong dòng nhật ký: “Khi vào đây, nhiều chị em chân yếu tay mềm, đêm đêm oằn mình trong ngột ngạt và oi bức, lịm đi vì kiệt sức. Thế nhưng khi tỉnh dậy, họ lại sẵn sàng khoác áo phòng hộ lên đường thực hiện nhiệm vụ. Nhiều anh em vừa xong trận chiến với giặc Covid-19 tại Bắc Ninh, chưa kịp sửa sang đầu tóc gọn gàng để về ăn một bữa cơm ấm cúng bên vợ con, gia đình, nay lại húi trọc đầu xung phong lên đường vào với miền Nam ruột thịt. Có những đồng chí đang bên giường bệnh, nghe tin mẹ già về nơi chín suối, nước mắt hòa lẫn dòng mồ hôi, chỉ biết cầm lòng thành kính bái vọng về quê nhà. Vất vả, hy sinh là vậy, nhưng khi chứng kiến bệnh nhân được ra viện, mọi mệt nhọc trong họ đều tan biến...”.
Ngay sau khi hai BVDCTN số 1 và số 2 của Bộ Quốc phòng được thần tốc triển khai, đi vào hoạt động, tạo được hiệu quả rõ rệt, ngày 29-5-2021, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đăng thông tin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ Quốc phòng đã tích cực, nỗ lực, kịp thời hỗ trợ nhân lực, nguồn lực, phương tiện, thiết bị, hỗ trợ xét nghiệm, triển khai BVDCTN giúp hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân... |
(Còn nữa)
TIẾN ĐẠT - VĂN CHIỂN