Tài liệu dài 80 trang đã đưa ra đánh giá kém lạc quan về tình hình an ninh khu vực Thái Bình Dương và đề cập đến việc tăng chi tiêu quốc phòng để tái trang bị cho quân đội Australia. Văn bản mô tả Australia là một quốc gia có thể đứng trước nguy cơ bị bóp nghẹt thương mại hoặc bị ngăn cản việc tiếp cận các tuyến đường hàng không và đường biển quan trọng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết: “Chúng tôi là một quốc đảo và phụ thuộc rất lớn vào đường hàng không và hàng hải. Vì vậy, ngay cả khi kẻ thù không cần xâm lược thì vẫn có thể gây ra rất nhiều thiệt hại cho đất nước chúng tôi".

leftcenterrightdel
Việc sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong chiến lược mới của Australia.Ảnh: defence.gov.au 

Vì vậy, thay vì tập trung vào việc duy trì một lực lượng vũ trang có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, ông Marles cho biết Australia sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng một lực lượng răn đe có thể bảo vệ lợi ích của Australia trong khu vực. Trọng tâm của chiến lược mới là kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình, tăng số lượng tên lửa chiến lược và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước quy mô lớn. Theo ông Marles, việc sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong chiến lược mới của Australia.

Trình bày về chiến lược quốc phòng mới, ông Marles cho biết, Chính phủ Australia sẽ chi thêm 50 tỷ AUD (32 tỷ USD) cho quốc phòng trong thập kỷ tới. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong hơn 50 năm qua. Theo chiến lược này, ngân sách quốc phòng Australia dự kiến đạt 2,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và sẽ vượt mức 100 tỷ AUD (64 tỷ USD) vào năm tài chính 2033-2034. Phần lớn khoản chi tiêu mới sẽ được giải ngân sau 5 năm nữa. Chính phủ sẽ cắt giảm các chương trình quốc phòng khác và ưu tiên đầu tư cho tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và tàu chiến.

Ông Marles nhấn mạnh, những giả định lạc quan định hướng cho việc lập kế hoạch quốc phòng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã lỗi thời. Môi trường an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có tác động từ cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng buộc Australia phải có những điều chỉnh chiến lược quốc phòng đáng kể, tập trung nhiều hơn vào gia tăng sức mạnh lực lượng hải quân và các công nghệ tiên tiến. Theo The Canberra Times, Chính phủ Australia sẽ cắt giảm các chương trình quốc phòng khác và ưu tiên đầu tư 22,5 tỷ AUD trong 4 năm tới để mua sắm máy bay không người lái, tên lửa tấn công tầm xa. Bên cạnh đó, khoảng 40% các khoản chi mới sẽ được phân bổ cho hải quân, bao gồm mở rộng hạm đội mặt nước, tăng đầu tư cho chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân AUKUS và các ưu tiên khác như thiết bị không người lái dưới nước Ghost Shark. Bên cạnh đó, các căn cứ quân sự trên khắp miền Bắc Australia, nơi thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân để huấn luyện và tập trận mỗi năm, sẽ được đầu tư nâng cấp. Tuy vậy, nhiều lĩnh vực khác sẽ bị cắt giảm, ví dụ như việc giảm số lượng xe chiến đấu bộ binh từ 450 xuống còn 129 chiếc.

Theo ông Marles, Chiến lược quốc phòng quốc gia mới của Australia đã vạch ra cách tiếp cận và các định hướng ưu tiên nhằm bảo vệ nước này chống lại các mối đe dọa tiềm tàng. Bên cạnh đó, chiến lược này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng giữa Australia với Mỹ, Anh và các đối tác ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Bắc Á để bảo đảm duy trì kết nối kinh tế, định hình khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

GIA HUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.