Hãng tin Kyodo News dẫn Báo cáo chỉ số lãng phí thực phẩm mới nhất của UNEP cho biết, mặc dù 1/3 nhân loại đang phải đối mặt với nạn đói, nhưng vẫn có tới gần 1/5 lượng thực phẩm sản xuất trên toàn cầu vào năm 2022 đã bị lãng phí. Cụ thể, trong số 1,05 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí vào năm 2022, 60% là do các hộ gia đình, 28% do ngành dịch vụ thực phẩm và 12% do các ngành bán lẻ. Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với 931 triệu tấn được ghi nhận vào năm 2021. Trung bình, mỗi người vứt đi khoảng 79kg thực phẩm/năm.

Không chỉ có vậy, tình trạng lãng phí thực phẩm còn là vấn đề ảnh hưởng đến khí hậu, bởi các số liệu thống kê gần đây cho thấy lãng phí và thất thoát thực phẩm là nguyên nhân gây ra 8-10% lượng phát thải khí nhà kính hằng năm trên toàn cầu, tức là gấp 5 lần so với mức phát thải của ngành hàng không. “Đây không chỉ là vấn đề lớn đối với sự phát triển, mà những tác động của sự lãng phí không cần thiết đó đang gây ra tổn thất đáng kể cho thiên nhiên và khí hậu”, ông Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP nêu rõ trong một thông cáo báo chí.

leftcenterrightdel

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) phân phối thực phẩm cứu trợ tại một trại tị nạn ở Sudan. Ảnh: WFP 

Đến nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia được ghi nhận có sự tiến triển trong nỗ lực giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm. Bằng chứng là tính đến năm 2020, lượng thực phẩm bị lãng phí ở nước này đã giảm tới 31% so với năm 2008. Nhưng báo cáo lại cho thấy tình trạng lãng phí thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo nói trên được công bố khi UNEP đang theo dõi sát sao tiến độ của các quốc gia trong nỗ lực giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí vào năm 2030, đúng như những gì được đề ra trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Con số đáng báo động về tình trạng lãng phí thực phẩm cũng được công bố đúng vào thời điểm 783 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt với nạn đói kinh niên và nhiều nơi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng. Cuộc xung đột ở dải Gaza và tình trạng bạo lực ở Haiti càng khiến cuộc khủng hoảng ấy trở nên nghiêm trọng hơn.

Báo cáo cho rằng, công tác tái phân phối thực phẩm, trong đó có việc quyên góp thực phẩm dư thừa cho các ngân hàng thực phẩm và tổ chức từ thiện, có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm giữa các nhà bán lẻ. Theo AP, một trong những tổ chức phi lợi nhuận đang thực hiện điều này là Ngân hàng Thực phẩm Kenya, với nhiệm vụ thường xuyên là lấy thực phẩm dư thừa từ các trang trại, chợ, siêu thị, các nhà đóng gói rồi phân phối lại cho học sinh và người dân có nhu cầu. Hiện nay, lãng phí thực phẩm là mối lo ngại ngày càng gia tăng ở Kenya khi mỗi năm, ước tính có khoảng 4,9 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí tại quốc gia châu Phi này.

Các chuyên gia thực hiện báo cáo cũng cho rằng, các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể đóng vai trò tiên phong trong phát triển chính sách và hợp tác quốc tế nhằm đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí vào năm 2030, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia mới bắt đầu giải quyết vấn đề này.

Cũng có ý kiến cảnh báo, báo cáo nói trên cho thấy tình trạng lãng phí thực phẩm không chỉ xảy ra ở những quốc gia giàu có mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Qua đó, các chuyên gia thực hiện báo cáo muốn truyền đi thông điệp: Dù bạn là ai và ở đâu, hãy ngừng lãng phí mỗi khi ngồi vào bàn ăn!

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.