Vụ tham nhũng có quy mô vô cùng lớn

Ngày 9-11, theo tuyên bố chính thức của Bộ Thông tin Saudi Arabia, tổng cộng 201 đối tượng đã bị bắt giữ để thẩm vấn trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của nước này, ước tính gây thất thoát khoảng 100 tỷ USD. Bộ này cho biết, quy mô của các vụ tham nhũng bị phát hiện trong chiến dịch truy quét này "có thể vô cùng lớn". Dựa trên các điều tra trong suốt 3 năm qua, ước tính có ít nhất 100 tỷ USD đã bị sử dụng sai trái thông qua tham nhũng và biển thủ có hệ thống, kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ.

Lệnh bắt giữ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ủy ban Chống tham nhũng được thành lập theo sắc lệnh Hoàng gia Saudi Arabia, do Thái tử Mohammed bin Salman, 32 tuổi, người được cho là có khả năng rất lớn sẽ kế nghiệp, đứng đầu. Hãng thông tấn SPA của nước này cho biết, ủy ban có thẩm quyền phát lệnh bắt giữ và cấm đi lại đối với các nghi phạm tham nhũng. Sắc lệnh Hoàng gia nêu rõ, những kẻ tham nhũng phải bị trừng phạt và Saudi Arabia sẽ không thể tồn tại nếu vẫn còn tình trạng tham nhũng. Sắc lệnh của Quốc vương Salman có đoạn: “Đất nước không thể bền vững chừng nào tệ nạn tham nhũng chưa bị xử lý triệt để và những kẻ tham nhũng chưa phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình". Chính phủ Saudi Arabia nói rằng, các vụ bắt giữ là một phần nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm và năng lực quản lý của giới chức. Đây cũng là những cải cách quan trọng cần thiết để thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn, trấn an xã hội Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ qua liên tục bất bình vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền và sử dụng sai nguồn ngân sách công.

leftcenterrightdel
Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng mới của Saudi Arabia. Ảnh: Reuters 
Tờ Bloomberg cho biết, để khẳng định sự vô tư, tính minh bạch và sự quyết liệt của chiến dịch làm trong sạch bộ máy chính quyền, toàn bộ hoạt động của chiến dịch này được thực hiện dưới sự theo sát của báo chí. Tuyên bố với báo chí, Thái tử Mohammed bin Salman nhấn mạnh rằng, cuộc thanh lọc của ông sẽ không trừ bất kỳ ai. 

Triệt tham nhũng để cải cách

Việc hàng chục hoàng tử, bộ trưởng, quan chức của đất nước dầu mỏ giàu có bị bắt gây chấn động toàn Saudi Arabia cũng như thế giới. Trấn an dư luận trong nước và quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng của Saudi Arabia, Khalid bin Abdulmohsen al-Mehaisen xác nhận, để mở được chiến dịch truy quét này, các nhà điều tra đã thu thập bằng chứng trong suốt 3 năm qua. Tổng chưởng lý Saudi Arabia Sheikh Saud al-Mojeb thông báo, hàng loạt nhân vật chính trị cấp cao và doanh nhân bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng vừa qua của nước này sẽ bị đưa ra xét xử. "Quá trình xét xử sẽ được tổ chức công khai, vào thời gian phù hợp"-AFP dẫn thông báo từ Tổng chưởng lý Arab Saudi Saud al-Mojeb cho biết. Ông Sheikh Saud al-Mojeb nhấn mạnh, chiến dịch truy quét này mới chỉ là giai đoạn một, nhiều bằng chứng được thu thập và các cuộc thẩm vấn chi tiết đang diễn ra. Cuộc điều tra đã tiến hành một cách kín đáo để bảo đảm các đối tượng không thể tẩu thoát. Trong khi đó, Bộ Thông tin Saudi Arabia cho hay, tài khoản ngân hàng của những người bị bắt giữ sẽ bị "đóng băng", trong khi tài sản liên quan đến tham nhũng sẽ bị sung công.

Mặc dù danh tính những người này không được tiết lộ, song, theo hãng tin AFP, trong số những người bị bắt giữ có Hoàng tử Al-Waleed bin Talal, là cháu của Quốc vương Salman bin Abdulaziz al-Saud, cũng là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, nổi tiếng vì thú tiêu tiền của mình. Chả vậy mà ngay cả việc tạm giam các hoàng tử này cùng các thành viên khác trong Hoàng gia cũng nổi tiếng thế giới khi nơi giam giữ là khách sạn 5 sao sang trọng Ritz-Carlton tại thủ đô Riyadh.

Cuộc tổng tấn công quy mô lớn do Thái tử Salman đứng đầu đã làm rung chuyển cả hệ thống cầm quyền tồn tại nhiều thập kỷ của Saudi Arabia. Để bày tỏ sự ủng hộ của mình với chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có trong lịch sử Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết lên Twitter: "Tôi rất tin tưởng vào Quốc vương Salman và Thái tử Saudi Arabia; họ biết chính xác mình đang làm gì. Một số kẻ trong số này đã bòn rút đất nước suốt nhiều năm!".

Hãng tin AFP bình luận: “Chiến dịch này đánh dấu một cuộc tái cơ cấu chưa từng có tiền lệ tại Saudi Arabia”. Vụ bắt giữ bất ngờ này nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của hầu hết người dân. Nhiều dân thường Saudi Arabia bày tỏ hoan nghênh chiến dịch mà họ chờ đợi từ lâu này. Giới chức Saudi Arabia cũng hoan nghênh chiến dịch này và xem đó là sáng kiến mạnh mẽ nhằm giải quyết tận gốc vấn nạn tham nhũng. Giới truyền thông ca ngợi đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Thái tử Salman đang hiện thực hóa lời hứa về cải cách đất nước, giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ và tự do hóa nhiều khía cạnh của xã hội. Diễn biến này cũng thể hiện rằng, Thái tử Salman có được sự ủng hộ tuyệt đối của Quốc vương Salman trong việc tiến hành các cải cách chống tham nhũng trên quy mô lớn, nhằm vào cả các thành viên Hoàng gia và giới kinh doanh nhiều quyền lực, bao lâu nay vẫn luôn "nằm ngoài vòng pháp luật”. Những người ủng hộ cho rằng, cần đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng mới có thể thúc đẩy các cải cách xã hội và kinh tế để hiện đại hóa đất nước, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bớt lệ thuộc vào dầu mỏ.

Việc nhiều cái tên nổi bật trong giới doanh nghiệp bị giam giữ khiến chỉ số chứng khoán của Saudi Arabia giảm nhẹ, song sau đó lại tăng mạnh do một số nhà đầu tư dự đoán rằng những diễn biến trên chính trường này sẽ là nhân tố thúc đẩy cải cách trong dài hạn.

HOA HUYỀN