Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ diễn ra bên lề cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia) mới đây. Ngoại trưởng Rubio cho biết, ông và Ngoại trưởng Lavrov đã thảo luận “về những ý tưởng mới mẻ và khác biệt” để giải quyết xung đột Ukraine. Hai người đồng cấp đã thảo luận về một lộ trình khả thi để chấm dứt xung đột Ukraine và "chia sẻ một số ý tưởng về lộ trình đó". Ngoại trưởng Rubio bày tỏ hy vọng rằng Nga sẽ thể hiện "sự linh hoạt" hơn trong cách tiếp cận của mình.
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa ông Rubio và ông Lavrov, diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thất vọng với Nga khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài.
Nhấn mạnh cuộc gặp là “thẳng thắn và quan trọng”, ông Rubio nói Washington sẽ tiếp tục đàm phán với cả Nga và Ukraine nhằm nỗ lực tiến gần hơn đến hòa bình. Ông cho biết cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump để giải quyết bế tắc đó là tiếp tục thu hút tất cả các bên liên quan tham gia tìm kiếm một kết quả cho cuộc xung đột. Ngoại trưởng Rubio sẽ sớm báo cáo tóm tắt nội dung thảo luận với Tổng thống Donald Trump.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng mô tả cuộc đàm phán là một "cuộc trao đổi quan điểm thực chất và thẳng thắn" về việc giải quyết xung đột Ukraine. Bộ này cho biết, hai bên cũng nỗ lực khôi phục quan hệ kinh tế song phương và các cuộc tiếp xúc, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của việc bình thường hóa hoạt động của các phái bộ ngoại giao, khôi phục các chuyến bay trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
 |
Ngoại trưởng Mỹ Rubio gặp người đồng cấp Nga Lavrov bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 10-7. Ảnh: Reuters |
Cuộc thảo luận giữa hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông "không hài lòng" với Nga, cáo buộc Điện Kremlin không muốn giải quyết cuộc xung đột. Một ngày sau khi Mỹ chấp thuận gửi vũ khí phòng thủ tới Ukraine, ông Trump đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích Nga, nói rằng tuyên bố của Điện Kremlin về việc tiến tới hòa bình là "vô nghĩa".
Tổng thống Donald Trump cũng cho biết, ông đang cân nhắc ủng hộ một dự luật sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh đối với Nga, bao gồm thuế quan 500% đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt, uranium và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết Moscow vẫn "bình tĩnh" và sẽ tiếp tục cố gắng hàn gắn mối quan hệ "tan vỡ" giữa Mỹ và Nga. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune cho biết đang tìm cách thông qua dự luật trong tháng này để trao cho Tổng thống Donald Trump khả năng áp lệnh trừng phạt với những bên mua dầu khí từ Nga.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với NBC News mới đây, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông dự kiến đưa ra một "tuyên bố quan trọng" về Nga vào tuần tới, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ không giải thích chi tiết tuyên bố này sẽ liên quan đến vấn đề gì. Tổng thống Donald Trump cũng cho biết về một thỏa thuận mới mà ông mô tả là giữa Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine liên quan đến việc chuyển giao vũ khí của Mỹ.
Những phát biểu mới nhất của ông Trump được đưa ra giữa lúc Washington phát đi hàng loạt tín hiệu mâu thuẫn. Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đơn phương chỉ đạo tạm dừng bàn giao vũ khí then chốt cho Kiev, bao gồm cả tên lửa đánh chặn Patriot và đạn dược dẫn đường chính xác. Quyết định trên sau đó đã bị đảo ngược, ông Trump phủ nhận có liên quan và hiện cam kết sẽ cho phép các chuyến giao vũ khí bổ sung tới Ukraine. Ngoại trưởng Rubio sau đó nói với các phóng viên rằng việc tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine "đáng tiếc là đã bị hiểu sai".
Các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng quyền đặc biệt của tổng thống để viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng thông tin cho rằng gói viện trợ trị giá ước tính khoảng 300 triệu USD, có thể bao gồm tên lửa phòng thủ Patriot và vũ khí tấn công tầm trung. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump sử dụng quyền này, vốn cho phép tổng thống điều chuyển vũ khí từ kho dự trữ khẩn cấp mà không cần phải chờ Quốc hội phê chuẩn. Trước đó, Chính phủ Mỹ chỉ chuyển giao vũ khí theo chương trình viện trợ do người tiền nhiệm của ông Trump là Tổng thống Joe Biden phê duyệt.
Ông Trump đang cho thấy dấu hiệu mất dần kiên nhẫn khi những nỗ lực của ông nhằm đưa Moscow và Kiev vào bàn đàm phán không mang lại nhiều kết quả. Sau các cuộc đàm phán trực tiếp, Nga và Ukraine mới chỉ đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh, trong khi đàm phán hòa bình tiếp tục bế tắc.
Theo giới quan sát, với việc quyết định nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine, thúc đẩy dự luật cho phép trừng phạt Nga, ông Trump đang cho thấy có những thay đổi về lập trường đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
XUÂN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.