Để đàn trâu của mình có cỏ tươi ăn và được tắm mát, Hashem Gassed phải băng qua vùng đất nóng như thiêu đốt trải dài 10km ở miền Nam Iraq, nơi hạn hán đang tàn phá khu vực đầm lầy vốn được gọi là “vườn địa đàng” trong Kinh Thánh.
Trước kia, anh có 30 con trâu nhưng đã phải bán dần để nuôi gia đình. Hiện Gassed chỉ còn vỏn vẹn 5 con. Vì vậy, các thành viên trong gia đình giờ đều trông chừng kỹ lưỡng số trâu còn lại.
 |
Những con trâu đầm mình trong bãi sình trước kia vốn là một con suối chạy qua vùng đầm lầy ở miền Nam Iraq. Ảnh: AFP |
Theo AFP, các vùng đầm lầy ở miền Nam Iraq được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 2016 nhờ tính đa dạng sinh học và lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, 3 năm qua, lượng mưa thấp cộng với lượng nước chảy dọc theo các nhánh sông bắt nguồn từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran suy giảm đáng kể đã khiến khu vực đầm lầy xanh tốt một thời từng lớn bằng xứ Wales này trở nên khô cằn.
“Chúng tôi thường đánh cá, trong khi bầy gia súc có thể ăn cỏ và uống nước ở đây. Giờ chúng tôi không biết phải đi đâu. Cuộc sống của chúng tôi thế là hết”, Gassed buồn bã chia sẻ.
Tổ chức phi chính phủ PAX của Hà Lan thống kê, từ tháng 8-2020 đến nay, 46% đầm lầy ở miền Nam Iraq đang ngày càng khô cạn, trong khi 41% diện tích đầm lầy khác trong khu vực cũng bị giảm mực nước và độ ẩm. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo các đầm lầy là một trong những khu vực nghèo nhất ở Iraq và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Đa dạng sinh học cũng có nguy cơ bị đe dọa. Chính quyền địa phương cho biết, những con kênh và suối nhỏ đã được cải tạo để bổ sung thêm nước vào đầm lầy. Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn không thể bù đắp được lượng nước bốc hơi rất nhanh giữa tiết trời nắng nóng gay gắt kéo dài.
KHÁNH NGÂN
Hạn hán không phải là hiện tượng mới ở châu Âu, nơi vốn có nhiều loại hình khí hậu. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu đang làm biến dạng châu lục này, làm gia tăng nguy cơ hạn hán dai dẳng và thường xuyên hơn.
Đợt nắng nóng kỷ lục đang gây ra tình trạng khô hạn diện rộng ở Trung Quốc, gây tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống cũng như hoạt động sản xuất của quốc gia tỷ dân này.