Mỗi năm, vào mùa xuân và mùa hạ, Frederic Esniol lại bắt đầu gieo hạt, trồng rau diếp tại trang trại rộng hơn 100ha của mình ở vùng Alpes-de-Haute-Provence (miền Nam nước Pháp). Nhưng năm nay, sự kết hợp giữa hình thái thời tiết khô hạn và nắng nóng kỷ lục đã phá hủy một nửa diện tích cây trồng, đe dọa sự sống còn của trang trại.
Còn Lily Goletto, chủ một trại cừu đã phải chi 22.000USD trong năm nay để mua thêm thức ăn cho đàn gia súc, bởi các loại cây cỏ trên vùng đất chăn thả truyền thống đều đã chết héo.
Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán lên tới mức tồi tệ nhất trong hàng trăm năm qua. Nhiều nông trại bị bỏ hoang, những vườn nho khô héo, hồ chứa nước cạn kiệt. Các con sông khô cạn để lộ ra những cổ vật thời La Mã và bom, đạn còn sót lại từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cháy rừng đã hoành hành tại hàng chục quốc gia.
 |
Sông Tille ở Lux (Pháp) cạn khô. Ảnh: AP |
Tờ Los Angeles Times dẫn báo cáo gần đây của các nhà khoa học châu Âu cho biết, có tới 64% diện tích châu Âu, gồm 13 trên tổng số 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cộng với các nước ngoài EU như: Anh, Serbia, Moldova và Ukraine-đang đối mặt với hạn hán hoặc nguy cơ thiếu nước ở cấp độ nghiêm trọng.
Những đợt nắng nóng ở miền Nam nước Pháp mùa hè năm nay đã phá vỡ kỷ lục, trong khi lượng mưa chỉ bằng một nửa so với thông thường. Từ tháng 7, Chính phủ Pháp yêu cầu cắt giảm nước cho tưới tiêu, trồng trọt. Nguồn nước được để dành cho các hoạt động thiết yếu như ăn uống, cứu hỏa và các trường hợp khẩn cấp.
Các chính trị gia và nhà hoạt động môi trường đã coi cuộc khủng hoảng nước ở châu Âu là một lời cảnh báo rằng thế giới không đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và do đó sẽ còn phải đối mặt với những tác động tồi tệ hơn của biến đổi khí hậu, bao gồm cháy rừng ở quy mô rộng hơn, các cơn bão nghiêm trọng hơn và mực nước biển dâng cao.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), hạn hán như trong mùa hè qua khiến EU thiệt hại 9 tỷ USD/năm. Con số trên thậm chí có thể tăng lên 45 tỷ USD vào cuối thế kỷ này, khi khí hậu tiếp tục ấm lên. Và ngành đầu tiên gánh chịu thiệt hại là nông nghiệp.
Tại Italy, những người nông dân trồng lúa sống dựa vào dòng sông Po đang cạn kiệt đã cảnh báo về tình trạng mất mùa trầm trọng. Tại Tây Ban Nha, nước sản xuất dầu ô liu lớn nhất thế giới, hạn hán đã làm giảm 1/3 sản lượng dầu ô liu. Ở Đức, hạn hán xảy ra khi nông dân nước này vẫn còn chịu hậu quả từ trận lũ lụt lịch sử tàn phá mùa màng hồi năm ngoái. Sản lượng năm nay được dự báo có thể gây thất vọng trong bối cảnh hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, tác động đáng lo ngại nhất có lẽ là sự cạn kiệt của sông Rhine, bởi nó được coi là huyết mạch của nền kinh tế, với lượng lớn tàu chở hàng hóa lưu thông trên con sông mỗi ngày.
Hạn hán cũng đang đe dọa mạng lưới đê điều có từ thế kỷ 19 của Hà Lan. Vốn có thành phần từ than bùn, các con đê Hà Lan hấp thụ nước như bọt biển và nếu không có đủ mưa, chúng có thể bị thủng, nứt.
Ngay cả nước Anh, được biết đến với những cơn mưa quanh năm và lượng cây xanh dồi dào, đã phải đối mặt với viễn cảnh tương lai khô hạn hơn. Lượng mưa trong tháng 7 ở London chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Hồi tháng 8, nhà chức trách tuyên bố tất cả 9 vùng của nước Anh đang trong tình trạng khô hạn. “Mùa hè năm nay ở Anh dường như đã chuyển sang hình thái khí hậu khô, nóng, ít mưa như ở California vậy... Đây là một khoảng thời gian rất bất thường”, Giáo sư James Cheshire, chuyên gia nghiên cứu khí hậu tại University College London nhận định.
HÀ PHƯƠNG