Đế chế Reliance của Mukesh Ambani
Tỷ phú Mukesh Ambani đã nỗ lực hết mình để giảm sự phụ thuộc của Reliance Industries mà ông thừa kế vào lĩnh vực năng lượng, qua đó tăng cường hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, phân phối và hàng xa xỉ.
Sự chuyển đổi này bắt đầu vào năm 2002 sau cái chết của cha ông, Dhirubhai Ambani - người sáng lập tập đoàn Reliance. Sự ra đi đột ngột của ông Dhirubhai Ambani không để lại di chúc đã dẫn đến cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" giữa Mukesh và em trai Anil, kém ông hai tuổi. Vào năm 2005, đế chế gia đình cuối cùng bị chia đôi: Mukesh thừa kế các hoạt động công nghiệp (công ty Reliance Industries), trong khi Anil phụ trách các lĩnh vực năng lượng và truyền thông (công ty Reliance Communications).
Dưới sự lãnh đạo của ông Mukesh, Reliance Industries đã mở rộng đáng kể, trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu mỏ, dệt may, tài nguyên thiên nhiên, bán lẻ và viễn thông. Reliance Industries được biết đến với khu phức hợp lọc dầu Jamnagar lớn nhất thế giới, có khả năng xử lý hơn 1,24 triệu thùng dầu mỗi ngày. Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Mukesh, công ty đã đa dạng hóa hoạt động bằng cách đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 |
Tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: Getty
|
Một trong những sáng kiến đáng chú ý nhất của Reliance Industries là thành lập công ty con Reliance Jio Infocomm Limited, ra mắt vào năm 2016. Jio đã cách mạng hóa thị trường viễn thông Ấn Độ bằng cách cung cấp các dịch vụ dữ liệu cực kỳ tiết kiệm, thu hút hàng triệu thuê bao và đưa Reliance lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Sự xuất hiện của nhà mạng Jio đã tạo ra một cuộc chiến giá cả và làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh, trong đó có công ty Reliance Communications do Anil đứng đầu. Reliance Communications không theo kịp và chứng kiến lợi nhuận của mình giảm dần, trong khi các khoản nợ ngày càng tăng. Chứng kiến em trai phá sản và nợ ngập đầu, năm 2019, tỷ phú Mukesh đã quyết định trả nợ (khoảng 80 triệu USD) cho công ty Ericsson của Thụy Điển để em trai tránh phải vào tù.
"Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới anh trai đáng kính và (vợ anh) Nita vì đã luôn sát cánh bên tôi trong thời điểm khó khăn này, chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì đúng các giá trị gia đình vững chắc bằng cách hỗ trợ kịp thời", ông Anil Ambani cho biết.
Biểu tượng cho sự phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Sinh ngày 19-4-1957 tại Yemen, Mukesh Ambani lớn lên ở Ấn Độ. Mukesh Ambani có bằng kỹ sư hóa học tại Đại học Bombay (hiện là Đại học Mumbai) và theo học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford (Mỹ). Tuy nhiên, ông đã ngừng việc học tiến sĩ vào năm 1981 để tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình và phụ trách một loạt các lĩnh vực như truyền thông, cơ sở hạ tầng, dầu khí, hóa chất…
Tỷ phú Mukesh là người có mối quan hệ gần gũi với các chính khách trên thế giới. Ông là một trong những khách mời của ông Donald Trump trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ vừa qua.
Không chỉ là một doanh nhân, tỷ phú Mukesh còn là biểu tượng cho sự phát triển kinh tế ở Ấn Độ. Khả năng chuyển đổi toàn bộ các ngành và thích ứng với xu hướng thị trường (ví dụ như năng lượng tái tạo) đã giúp ông trở thành một doanh nhân được kính trọng. Tầm ảnh hưởng của ông không chỉ giới hạn trong kinh doanh, mà còn tác động đến xã hội Ấn Độ thông qua các sáng kiến từ thiện của mình. Thông qua Quỹ Reliance, ông đã đóng góp vào các dự án cải thiện nông thôn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thúc đẩy thể thao ở Ấn Độ.
Được mệnh danh là “maharaja” (hoàng tử) thời hiện đại vì xây dựng tòa tháp riêng cao 27 tầng ngay trung tâm Mumbai, tỷ phú Mukesh không tiếc tiền để làm hài lòng con cái mình. Trong đám cưới con gái Isha, tỷ phú Mukesh đã mời ca sĩ Beyoncé dàn dựng chương trình với tổng chi phí lên tới 100 triệu USD. Đây là đám cưới tốn kém nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ. Năm ngoái, trong lễ cưới của con trai út với con gái của một giám đốc điều hành công ty dược phẩm, tỷ phú Mukesh đã thuê nam ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber để biểu diễn, tiêu tốn 10 triệu USD.
HOÀNG ĐĂNG (theo Forbes, timesnownews.com)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.