Reuters cho biết, lễ ký thỏa thuận an ninh song phương giữa Đức và Ukraine diễn ra tại thủ đô Berlin, cùng ngày khai mạc Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024 ở thành phố Munich. Thủ tướng Đức Olaf Scholz mô tả hiệp định an ninh dài hạn giữa nước này và Ukraine là một "bước đi lịch sử". Theo thỏa thuận song phương, ngoài cam kết hỗ trợ an ninh và kinh tế trong vòng 10 năm cho Kiev, Berlin còn cung cấp gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1,13 tỷ euro cho quốc gia này, tập trung vào pháo binh, phòng không. Danh mục viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine bao gồm 120.000 đạn pháo cỡ nòng 122mm và 100 tên lửa IRIS-T SLS bàn giao trong năm nay, cũng như hệ thống phòng không SkyNext thứ hai bàn giao vào năm 2025. Ngoài ra, Đức sẽ cung cấp thêm 18 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000-một trong những loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của quân đội nước này-cho Ukraine trong các năm 2026 và 2027. 

leftcenterrightdel

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo sau khi hai bên ký thỏa thuận an ninh song phương. Ảnh: Le Monde 

Bên cạnh viện trợ quân sự, Đức cũng sẽ hỗ trợ đào tạo sĩ quan cảnh sát cho Ukraine, chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, hỗ trợ kinh phí cho các dự án năng lượng xanh và một số dự án khác tại Ukraine. Đức hiện là nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Cho đến nay, Berlin đã hỗ trợ Kiev 22 tỷ euro, bao gồm 17,7 tỷ euro viện trợ quân sự, theo số liệu do Viện Kinh tế thế giới Kiel tổng hợp.

Chỉ vài giờ sau khi ký thỏa thuận với Đức, Tổng thống Zelensky cũng đã ký một thỏa thuận an ninh tương tự với Pháp. Thỏa thuận này bao gồm các cam kết hỗ trợ dài hạn từ phía Pháp cả về quân sự và dân sự dành cho Ukraine, trong đó đáng chú ý là khoản viện trợ quân sự Paris dành cho Kiev sẽ tăng lên 3 tỷ euro trong năm nay. Thỏa thuận có hiệu lực 10 năm và củng cố hợp tác trong lĩnh vực pháo binh giữa hai nước, đồng thời sẽ mở đường cho việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Pháp cam kết sẽ gửi thêm 3 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024, sau 1,7 tỷ euro viện trợ năm 2022 và 2,1 tỷ euro vào năm 2023. Bằng cách giúp Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của châu Âu, tăng cường nền tảng công nghiệp, công nghệ và quốc phòng của châu Âu”.

Theo Tổng thống Macron, thỏa thuận an ninh song phương Pháp-Ukraine hay các thỏa thuận tương tự giữa Đức và Ukraine, giữa Anh và Ukraine (ký tháng 1-2024) được thực hiện theo các cam kết được đưa ra trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva vào tháng 7-2023. Vào thời điểm đó, lãnh đạo NATO không đặt ra thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập khối nhưng các nước G7 cam kết sẽ hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine. Người đứng đầu nước Pháp cũng nhấn mạnh có khoảng 25 quốc gia đang đàm phán và dự kiến ký các thỏa thuận an ninh tương tự với Ukraine trong thời gian tới.

Phản ứng trước động thái trên, Nga lên án các quốc gia phương Tây chuyển giao những loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình SCALP-EG của Pháp cho Ukraine. Moscow khẳng định hành động tăng viện trợ quân sự cho Kiev của các quốc gia này sẽ chỉ góp phần khiến xung đột tại Ukraine kéo dài với những thương vong và tàn phá nặng nề hơn.

Việc viện trợ cho Ukraine của các nước châu Âu được đẩy mạnh trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở khu vực phía Đông vì tình trạng thiếu đạn dược và các cuộc phản công mới của Nga. Một số chuyên gia nhận định, những thỏa thuận an ninh song phương này chẳng khác nào một “viên thuốc an thần” xoa dịu Ukraine, trong bối cảnh gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine vẫn chưa được Quốc hội nước này thông qua.

HÀ LAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.