Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với hãng thông tấn ANSA của Italy trong chuyến thăm tới nước này rằng, NATO không có ý định triển khai lực lượng tới Ukraine. Ông cũng cho biết khi ông đến thăm Ukraine vào tuần trước, Ukraine đã không đề nghị NATO đưa quân tới đây mà yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn.

leftcenterrightdel

Thời gian qua, Tổng thống Pháp Macron liên tục đề cập việc phương Tây không loại trừ kịch bản triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine. Ảnh: Reuters 

RT ngày 9-5 dẫn nguồn Báo Corriere della Sera của Italy cho biết, để ngăn chặn những đồn đoán về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine, NATO được cho là sẽ chính thức phản đối việc gửi quân tới Ukraine bằng một tuyên bố chính sách tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Washington vào tháng 7 tới. 

Những tin tức về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine nổi lên kể từ đầu năm nay, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục đề cập rằng phương Tây không loại trừ kịch bản triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine để hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Kiev. Gần đây nhất, nhà lãnh đạo Pháp nói Paris có thể gửi quân đến Ukraine trong trường hợp Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine và Kiev đề nghị giúp đỡ.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia ủng hộ quan điểm của ông Macron, trong đó có Lithuania, Estonia, còn hầu hết đồng minh phương Tây phản đối việc đưa quân đến Ukraine. Đa số các quốc gia phương Tây đều gợi ý rằng, thay vì thảo luận về việc triển khai quân, khối này nên tập trung vào hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. 

Báo Financial Times của Anh dẫn nguồn thạo tin cho biết, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cách đây ít ngày tuyên bố Lithuania sẵn sàng triển khai binh lính của mình trên đất Ukraine để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và việc này đã được Quốc hội cho phép. Bình luận của bà Simonyte được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật để đáp trả “các mối đe dọa và khiêu khích” của phương Tây. Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần đã chỉ thị cho quân đội chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật này.  

Trong khi đó, các nước như Mỹ, Đức lo ngại rằng việc triển khai quân ở Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hồi đầu tháng đã cảnh báo rằng, việc triển khai quân của NATO tới vùng chiến sự cuối cùng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Italy và Anh gần đây cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Còn Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhấn mạnh chừng nào Ukraine còn chưa phải là thành viên của khối, “sẽ không có người lính Slovakia nào đặt chân ra ngoài biên giới Slovakia-Ukraine”.

Phản ứng về việc này, theo Reuters, chính quyền Nga cảnh báo việc NATO gửi quân tới Ukraine sẽ cực kỳ nguy hiểm và nhấn mạnh Moscow đang theo dõi chặt chẽ khả năng Ukraine kêu gọi hành động can thiệp như vậy. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8-5 khi được hỏi về vấn đề này đã khẳng định Moscow từng nhiều lần nói rằng sự can thiệp trực tiếp trên thực địa vào cuộc xung đột này của quân đội các nước NATO có thể gây ra mối nguy hiểm lớn. Nga coi đây là một hành động khiêu khích cực kỳ thách thức. Nga đã triệu tập đại sứ Pháp để phản đối các chính sách “khiêu khích” của Paris. Theo ông Peskov, đây là một đợt leo thang căng thẳng hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ và cần có các biện pháp đặc biệt.

Theo RT, Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine có thể sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và liên minh do Mỹ đứng đầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nếu quân đội nước ngoài xuất hiện ở khu vực xung đột, “họ chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của quân đội Nga”. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo chính quyền Ukraine và các nhà tài trợ phương Tây rằng “hành vi liều lĩnh” của họ đang đẩy xung đột ở Ukraine đến mức “tới hạn và bùng nổ”. 

Trước những tin tức về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine, Tạp chí Foreign Policy hồi tháng trước đã có bài viết đặt vấn đề liệu NATO có đủ lực lượng để thực hiện việc này hay không trước thực tế khối này thường trong tình trạng thiếu binh sĩ. Bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào tháng 2 vừa rồi, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO chia sẻ rằng NATO phải suy nghĩ về việc bảo đảm có đủ quân để thực hiện các kế hoạch đã nhất trí của mình. 

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.