Theo tờ The Guardian, đối với nhiều người, đi xe bus hoặc tàu hỏa là cơ hội hiếm có để họ đắm mình vào những trang sách. Trong khi đó, tại một số thành phố, các phương tiện giao thông công cộng lại đang được trưng dụng để vận chuyển sách tới những cộng đồng cư dân có nhu cầu. “Các phương tiện này đang được chuyển đổi công năng sử dụng không chỉ nhằm đem tới niềm vui đọc sách mà còn giúp cải thiện cuộc sống”, tờ The Guardian nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ thấp nhất thế giới. Tại quốc gia Tây Nam Á này, cứ 10 người lớn thì chỉ có 3 người biết đọc. Tờ The Guardian cho biết phần lớn các trường công lập tại thủ đô Kabul không có thư viện trong khi các thư viện trong thành phố không có nhiều sách dành cho thiếu nhi. Đây cũng là thực tế những gì mà cô Freshta Karim, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Oxford của Anh, từng trải qua tại quê nhà ở Kabul. “Nhiều trường học tại Kabul không có cả những thứ cơ bản như thư viện”, Freshta Karim, người sáng lập Charmaghz-một tổ chức phi lợi nhuận tại Kabul, chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trường học lưu động dành cho trẻ em di cư tại thành phố Tijuana của Mexico - Ảnh: Reuters.

Đó là lý do để Charmaghz-vốn nhận tài trợ từ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, quyết định thuê lại 3 chiếc xe bus của một công ty vận tải nhà nước. Và thế là, tuần nào cũng vậy, hai chiếc xe bus màu xanh chất đầy sách thiếu nhi lại lăn bánh trên đường phố Kabul, tránh những khu vực được xem là “điểm đen” về đánh bom. Những thư viện lưu động của Charmaghz ghé vào các trường học, chuyển tận tay “kho tài liệu đọc” tới các em học sinh vốn không có nhiều cơ hội được tiếp xúc với sách báo. Ngoài hai thư viện lưu động, Charmaghz đã cải tạo chiếc xe bus còn lại thành rạp chiếu phim lưu động phục vụ trẻ em Kabul. Mỗi ngày có tới hơn 600 học sinh ghé thăm thư viện và rạp phim lưu động của Charmaghz để đọc sách, giao lưu và chơi trò chơi. “Các em rất háo hức. Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi là mỗi ngày có quá nhiều em muốn ghé thăm trong khi không gian bên trong xe bus có giới hạn”, cô Freshta Karim chia sẻ.

Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, tại thành phố Tijuana, phía Bắc Mexico, giáp ranh với Mỹ, chiếc xe bus cũng được cải tạo thành một trường học lưu động dành cho trẻ em di cư. Gia đình các em đến từ các quốc gia Trung Mỹ, như: Honduras, Guatemala, El Salvador, muốn chạy trốn khỏi quê hương đang chìm trong nghèo đói, bạo lực, mang theo hy vọng về một “giấc mơ Mỹ”. Theo cô Estefania Rebellon, người sáng lập Quỹ Yes We Can-tổ chức vận hành trường học lưu động: Tijuana được những người di cư Trung Mỹ yêu thích bởi thành phố này giáp với bang California của Mỹ-nơi các tòa án “có xu hướng chào đón” họ hơn tại các nơi khác như bang Texas chẳng hạn. Vì vậy, những người di cư tin rằng cơ hội được tị nạn tại Mỹ của họ sẽ cao hơn. “Chúng tôi quyết định tổ chức trường học lưu động đầu tiên tại Tijuana vì đây là một điểm đến quan trọng đối với người di cư-nơi dòng người di cư từ năm 2018 dừng chân và hàng nghìn người khác vẫn tiếp tục đổ xô đến với hy vọng được tị nạn tại Mỹ”, cô Estefania Rebellon cho biết.

Quỹ Yes We Can chọn một địa điểm gần nơi tá túc tập trung của những người di cư để tổ chức trường học lưu động. Theo tờ The Guardian, trẻ em chiếm tới 60% trong số những người di cư này và nhiều gia đình quyết tâm bám trụ ở Tijuana trong nhiều tháng trời để chờ xin tị nạn tại Mỹ. Cô Estefania Rebellon nảy ra ý tưởng tổ chức trường học lưu động nói trên sau thời gian làm tình nguyện viên tại một trại tị nạn ở Tijuana. “Tôi đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ chạy lăng xăng bằng chân đất, gầy gò và không có gì để làm. Chúng tôi cần một giải pháp nhanh chóng cho một vấn đề cấp bách. Những người di cư không được làm việc, không được thuê nhà trong khi trẻ em di cư không được đến trường vì chúng không có địa vị pháp lý”, cô Estefania Rebellon chia sẻ.

Ngoài kỹ năng đọc, viết bằng tiếng Anh cơ bản, làm toán và khoa học, những trẻ em di cư này còn được tư vấn tâm lý để giúp các em đối phó với những thách thức gặp phải trong cuộc sống thường nhật. “Chúng tôi nỗ lực trang bị nhiều công cụ nhất mà các em có thể cần, nhất là trong bối cảnh đã xảy ra nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em trên hành trình di cư”, cô Estefania Rebellon nhấn mạnh. Hiện có 45 đứa trẻ tại trường học lưu động do Quỹ Yes We Can tổ chức. Dự kiến sẽ có thêm khoảng 30 em khác đăng ký tham gia. Vì vậy, Quỹ Yes We Can đang gây quỹ để tổ chức trường học lưu động thứ hai. “Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi thấy được sự thay đổi ở những đứa trẻ này. Các em thực sự cảm thấy mình đang được ở một nơi an toàn”, cô Estefania Rebellon khẳng định.

HOÀNG VŨ